Học sinh nên sơ đồ hoá bằng sơ đồ tư duy, dựa trên kiến thức cơ bản trong quá trình học. Đây chính là “chìa khóa” để làm bài tốt môn Lịch sử…
Học sinh nên sơ đồ hoá bằng sơ đồ tư duy
Theo lịch thi của Bộ GD&ĐT vừa công bố, đến nay, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ diễn ra. Cùng với học sinh khối lớp 12 cả nước, hiện các em học sinh khối 12 ở các trường THPT trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã và đang tích cực ôn tập. Các giáo viên bộ môn tại các trường THPT cũng tích cực ôn tập hỗ trợ học sinh, giúp các em tự tin bước vào kỳ thi quan trọng.
Cô giáo Võ Thị Hiền – Tổ trưởng môn Lịch sử, Trường THPT Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) đã có những chia sẻ, hướng dẫn phương pháp ôn tập môn Lịch sử trong giai đoạn “nước rút”, giúp các em học sinh có thể ôn tập một cách tốt nhất, vững tâm lý và nâng cao kỹ năng làm bài để đạt điểm cao ở môn thi này.
Theo cô giáo Võ Thị Hiền, đối với phần thi môn Lịch sử, nội dung môn Lịch sử thi tốt nghiệp THPT tập trung chủ yếu ở lớp 12, một phần nhỏ 3, 4 câu ở phần lớp 11.
Tổ trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THPT Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) cho hay, môn Lịch sử là một môn học khó, có thể nói khó lấy điểm nhất. Trong những năm qua điểm thi môn Lịch sử của học sinh luôn nằm top chót trong 8 môn. Bởi nội dung lịch sử chương trình lớp 12 nặng nề về kiến thức. Việc học tập môn Lịch sử đòi hỏi chuyên cần, thời gian lâu dài, học sinh biết lắng nghe giáo viên phân tích để hiểu thì mới nắm được kiến thức và ghi nhớ tốt.
Tuy nhiên trong thời gian ngắn để ôn thi hiệu quả học sinh cần chú ý một số vấn đề. Cụ thể, các em nắm khái quát tên chương tương ứng với mỗi giai đoạn lịch sử, tên bài tương ứng với mỗi thời kì ngắn hơn.
Cô Hiền cũng dẫn ví dụ trong Chương I: Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1930, gồm 2 bài: Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam 1919-1925 và Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam 1925 – 1930. Điều này giúp các em định hình được sự kiện trong khung thời gian lớn không nhầm lẫn các sự kiện trong các giai đoạn khác nhau.
“Ngoài ra, trong chương trình Lịch sử lớp 12 có tổng cộng 25 bài học và 2 bài tổng kết. Mỗi một bài học sinh nên sơ đồ hoá bằng sơ đồ tư duy, dựa trên kiến thức cơ bản mà giáo viên đã hướng dẫn trong quá trình học. Chỉ cần vẽ đi vẽ lại vài lần các sơ đồ học sinh sẽ nắm được kiến thức cơ bản. Đây là “chìa khoá” để đi thi làm tốt bài trắc nghiệm của mình, giúp các em có thể sử dụng phương án loại trừ hiệu quả nhất”, cô Hiền chia sẻ.
Nắm bối cảnh sự kiện Việt Nam và thế giới
Với việc nhiều học sinh thường gặp khó khăn với việc nhớ các mốc thời gian, sự kiện lịch sử, vậy có phương pháp để học sinh có thể nhớ lâu ở môn này chính là học cách liên tưởng sự kiện này với sự kiện khác.
Ví dụ khi ôn tập bài 16 – Phong trào giải phóng dân tộc và tổng khởi nghĩa tháng Tám 1939-1945. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, thì phải đặt trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra gắn với tiến trình cách mạng, giúp các em khắc sâu hơn kiến thức. Từ đó học sinh sẽ trả lời được vì sao? Như thế nào? Nắm được bản chất thì các em sẽ nhớ được lâu.
Về kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT, cô Hiền cũng lưu ý các em học sinh trong quá trình làm bài thi, điều quan trọng nhất chính là đọc kĩ đề, hiểu đề để xác định đúng đề thì mới tránh được sự lựa chọn sai sót không đáng có.
“Đối với những câu hỏi mức độ khó thường từ câu 30 đến 40, các em học sinh cần chú ý đọc kĩ phương án lựa chọn, để từ đó có thể loại trừ phương án sai”, cô Hiền chia sẻ.