Mộc Châu phượt ký (Kỳ II)

8:04 07/01/2012

Mộc Châu phượt ký (Kỳ I): Lên đường

Chuyến đi là cả một hành trình dài. Chúng tôi được thỏa cái đam mê “phượt”, tự xông đi tìm tòi, tự khám phá những điều mà bản thân mới chỉ là “nghe nói”. Cái cảm giác tự trải nghiệm đó, thật lạ kỳ..

 

Kỳ 2: TẢN MẠN NHỮNG TRẢI NGHIỆM

“Phượt” thời …@

Trước khi lên đường, tôi đã “lặn ngụp” tìm kiếm tất cả những thông tin cần biết về Mộc Châu. Chỉ chưa đến 1 giây, danh sách kết quả đủ dài để có thể mở mỏi tay và hoa mắt. Những “điểm sáng” về phong cảnh, thiên nhiên được quy về những cái tên như : Hoa cải Pa Phách, Thông Cuông, Tà Phình, Thác Dải Yếm, Hang Dơi  hay còn có cái tên mỹ miều là Động Sơn Mộc Hương, Đồi Chè, Rừng Thông bản Áng, Hoa Dã Quỳ, Ngũ Động bản Ôn… Còn ẩm thực thì Mộc Châu nổi tiếng với bê chao, sữa, và các quán ăn quanh quẩn 64, 70 gì đó…

Tôi cẩn thận in lại các bài viết về Mộc Châu. Sau đó nhờ cô sinh viên tên Trang, người Mộc Châu- rà soát và đánh dấu những chỗ cần thiết. Trang  gợi ý cho tôi là nên ăn ở quán 70 và nên đưa đoàn đi thăm vườn hoa nhiệt đới.

Ngoài việc ghi lại những địa danh đã mòn dấu chân du lịch, tôi “back up” thêm các phương án cũng hứa hẹn những hành trình thú vị. Đoàn có thể sẽ thăm vườn dâu tây bản Áng, rồi thăm hợp tác xã dệt thổ cẩm để tham quan quy trình dệt của người Thái. Trà ô long – một trong thập đại danh trà- đã được trồng và sao ở Mộc Châu. Thế nên đi thăm và xem cả quy trình sao trà ô long cũng là một phương án mà tôi thấy không tồi.

Trong khi lần tìm trên Internet, tôi đọc được thông tin về Tết của đồng bào H’Mông đúng vào thời gian đoàn “phượt” FPoly lên đường. Vậy là tôi lại mơ màng về việc vào bản Mông, có đường đèo quanh co, khúc khuỷu bên sườn đồi đầy hoa cải, hoa mận, hoa đào. Cảnh thì thật là đẹp và lạ lùng với những ngọn núi vờn sương, lại đủ hẻo lánh để không phải đụng độ bất cứ đoàn du lịch nào. Tôi cũng mơ tưởng về một sân bãi rộng mờ ảo, nơi đồng bào Mông tập trung ăn tết rực rỡ sắc màu…

Bỗng thấy yêu cái thời đại Công nghệ Thông tin và “bác” Google này quá!

Trekking starts..

Trước khi đi, qua “bác” Google, tôi tìm được 1 người tên Chung, là giáo viên người Kinh trên Mộc Châu đăng tin cho thuê nhà trọ. Tôi đã liên hệ nhờ thuê nhà sàn cho 18 người.

……

4h chiều, đoàn “phượt” FPoly lên đến nơi.

Chung dẫn chúng tôi vào nhà ngay bản Áng, bản của người Thái. Lúc này tôi mới hiểu, thì ra đây là tay môi giới!

Nhận và thu xếp xong chỗ ở cho cả đoàn. Nhưng khi còn chưa ấm chỗ, anh em bắt đầu cái ý định khám phá bản Áng bằng…đi bộ. Trekking Starts.

FPoly trekking bản Áng

Người Thái thường ở nhà sàn, có hai bậc thang lên xuống ở hai bên nhà với số bậc lẻ. Một bên bảy bậc dành cho nam, một bên chín bậc dành cho nữ. Họ trang trí hai đầu nhà tạo cảm giác trông giống như cái mai rùa, và cả ngôi nhà nhìn như hình con rùa đứng. Nhà người Thái Trắng không có “Khau cút”- là cái hình chữ X để trên nóc nhà-  như người Thái Đen.

Thích thú quan sát và khám phá. Chúng tôi gặp anh Thiệp, đang làm nhà cùng cậu con trai 9 tuổi. Anh dừng tay, vui vẻ tiếp chuyện và sẵn sàng trả lời tất cả các câu hỏi tò mò của cả đoàn. Anh nói với chúng tôi chuyện những chiếc cột nhà to đùng được anh kiếm ở trên rừng, sau đó thuê người chở về như thế nào. Rồi anh kể về chuyện các nhà sư tu hành đã bị chôn sống ở cây đa gần đó…

Cây đa bản Áng, phải đến hơn chục người ôm không hết gốc. Quanh năm xanh rì và rất linh thiêng. Đoàn không quên vào đó thắp những nén hương. Mà hương của người Thái, mùi thơm rất dễ chịu.

