Tình yêu ở lứa tuổi sinh viên thường đẹp nhưng cũng ẩn chứa những nỗi lo lắng, phiền muộn. Trong những nỗi muộn phiền đó có cả những lo lắng, trăn trở trong tình yêu. Ở bài viết này, chúng ta sẽ bàn đến câu chuyện đồng thuận khi quan hệ tình dục để giúp các bạn trẻ có một tình yêu lành mạnh.
Từ những trăn trở…
“Anh ấy nói với em đã yêu thì phải trao cho nhau trọn vẹn cả về thể xác và tinh thần thì mới gắn bó được. Em cảm thấy chưa sẵn sàng thì anh ấy nói bóng gió sẽ đi tìm một nơi khác để thỏa mãn về thể xác mỗi khi anh ấy không kìm nén được vì con trai rất khó kiểm soát nhu cầu tình dục. Em rất sợ mất anh ấy?” (H.A, 18 tuổi)
“Bạn gái em muốn hai đứa tiến xa hơn một bước trong chuyên tình cảm, tuy nhiên, em chưa thấy sẵn sàng. Cô ấy cho rằng em không thực lòng xác định mối quan hệ lâu dài với cô ấy nên mới giữ khoảng cách và thể hiện sự bực bội với em.” (Q, 22 tuổi)
“Chúng em yêu nhau đã ba năm. Sau nhiều lần anh ấy bày tỏ việc cả hai có quan hệ tình dục với nhau thì em đồng ý, dù em không muốn có quan hệ tình dục khi cả hai còn đang là sinh viên và rất lo sợ mang thai ngoài ý muốn nhưng em cũng giữ được tình yêu này”(K.L, 21 tuổi)
Những chia sẻ trên của các bạn trẻ không phải là câu chuyện mới, tuy nhiên nó vẫn diễn ra ở nhiều nơi và là băn khoăn chung của nhiều bạn sinh viên. Chúng ta thường bàn tới câu chuyện bạo lực khi yêu liên quan đến bạo lực thể chất, tinh thần như có lời nói, hành vi thể hiện sự xúc phạm, sỉ nhục hoặc đánh đập, gây thương tích trên cơ thể cho người yêu, tuy nhiên, còn một điều ít bạn trẻ lưu tâm đến, đó là bạo lực trong chuyện quan hệ tình dục.
Đồng thuận: Đồng nhưng không thuận?
Hẳn nhiều bạn đọc sẽ cho rằng nếu đối tác nói đồng ý để chuyện có quan hệ tình dục diễn ra nghĩa là họ đã sẵn sàng. Bạn hãy suy ngẫm về điều này nhé! Trước khi bạn nói đồng ý, hãy dành một phút để suy nghĩ và trả lời câu hỏi sau: Liệu có nỗi lo sợ nào ngầm ẩn khiến bạn nói đồng ý hay không?
Bạn lo lắng tình yêu rạn vỡ, bạn đồng ý chiều bạn trai/ bạn gái của mình vì lo sợ người ấy sẽ rời xa bạn. Tình dục không song hành với tình yêu. Nếu hai đó nói rằng đã yêu thì chuyện quan hệ tình dục tất yếu xảy ra hay khi đã có quan hệ tình dục một lần thì lần hai, lần ba cứ mặc nhiên tiếp diễn thì đó là một quan điểm không phù hợp.
Tình dục chỉ diễn ra khi có sự đồng thuận của cả hai người trong cuộc. Sự đồng ý, thỏa thuận đó liên quan đến thời điểm, thời gian, cách thức, phương tiện bảo vệ …để hoạt động tình dục diễn ra thuận lợi, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn cho hai người trong cuộc. Nó cũng cần tính đến yếu tố an toàn (đảm bảo bạn gái không mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, không gây ảnh hưởng tới mối quan hệ hiện tại của hai người trong cuộc).
Bên cạnh đó, sự đồng thuận cũng cần tính đến sự tự nguyện, không có yếu tố ép buộc, lạm dụng (tất nhiên, cần đảm bảo cả hai đã đủ 16 tuổi trở lên bởi theo quy định của luật pháp, bạn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu quan hệ tình dục khi một trong hai người chưa đủ 16 tuổi). Ngoài ra, cần tính đến yếu tố trách nhiệm, điều này có nghĩa là khi có sự cố xảy ra liên quan đến chuyện có quan hệ tình dục thì cả bạn trai và bạn gái đều cùng đồng hành để tìm phương án giải quyết chứ không phó mặc, đổ lỗi.
Trên hết, hai người trong cuộc cần dành cho nhau sự tôn trọng, đảm bảo cả hai có quyền đưa ra ý kiến liên quan đến chuyện có quan hệ tình dục và dừng lại khi bản thân không mong muốn.
Từ những phân tích trên, nếu bạn gái/ bạn trai còn lo sợ bị bỏ rơi, sợ bị phát hiện, sợ bị phê phán, lo sợ mang thai, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục… thì rõ ràng dù lời nói đồng ý đã được đưa ra, sự đồng thuận chưa xuất hiện ở đây.
