Tôi nghĩ, tôi đã quyết

17:44 05/12/2011

Khi nhận đi cùng Nam “Già” sang Nigeria, thú thực là tôi cũng chưa nghĩ mình có thể sang đây làm việc. Có thể Nam “Già” đã thuyết phục được tôi.
Trước đây, tôi thường trách móc những người Việt bỏ hàng trăm triệu để sang được Nga, Tiệp hay Đức rồi vạ vật trong các trại tị nạn. Tại sao họ lại từ bỏ cuộc sống ở quê nhà để lang thang nơi trời Âu giá lạnh và nhận mức lương tị nạn, rồi phải đi làm chui mà chẳng biết đến bao giờ mới có thể trả hết món nợ trước khi đi?

Anh T. là một người như vậy và vô cùng ít nói. Trong một lần anh em đã gần say khướt, anh mới tâm sự chẳng biết thật hay không, ông bà già anh mở cho một quán cà phê, làm ăn cũng đủ ăn tiêu nhưng mãi cứ như thế thì chán. Làm thằng đàn ông không biết đó biết đây thì hèn quá. Tôi mới thấy mình thật nhỏ nhoi khi đánh giá anh.

Trên chuyến bay sang Doha (Qatar), chúng tôi gặp một đoàn anh em người Việt sang Trung Đông làm thợ xây. Hành trang cho một chuyến đi dài thật giản đơn với chiếc vali nhỏ. Một chiếc mũ cối ghi nguệch ngoạc tên các anh và ngày lên máy bay. Các anh bỏ lại tất cả đằng sau mà không cần nghi ngại gì? Hành lý các anh còn đơn giản hơn chúng tôi đi công tác 2-3 tuần. Tôi bảo với Nam “Già” (Nguyễn Thành Nam, Ủy viên HĐQT FPT) là mình nên tự cảm thấy xấu hổ vì chẳng có được sự dũng cảm như mấy anh em kia.

Lần này đã là lần thứ tư tôi đến Nigeria, vẫn cảnh lộn xộn và chen lấn với quy trình nhập cảnh rườm rà hoặc do chẳng có quy trình gì. Nigeria là vậy, hoàn toàn hồn nhiên trong thế giới văn minh cũng giống như Việt Nam cách đây hơn mười năm cũng vậy.

Một đồng nghiệp tại Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) đã nói với tôi: Nói chung họ không muốn làm ăn gì ở nơi hoang dại như Nigeria. Tôi lại chợt nhớ đến cậu bạn, đi thi Tin học quốc tế, giờ làm lập trình viên cho một tổ chức tài chính chuyên về tính toán rủi ro để đầu tư hay như có chị từng nổi danh vì là một trong những người Việt có bằng tiến sĩ Harvard vẫn đang cặm cụi tham gia vào dự án của một tổ chức đầu tư phát triển tại London. Họ sẽ mãi vẫn là những người làm công đơn giản và nhạt nhòa trong xã hội phát triển. Họ cũng đang có mong muốn đổi thay. Có lẽ người Việt với bản chất linh hoạt sẽ dễ sống hơn ở những nơi còn đang hỗn mang, lộn xộn? Rất nhiều người Việt tại Đông Âu đã trở nên thành đạt trong giai đoạn chuyển đổi của các quốc gia này. Nigeria đang là một nơi như vậy, lộn xộn và hỗn mang.

Mấy anh bạn trong nhóm nghiên cứu về kinh tế hỏi tôi thấy gì ở đó? Tôi nói chỉ cần biết ở đó đang thặng dư 40 tỷ USD cán cân thương mại, tỷ lệ vay nợ nước ngoài chỉ chiếm có 11% GDP, tốc độ phát triển năm nay khoảng 8,75%. Với các chỉ số vĩ mô như vậy trong thời điểm khủng hoảng thì Chính phủ của đất nước này đang có trong tay nhiều quân bài tốt cho cuộc chơi phát triển kinh tế và họ đang thể hiện ra như vậy.

Với một miền đất như thế, chúng ta nên lên đường để bỏ đi cái trì trệ trong mỗi người. Ít ra với trận đánh lớn, chúng ta sẽ trưởng thành nhiều.

Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sốngở Nigeria. Hans, giảng viên IT người Mỹ tại Đại học FPT, vốn là người thông hiểu về các tôn giáo đã cùng tôi đến dự một buổi lễ vào ngày chủ nhật tại Nigeria. Các nhà thờ nhỏ nằm xen trong các khu dân cư mang lại đời sống tinh thần nhiều màu sắc cho người dân nơi đây. Tôn giáo phần nhiều tại Lagos mang hơi hướng của Mặc Môn nhưng Hans quả quyết là không phải, mà cho rằng đây là một phái hệ Thiên Chúa điển hình của châu Phi. Các sinh viên Nigeria học ở Việt Nam cũng vẫn đều đặn đến nhà thờ và trong các trao đổi vẫn thường viện dẫn đến quyền năng của Đấng tối cao. Họ luôn tin vào phép màu nhiệm vẫn đang đi theo cuộc đời. Và có lẽ vì thế mà nỗ lực của họ thấp hơn chăng?

Ngoài Thiên Chúa giáo ở phía Nam thì phía Bắc lại chiếm đa số bởi cộng đồng Hồi giáo. Trong đó có cả các nhóm cực đoan thỉnh thoảng đánh bom hoặc gây bạo động. Các nhóm này khá giống với cách hoạt động của nhóm Hồi giáo tại Thái Lan hay Philippines. Có lẽ vì ở xa hơn mà chúng ta thấy sợ hơn chăng? Tôi đã gặp một cựu thứ trưởng Nigeria người Hồi giáo, theo giáo lýthì giờ ông này không được làm kinh doanh nữa, chỉ được làm từ thiện thôi. Chắc rằng đạo giáo nào cũng khuyến khích con người hướng thiện, chỉ có những kẻ lợi dụng tôn giáo cho hoạt động chính trị của mình mới kích động nên các cuộc chiến.

Bầu cử là thời điểm nhạy cảm mà đối tác khuyên chúng tôi nên rời khỏi Nigeria trước khi sự kiện này diễn ra. Những lần trước đây đều có các hành động bạo lực, thanh toán giữa các đảng phái. Tuy nhiên, sau khi về Việt Nam, chúng tôi được báo lại lần này chỉ xảy ra vài vụ lẻ tẻ. Có lẽ quốc gia này đang tốt lên trong quá trình chuyển từ quân sự sang dân sự. Theo đó, một lần nữa đại diện là người Thiên Chúa giáo đã chiếm trên 50% phiếu bầu để trở thành Tổng thống.

Nigeria là quốc gia có sự phân hóa vô cùng mạnh mẽ. Các tỷ phú lớn nhất châu Phi cũng ở quốc gia này điển hình như vua xi-măng Dangote là người Hồi giáo đang sở hữu tài sản khoảng 13 tỷ USD. Tuy nhiên, theo một số báo cáo thì có tới 79% dân số sống ở mức nghèo khổ.

Cậu phục vụ tại khách sạn nơi chúng tôi ở quả quyết rằng: Nigeria chỉ có người giàu và người nghèo, không có trung lưu. Công ty chỉ có chủ và tớ, không có lãnh đạo cấp trung. Chắc rằng nhận xét trên có phần phóng đại nhưng cũng không quá xa so với thực tế. 21st Century Technologies hiện nay phải trông cậy vào đội ngũ chuyên gia nước ngoài để điều hành công ty. Kinh nghiệm thành công như của MTN, công ty viễn thông lớn nhất Nigeria, cũng được kể đến vì thuê rất nhiều cán bộ cấp trung của Trung Quốc.

Cuối tuần, trên bãi biển Lagos lại nhộn nhịp ngược xuôi các chuyên gia quốc tế với mọi màu da đi chơi xuôi ngược. Hình thành được cộng đồng tại đây phải kể đến người Ấn Độ và Libăng. Người Trung Quốc vào sau cùng nhưng đang chiếm những vị trí quan trọng. Adam, một doanh nhân trẻ mới hơn 30 tuổi, đang lãnh đạo bộ phận kinh doanh của Huawei (Trung Quốc) cho biết cậu đã ở đây8 năm và điểm duy nhất để thắng Siemens hay Ericsson đơn giản vì họ quen cậu 8 năm, còn các lãnh đạo công ty kia hết nhiệm kỳ 3 năm là bỏ về mất.

Khi nhận đi cùng Nam “Già” sang Nigeria, thú thực là tôi cũng chưa nghĩ mình có thể sang đây làm việc. Có thể Nam “Già” đã thuyết phục được tôi. Có thể hình ảnh những anh em người Việt một vali, một mũ cối vẫn lên đường, có thể vì ngày xưa có con người vĩ đại bôn ba khắp năm châu dù chẳng có gì trong tay mà vẫn lên đường đã thuyết phục tôi. Nhiều người đã bỏ công ty nay trở lại vì nghĩ rằng còn đâu đó sự nhiệt huyết của tuổi trẻ đầy phiêu lưu và chinh phục. Tôi nghĩ, tôi đã quyết.

Đàm Quang Minh

(Theo Chungta.vn)

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận