Năm 1999, nếu nói một cách hoa văn thì phần mềm cũng thảnh thơi, thành thật hơn là lúc đó chúng tôi ít có việc gì để làm. Và FPT bắt đầu gạn lọc, xem xét. Lúc bấy giờ, mọi người cũng manh nha nói về chứng khoán, cũng sàn này, sàn kia, nói đi, nói lại rất nhiều lần. Khi đó, khái niệm thị trường chứng khoán vẫn còn rất mới mẻ ở Việt nam, nhưng hai màu xanh, đỏ và sự lên xuống đầy hấp dẫn của thị trường chứng khoán thế giới đã khiến nhiều người ham mê, nghiên cứu.
Tôi thầm nghĩ, thị trường này sẽ có tiềm năng và đã cất công học hỏi. Tôi đã có 3 chứng chỉ về chứng khoán sau một thời gian tìm hiểu lĩnh vực này. Vào thời điểm 1999, tìm được một người có trong tay 3 chứng chỉ về chứng khoán là rất hiếm. Sau này, khi FPT mở công ty chứng khoán, anh TùngND đã có ý định “mượn” những chứng chỉ đó.
Phần mềm chứng khoán, FPT xác định đây là cơ hội và chúng ta làm.
Thời kỳ đầu, Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội dự kiến ra trước, vào khoảng năm 2000. Sàn giao dịch chứng khoán Hà nội bắt đầu tuyển mộ nhân sự, nhưng vì nhiều lý do khiến sự mắt này bị đình hoãn đến tận năm 200. Có những nhân sự tôi quen, khi ra được sàn, gặp lại họ đã có mấy con rồi.
Dù Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội khất ngày ra, nhưng công việc của FPT thì không thể lần lữa. Một thời gian sau khi nghiên cứu, tôi tiến hành làm việc với Ban chấp hành đoàn của UBCK để viết chương trình về đào tạo chứng khoán. Tôi được làm việc với hai người tên nam và một người tên Quảng. Trong đó, một anh nam sau này là Giám đốc công ty chứng khoán Kiên Long, anh còn lại hình như làm Tổng thư ký hiệp hội các công ty chứng khoán, riêng anh Quảng sau này đi nước ngoài nhưng vì phát ngôn lung tung đã bị cấm trở lại Việt Nam.
Tham gia viết phần mềm gia dịch chứng khoán với tôi thời đó có anh Lục Đình Vinh (nay không còn làm ở FPT), anh Trần Đức Chiến, với mục tiêu mô phỏng hóa các cách thức đặt lệnh, khớp lệnh. Chương trình viết xong nhưng cả hội băn khoăn không biết làm thế nào để hệ thống chạy được và đành dừng lại ở đó.
Tôi những tưởng bế tắc thì UBCK quyết định thành lập Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM. Lúc này, trận chiến của FPT mới thực sự bắt đầu. Anh ngọcBQ, PTGĐ FPT và tôi đã tới gặp UBCK thuyết phục rằng: “Chúng tôi có năng lực, có quy trình và chúng tôi làm được”. Rủi thay, khi đặt vấn đề với UBCK, tại thời điểm đó UBCK cũng không có tiền. UBCK đã đưa ra nhiều phương án, thậm chí đề nghị FPT viết chương trình và
cho UBCK thuê lại. Anh TiếnLQ, PTGĐ FPT trong một phiên họp đã từ chối thẳng thừng lời đề nghị trên.
Không thuyết phục được FPT, UBCK đã vận động và cầu viện được sự hỗ trợ của các sàn giao dịch của nhiều công ty nước ngoài, trong đó có Thái Lan. người Thái đã cho không UBCK phần mềm về chứng khoán, đến nay phần mềm đó vẫn đang được sử dụng.
Tuy nhiên, UBCK chỉ có phần mềm về giao dịch, trong khi các phần liên quan đến back-office như lưu ký, thanh toán bù trừ… họ lại không có. Đắn đo mãi, UBCK cũng quyết định chọn FPT để ký hợp đồng.
Để triển khai hợp đồng đó, những hảo tướng của FPT là Lục Đình Vinh, Trần Đức Chiến đã phải vào TP HCM và nằm rất lâu từ tháng 12/1999 cho đến tháng 07/2000 khi sàn khai trương. Thậm chí, để thuận tiện hơn trong công việc, 10 nhân viên của FPT đã đóng quân tại một khách sạn gần chợ Bến Thành rất nhiều ngày. Sau ngày 20/07, khi Sàn giao dịch TP HCM khai trương, FPT cũng tiến hành tách hướng. Tôi lúc đó đảm nhiệm việc triển khai hệ thống phần mềm giao dịch ở Hà nội. ngay từ lúc đầu, FPT đã xác định, làm việc với công ty chứng khoán để kiểm tiền trong khi làm việc với các sàn giao dịch là vì bộ mặt, danh dự của FPT. Chúng tôi luôn có 10 người lúc nào cũng túc trực ở Sàn giao dịch Hà nội và cũng chừng ấy người ngồi ở Trung tâm lưu ký.
Từ đó đến nay có nhiều thăng trầm, có nhiều người đến và không ít người ra đi, tuy nhiên, FPT vẫn duy trì được một đội làm về phần mềm chứng khoán và chinh chiến đến tận hôm nay. Có thể nói, từ những thành công ban đầu FPT tạo dựng được đã xây nên uy tín, thương hiệu lớn, đến bây giờ, khi có nhiều công ty cung cấp phần mềm chứng khoán nhưng hầu hết các công ty chứng khoán vẫn coi FPT là đối tác lớn, bất cứ việc gì, dù dễ hay khó họ đều cầu viện đến FPT.
Thậm chí, UBCK khi đến kiểm tra các công ty chứng khoán, chỉ cần thấy sản phẩm của FPT, UBCK cũng không làm gắt gao lắm. Hoặc có những công ty, tuần sau UBCK đến kiểm tra, mà phần mềm của công ty họ không chạy được, họ liền nhờ FPT đến giúp. Dù đã đặt bút ký nhưng thâm tâm tôi hơi lo, chẳng biết công ty đó có quỵt tiền không?, dù biết đó là người quen. Cực chẳng đã, tôi liền cử một người túc trực ngay tại cửa công ty, chắc chắn lấy được tiền rồi mới tiến hành cài đặt.
Cứ ngỡ mọi việc sẽ êm xuôi, nhưng, khi đặt chân vào lĩnh vực mới này, con đường của FPT lại không hề bằng phẳng. Tôi nhớ, khi FPT đến công ty chứng khoán Đệ nhất, ở tận Bình Dương, chào bán phần mềm, gặp anh Thể, Giám đốc công ty lúc bấy giờ, anh thẳng thừng: “Tao không dùng phần mềm của mày. Tao dùng phần mềm quản lý tài sản cố định để quản lý cổ phiếu, dùng excel để khớp lệnh và dùng quản lý nhân sự để quản lý lưu ký nên không cần phần mềm của FPT”. Tôi chán, đi về.
Tôi cũng chẳng lấy thế làm buồn lâu, bởi ngay sau đó, FPT đã ký hợp đồng với hai công ty chứng khoán Sài Gòn và công ty chứng khoán Bảo Việt. Sau 9 năm có lẻ, tôi đánh giá FPT đã khá thành công, thậm chí là đi trước về phần mềm chứng khoán. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy có một vài dấu mốc. Thời kỳ đầu, những năm 1999 – 2002, thể hiện bước
đi chập chững của lĩnh vực phần mềm chứng khoán FPT.
Những năm 2003 – 200, là khoảng thời gian có nhiều biến động, thăng trầm đối với lĩnh vực phần mềm chứng khoán mà FPT tham gia. nhất là với Sàn giao dịch chứng khoán Hà nội. Tôi theo dự án này từ đầu, nhưng để ký được hợp đồng triển khai, ra được sàn tôi đã phải làm việc với hai đời giám đốc và kế toán trưởng. Nhưng đó lại là dấu mốc cho sự phát triển của phần mềm FPT, thậm chí mọi việc đều do FPT đảm nhận từ phần cứng cho tới phần mềm. Đến năm 2006, cả FPT và tôi đều không thể ngờ, thời điểm này, khi thị trường chứng khoán Việt nam “bum”, thị trường nở rộ ở tốc độ chóng mặt với sự ra đời của gần 60 công ty chứng khoán. Trước sự lớn mạnh và đòi hỏi từ thị trường, FPT trở tay không kịp. Dù, từ năm 2000 đến 2006, FPT cũng đã tiến hành nâng cấp các phần mềm, tuy nhiên, sự nâng cấp ấy là rất nhỏ. Và khi ấy, về mặt nhân lực FPT đã không phát triển tương ứng.
Có thời điểm quân FPT phải chạy lòng vòng mấy chục công ty một lúc. Đội quân triển khai của FPT nhiều lúc mệt mỏi, rã đàn. Nghịch lý ở chỗ, khi thị trường chứng khoán Việt Nam phất, bùng nổ lại là thời điểm khó khăn nhất của lĩnh vực phần mềm chứng khoán FPT. Chúng ta đã bị tổn thất nặng nề. Có lúc, FPT vừa kết thúc khóa đào tạo về phần mềm chứng khoán cho 10 nhân viên, một tuần sau, 10 người đị bị công ty khác câu mất và FPT phải đào tạo lại miễn phí.
Năm 2006, kỳ vọng của FPT lớn, nhưng chúng ta lại gặp phải nhiều vấn đề về nhân sự, quy trình… không đáp ứng được như mong muốn của FPT, thậm chí ngay cả đội ngũ lúc đầu về phần mềm chứng khoán của FPT cũng đi hết. Sóng gió giờ đã yên, đây là thời điểm FPT xây dựng lại. Tôi luôn tin và tự hào FPT là đơn vị duy nhất ở Việt Nam hiểu biết về phần mềm chứng khoán. Để củng cố vững chắc niềm tin ấy, hiện tại, đội ngũ phần mềm của FPT đang tiến hành phát triển chứng khoán và xây dựng các phần mềm về sàn giao dịch vàng, sàn giao dịch cà phê… để FPT luôn ở vị thế của người dẫn đầu.
Dương Dũng Triều
Phó TGĐ Công ty hệ thống Thông tin
Trích “Sử ký FPT 20 năm”.