Cây đa bản Áng mười người ôm không xuể

Đi chưa được bao nhiêu, cái tối đã bao trùm cả Bản. Chợt nhớ còn phải lo ăn tối cho đoàn, tôi gọi điện nhờ Chung chuẩn bị lửa trại, gà và xôi. Không quên nhờ Chung mượn hộ bộ sạp, vì đến với Mộc Châu, ở giữa bản của người Thái thì cũng nên trải nghiệm nhảy sạp. Chung nói sạp thì sẽ phải thuê với cái giá 100 nghìn. Tôi thầm nghĩ, trong khi có thể kiếm được những cột nhà đường kính đến 70 cm, thì vài cái ống bương lại bắt thuê những 100 nghìn. Thế mới biết, người Kinh mình giỏi làm ăn thế nào!?

Tôi quyết định vào nhà dân để mượn.

Cô Mai, một người Thái, trước kia từng là thanh niên xung phong, cho chúng tôi mượn một bộ gồm 8 cây gậy. Cô còn tận tình chỉ cách gõ, và hứa nếu có thời gian sẽ vào khu lửa trại dạy chúng tôi múa sạp.

Bữa tối của cả đoàn diễn ra không suôn sẻ. Tôi thấy bực mình, bức bối. Vì vừa mất tiền đưa cho họ lo thức ăn, nhưng lại nhận được kiểu dịch vụ nửa vời. Có những yêu cầu tối thiểu cho 1 bữa ăn, họ cũng không muốn làm..

Chán, tôi gọi điện nhờ cô Mai. Cô giúp đỡ thật nhiệt tình. Không công!..

Sau bữa ăn, cô Mai dạy mọi người múa sạp. Điệu múa này, nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng lại yêu cầu tập luyện kỹ thuật khó và khả năng làm việc nhóm. Ngoài ra còn phải biết nghe nhịp trên các bản nhạc để có thể nhảy được các điệu tương ứng. Thế nên, khi mới bắt đầu, thấy có bộ sạp, các đoàn phượt khác xúm vào tạo thành một đám đông. Nhưng rồi họ cũng mau chóng chán và tản ra dần…

Ở bản Áng, xe máy, xe đạp, ngựa… mọi người để ở gầm nhà sàn, không có tường bao, mà chẳng bao giờ mất trộm. Nhớ lại hồi ở bản Lác -Mai Châu cũng thế. Mặc dù ở vùng cao, nhưng văn minh thương mại người Thái thì không “vùng cao” tẹo nào. Bạn dễ dàng bắt gặp những hàng quán, nhiều khi không có người trông. Bạn có thể cứ tự nhiên sà vào xem hàng, thậm chí dùng thử chụp ảnh, kể cả bạn không mua thì bạn cũng luôn nhận được những nụ cười thân thiện, chứ không phải những cái nguýt dài, đốt vía kiểu… người Kinh.

Chúng tôi đi đúng đợt rét. Người nào người  nấy chằng đụp bao nhiêu loại, từ áo lông, áo gió đủ cả. Vẫn rét. Thử đắp chăn Thái, những chiếc chăn bông nhẹ tênh, nhưng đắp đến đâu biết đến đó, ấm áp vô cùng.

Càng tiếp xúc với người Thái, càng thấy họ đáng yêu lạ kỳ. Không chỉ tinh tế ở làm nhà, nấu ăn, nhảy múa mà họ dệt cũng rất giỏi.

Đó là lý do mà mỗi khi ai đó cần chỗ trọ ở Mộc Châu, tôi luôn khuyên họ qua bản người Thái ngủ nhờ. Bởi tôi biết, ở đó luôn có những tấm lòng rộng mở sẵn sàng chào đón những khách lạ…

Lạc vào “thiên đường”

Lịch trình đi cho ngày hôm sau. Tôi định dẫn đoàn đi thăm vườn hoa nhiệt đới theo lời khuyên trước khi lên đường của cô sinh viên tên Trang.

Nhưng bị lạc!

Một cung đường mà đúng như tôi mơ ước. Như cánh cửa “Thiên đường” đưa chúng tôi đến với bản người H’Mông- tôi sẽ dành hẳn một bài viết về con đường này ở kỳ sau.

Ngỡ ngàng H’Mông

Người H’Mông ăn tết từ 1/12 âm lịch. Tết của họ thường thì sẽ kéo dài 10-15 ngày, nhưng có nơi là cả tháng, đến tận Tết nguyên đán. Chúng tôi đến một bãi rộng trong làn sương, hiện lên một rừng người H’Mong rực rỡ sắc màu. Họ đang tập trung xem ném đầu- pao, một trò chơi truyền thống. Có lẽ bản này ít khi gặp khách du lịch, cho nên họ nhìn chúng tôi rất lạ lẫm.

Tết ở bản H'Mông rực rỡ sắc màu trong làn sương mờ ảo

Tân nói: “Cảm giác cứ  như lạc vào nước khác vậy. Em không hiểu họ nói gì anh ạ”. Nhưng sau khi thấy chúng tôi đến, ban tổ chức đã bắt đầu dùng tiếng Kinh để thuyết minh và nói tỷ số của trận đấu. Chúng tôi coi đó là một cử chỉ hiếu khách mà đồng bào nơi đây đã dành cho đoàn.

Chúng tôi chủ động bắt chuyện với mọi người trong bản. Họ nói bằng một thứ tiếng Kinh hơi.. ngọng nghịu. Khi biết đoàn đến từ Hà Nội, Hải Phòng.. họ có hỏi chúng tôi “có phải Việt Nam không?” Có lẽ, ở một nơi không có sóng điện thoại di động như nơi đây, thì những điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng dường như cũng nhờ việc xa lạ với thế giới công nghệ, với người ngoài, đã làm cho cuộc sống của họ vẫn đậm đà chất H’Mông như vậy.

Những cô gái H’Mông trang phục xúng xính. Bạn có thể nghe thấy những tiếng nhạc rất vui tai phát ra từ những đồng bạc được gắn trên áo của họ. Các cô cũng có vẻ ít tiếp xúc với người lạ. Có lẽ vậy, nên khi chúng tôi đề nghị chụp ảnh, hầu hết các cô đều tỏ vẻ bẽn lẽn, ngại ngùng.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng thuyết phục được hai cô gái H’Mông đồng ý. Mỗi lần chụp xong, họ lại ríu rít chạy ra xem ảnh của mình hiện lên trên chiếc màn hình máy ảnh như thế nào. Nụ cười sơn cước trong trẻo. Tôi thấy các em đẹp lạ, vừa đẹp vừa huyền bí như chính văn hóa của các em vậy.

Người H’Mông có tục bắt vợ, cho nên các cô gái H’Mông thường lấy chồng sớm, có khi ở tuổi 13. Ở cái tuổi ấy, nghĩ về Hà Nội của mình, thấy các em còn quá non nớt, còn được bố mẹ bao bọc, lo từng bữa ăn, giấc ngủ, ngày ngày còn cắp sách đến trường.. Còn ở giữa nơi này, họ lại sớm bước vào cái vòng luẩn quẩn không lối thoát ấy.

Nhìn cô gái chắc chưa đến 17 tuổi địu con sau lưng, đứa trẻ hồn nhiên cười khanh khách, cảm xúc trong tôi thật khó tả.

Tôi lại nghĩ đến câu chuyện có một chàng trai Kinh chụp ảnh một cô gái H’Mông xinh đẹp. Tự hứa với lòng mình sẽ mang ảnh đến tặng cho cô. Bẵng đi vài năm, khi chàng trai gặp lại cô gái để thực hiện lời hứa lòng, chàng trai sững sờ và xót xa. Không thể ngờ được những dấu vết của thời gian và sự vất vả với thiên chức gia đình lại hằn lên trên cô gái nhanh đến thế!

Hoa của núi

Cả đoàn FPoly bị thu hút ánh nhìn từ sự rực rỡ hiện lên mờ ảo trong sương, rồi bị cuốn vào những cái nhìn thơ ngây, những điệu cười vang của con trẻ- những em bé H’Mông.

Các em bé H'Mông như hoa của núi rừng

Người lớn tập trung quanh khu vui chơi. Còn trẻ con cũng túm 5 tụm 3 thành từng nhóm, tự chơi, tự nô đùa với nhau. Trong khi chúng tôi áo len, áo khoác, găng tay còn rùng mình vì rét, thì các em ăn mặc phong phanh, chân đất. Nhưng những nụ cười vẫn sáng bừng, rạng ngời, đẹp như những bông hoa của núi. Có lẽ, với các em, niềm vui và hạnh phúc có được không phải từ những nhu cầu vật chất.

Tạm biệt Mộc Châu, tuy còn nhiều kế hoạch chưa được thực hiện. Trên đường trở về, ThuanTV nói với tôi, “đi chơi Mộc Châu chắc phải mất hàng tuần anh nhỉ?”

Ừ, mà có lẽ hơn…

 Bùi Văn Phát

FPT Mạng cá cược bóng đá

Đăng Kí học Fpoly 2023

3 bình luận trong “Mộc Châu phượt ký (Kỳ II)

  1. Đọc mà nhớ chuyến đi quá, mỗi tội bài này hơi ngắn anh ạ, đọc chưa thấy hết được những gì cả đoàn đã trải qua

    1. Chuyến phượt sau (nếu có) về quê a Thuần thì chắc còn vui hơn nữa :)) Leo núi đã sợ rồi, say sóng còn sợ hơn =))

    2. Ừ, anh chỉ có ý định ghi lại những trải nghiệm thôi, còn về cung đường vào bản anh sẽ viết sau 🙂

Bình Luận