Ngoài ra, như chia sẻ của bạn H.A ở trên, bạn trai của cô ấy cho rằng bạn trai khó kiểm soát nhu cầu tình dục hơn bạn gái, đây là một quan điểm không đúng. Chưa có bằng chứng nào cho thấy rằng bạn trai khó kiểm soát nhu cầu tình dục hơn bạn gái.
Thực tế cho thấy, không ít bạn trai vẫn giữ gìn chuyện có quan hệ tình dục tới khi bạn gái thực sự sẵn sàng hoặc cả hai đi tới hôn nhân. Việc gây sức ép cho người yêu bằng cách nói lời chia tay hoặc thể hiện tâm trạng buồn, thất vọng, tức giận, chán nản khi không đạt được việc có quan hệ tình dục với đối phương đều là các hình vi bạo lực khi yêu.
Làm gì khi sự đồng thuận chưa diễn ra?
Khi sự đồng thuận chưa diễn ra, bạn nên làm gì? Hãy cùng điểm qua một vài mẹo nhỏ sau đây để ứng phó bạn nhé!
– Hãy can đảm nói “không” khi chưa sẵn sàng. Chẳng hạn “Anh/em cảm thấy chưa sẵn sàng cho việc có quan hệ tình dục ở độ tuổi sinh viên. Chúng ta hãy chờ tới khi cả hai cảm thấy sẵn sàng, chuẩn bị đầy đủ về mặt thể chất, tinh thần thì chuyện ấy diễn ra sẽ trọn vẹn hơn. Ở thời điểm này, anh/ em rất tiếc phải nói không với chuyện có quan hệ tình dục”.
Hay “Việc có quan hệ tình dục chỉ nên diễn ra khi chúng ta đủ trưởng thành, ít nhất là khi đã hoàn thành việc học tập, đi làm và có thể tự nuôi sống bản thân. Nỗi lo sợ mang thai ngoài ý muốn, sợ bị phát hiện…khi việc quan hệ tình dục diễn ra có thể ảnh hưởng tới việc học tập của cả hai và anh/ em cảm thấy không yên tâm, thoải mái với việc đó”. Việc trao đổi, thảo luận giữa hai người trong cuộc để tìm sự thấu hiểu, đồng cảm là cần thiết để sự đồng thuận diễn ra. Tất nhiên, ở đây là sự đồng thuận không có quan hệ tình dục khi cả hai chưa sẵn sàng.
Một số giải pháp cần lưu ý
- Học cách nói không, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”
Khi bạn nói không, bạn đồng thời cần tránh những không gian riêng tư- nơi chỉ có hai người để không tạo điều kiện cho hành vi quan hệ tình dục xảy ra. Nếu hai bạn đi chơi cùng nhau, hãy rủ thêm một số bạn bè thân của cả hai. Hoặc khi chỉ có hai người, hãy lui tới những nơi công cộng như rạp chiếu phim, siêu thị, công viên… Khi yếu tố không gian không thuận lợi, nhu cầu của bạn gái/ bạn trai sẽ phần nào được kiểm soát.
- Luyện tập thể dục, thể thao
Luyện tập thể dục thể thao hàng ngày vừa giúp ích cho sức khỏe của bạn, vừa giúp bạn giải giải phóng năng lượng tình dục một cách lành mạnh. Vì vậy, hãy lựa chọn một môn thể thao mà bạn yêu thích và thực hiện nó hàng ngày
- Tìm sở thích mới
Đọc sách, trò chuyện với bạn bè, người thân, chăm sóc cây trồng, nuôi thú cưng…mỗi khi ý nghĩ về tình dục xuất hiện cũng là giải pháp hiệu quả được không ít bạn trẻ áp dụng khi trì hoãn việc có quan hệ tình dục với bạn trai/ bạn gái của mình.
- Từ bỏ các mối quan hệ không lành mạnh
Cuối cùng, nếu hành vi bạo lực vẫn tiếp diễn dù trực tiếp hay gián tiếp, bạn hãy mạnh dạn từ bỏ một mối quan hệ không lành mạnh đó để bạn luôn tự tin, an toàn bởi bạn xứng đáng có được hạnh phúc. Hãy tự tin với tâm niệm tích cực: “Khi một cánh cửa đóng lại, những cánh cửa khác đồng thời mở ra, hãy tự tin bước về phía trước vì bạn xứng đáng”.
Không ít bạn trẻ chưa nhận diện được hành vi bạo lực khi yêu liên quan đến tình dục. Do đó, còn cảm thấy trăn trở không biết nên làm thế nào để xử lí trong tình huống bản thân trải qua hành vi này. Hi vọng, bài viết ở trên cung cấp cho các bạn thêm thông tin để có thể tự tin nói “không” và bảo vệ chính mình. Chúc bạn có một tình yêu đẹp, đồng thuận, lành mạnh!
Nếu bạn cần chia sẻ, tìm giải pháp cho các khó khăn liên quan đến tình dục, sức khỏe sinh sản, tâm lý tình cảm một cách ẩn danh, bảo mật, hiệu quả. Hãy sử dụng dịch vụ tư vấn miễn phí tại website: tamsubantre.org. Tại đây, các chuyên gia tư vấn sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng bạn. |
Bộ môn Cơ bản
Trường Cao đẳng FPT Mạng cá cược bóng đá
cơ sở Hà Nội