“Chiến thuật” tăng cơ hội trúng tuyển đại học

10:01 28/07/2022

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm nay, các thí sinh được đăng ký nguyện vọng xét tuyển (NVXT) đại học sau khi biết điểm thi tốt nghiệp. Trong thời gian gần 1 tháng đăng ký NVXT, thí sinh được điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng với số lần không giới hạn bằng hình thức trực tuyến. Các chuyên gia tuyển sinh lưu ý, thí sinh cần có “chiến thuật” dàn trải NVXT để vừa có thể giảm thiểu rủi ro, vừa tăng cơ hội trúng tuyển vào những ngành học mà mình yêu thích.

Đừng “đặt cược” vào nguyện vọng duy nhất

TS. Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, khi đăng ký xét tuyển trực tuyến trên hệ thống, có 9 thông tin thí sinh cần nhập gồm: Thứ tự nguyện vọng (NV), mã trường, tên trường, mã tuyển sinh (ngành hoặc nhóm ngành), tên tuyển sinh (tên ngành hoặc tên nhóm ngành), mã phương thức xét tuyển, tên phương thức xét tuyển, mã tổ hợp và tên tổ hợp.

Năm 2022, thí sinh đăng ký và điều chỉnh NVXT hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh minh hoạ)
Năm 2022, thí sinh đăng ký và điều chỉnh NVXT hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh minh hoạ)

Thí sinh cần tìm hiểu thông tin về mã trường, mã tuyển sinh, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp được trường ĐH công khai trong đề án tuyển sinh để nhập liệu cho chính xác. Với những thí sinh đăng ký xét tuyển mới do chưa đăng ký hoặc chưa trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm, TS Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý: “Một tình huống giả thuyết được đặt ra, thí sinh dù đủ điều kiện trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm của các trường vẫn có nguy cơ rớt sau khi chạy lọc ảo trên hệ thống của Bộ GD&ĐT do cách gọi thí sinh trúng tuyển quá nhiều so với chỉ tiêu được tuyển. Do vậy, để đảm bảo an toàn, thí sinh không được chỉ chọn một NV duy nhất dù đó là NV đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm”.

Các chuyên gia tuyển sinh cũng lưu ý thí sinh không nên vội vàng đăng ký vào những ngày đầu và vào ngày cuối cùng. Những ngày đầu khi suy nghĩ chưa kĩ càng, dễ đưa ra các quyết định chưa chính xác, trong khi đó nhiều học sinh để đến ngày cuối mới chốt nguyện vọng, cũng sẽ dễ xảy ra sự cố mạng, tâm lí vội vàng, luống cuống.

Bên cạnh đó, các em nên dành thời gian tìm hiểu kĩ càng các nguyện vọng xem bản thân mình thực sự thích gì, phù hợp với ngành nghề nào, cơ hội việc làm, nhu cầu xã hội ra sao; tham khảo về phổ điểm, các dự đoán về điểm chuẩn uy tín. Đặc biệt, cần chuẩn bị sẵn tinh thần nếu mình đỗ các phương án dự phòng.

Thực tế thì khi thí sinh đăng ký sẽ chỉ có một số nguyện vọng là mong muốn thực sự và các nguyện vọng còn lại là phương án dự phòng. Tuy nhiên các thí sinh cần phải có trách nhiệm với những nguyện vọng đó, và chuẩn bị sẵn tinh thần nếu mình lại đỗ các phương án dự phòng, tránh tình trạng điền nguyện vọng chỉ để “chống trượt” trong khi bản thân không yêu thích.

“Với những điểm thay đổi trong năm nay, các em nên đăng ký thứ tự các ngành mà mình mong muốn nhất rồi đến trường, các ngành mà mình có cơ hội trúng tuyển cao. Trong đó, lưu ý các nguyện vọng sắp xếp theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3,… vì khi xét tuyển, phần mềm lọc ảo của Bộ GD&ĐT sẽ ưu tiên theo thứ tự từ nguyện vọng 1 trở đi”- PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội chia sẻ.

Ưu tiên đặt các ngành học yêu thích

Một “chiến lược” lựa chọn nguyện vọng xét tuyển thành công được nhiều chuyên gia tuyển sinh có nhiều năm kinh nghiệm đưa ra là thí sinh cần thực hiện theo 4 bước. Bước 1, tự xác định mức điểm có thể đạt được sau khi thi tốt nghiệp THPT, điểm số này mang tính tương đối. Bước 2, tìm hiểu kỹ về các ngành học, xác định rõ bản thân yêu thích hoặc phù hợp ngành học nào?

Bước 3, liệt kê danh mục các trường ĐH có tuyển sinh ngành học mà bản thân đã chọn kèm theo điểm chuẩn 2 -3 năm gần nhất, nên lựa chọn từ 8-12 ngành tương đương với 8-12 nguyện vọng. Bước 4, sắp xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên theo hướng đặt các ngành học mình yêu thích lên ưu tiên hàng đầu cho đến hết các NVXT.

Bước 5, sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên giảm dần về sự yêu thích và phù hợp của bản thân; chú ý lựa chọn các trường theo một số tiêu chí như đã được kiểm định chất lượng; có học phí phù hợp với điều kiện gia đình; nhiều học bổng để phấn đấu học tập; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao; có nhiều ngành nghề đào tạo để có thể học song song 2 văn bằng để tăng cơ hội có việc làm tốt khi ra trường.

PGS. TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng lưu ý thí sinh các nguyên tắc sắp xếp nguyện vọng như sau: Thứ nhất số lượng NVXT không hạn chế, do đó hãy đặt nguyện vọng của mình yêu thích nhất, ưu tiên theo thứ tự từ trên xuống. Không nên ưu tiên đưa những ngành chắc chắn đỗ lên NV 1 hay NV2 bởi nó sẽ làm giảm quyền lợi cho các em. Thay vào đó, hãy ưu tiên những NV các em ưa thích, có sở trường và năng lực tốt nhất lên trên.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Sự khác biệt trong xét tuyển ĐH năm nay là trong cùng một đợt, thí sinh vừa đăng ký, vừa điều chỉnh, bao nhiêu lần cũng được, không giới hạn. Điều này diễn ra sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, giúp các em biết rõ khả năng mình có khả năng trúng vào ngành nào, trường nào, theo phương thức nào.

Một điểm nữa là việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các phương thức xét tuyển phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD&ĐT hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tất cả các nguyện vọng của thí sinh, theo phương thức xét tuyển nào, vào trường nào, ngành nào cũng đều đăng ký vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung này. Với việc vừa lọc ảo, vừa xét tuyển cùng một lúc, thí sinh không phải lựa chọn nhập học sớm ở trường nào cả. Điều này khiến cơ hội trúng tuyển vào các trường yêu thích nhất của các em cũng tăng lên.

Bà Thuỷ cũng lưu ý, thí sinh đăng ký các NV khác nhau, cần có “chiến thuật” để dàn trải NV đăng ký của mình. “Các em nên đăng ký theo thứ tự ưu tiên từ trên cao xuống thấp đối với các ngành mà mình yêu thích. Mỗi phương thức xét tuyển có một tỉ lệ chỉ tiêu tuyển nhất định. Nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành mình yêu thích bằng phương thức xét tuyển sớm, các em nên để NV1. Cũng không nên tập trung tất cả các NV của mình chỉ vào trường tốp đầu, những trường có mức độ cạnh tranh quá cao. Nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ không đỗ trường này và còn không đỗ cả những trường khác. Các em cần phải có chiến lược, chiến thuật để rải nguyện vọng, nên chọn nhiều trường khác nhau ở những ngành mình yêu thích” – bà Thuỷ chia sẻ.

Theo

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận