Kiểm tra kiến thức, rèn luyện tâm lý thi cử để bớt căng thẳng là những lý do thí sinh và phụ huynh tìm đến các kỳ thi thử. Tuy nhiên, có nên tham gia thi thử không khi sa đà vào các kỳ thi này khiến cả phụ huynh và học sinh mệt mỏi?
An tâm hơn?
Hơn 90.000 học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thuộc TP Hà Nội vừa trải qua kỳ làm bài khảo sát năm học 2022-2023 với các bài kiểm tra tương tự như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngay từ khâu tổ chức, in sao đề thi, giám thị đổi chéo giữa các trường… cũng được thực hiện tương tự như thi tốt nghiệp THPT nên với các thí sinh Thủ đô, đây có thể coi là một kỳ thi thử quan trọng để kiểm tra kiến thức các em đang đạt ở mức độ nào, cần chuẩn bị thêm những gì cho kỳ thi quan trọng sắp tới?
Nguyễn Thái Hà (học sinh lớp 12 Trường THPT Ngọc Hồi, Hà Nội) cho biết, dù là kỳ thi thử nhưng em và các bạn trong lớp vẫn được giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn nhắc nhở rất chi tiết về quy chế phòng thi, các kiến thức cần ghi nhớ, lưu ý cũng như các mẹo để giải bài hiệu quả nhất. Điều này khiến em cũng có phần hồi hộp và quyết tâm dành thời gian nghiêm túc để ôn tập, mong đạt kết quả cao nhất.
Ngoài kỳ thi thử này, Hà cho biết em còn đăng ký 2 kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa, vừa là để tăng cơ hội đỗ vào đại học, vừa muốn cọ xát, nâng cao tâm lý phòng thi vì em vẫn thấy có những lo lắng khi đối diện với kỳ thi mang tính quyết định như thi tốt nghiệp THPT.
Không riêng Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành khác hàng năm đều tổ chức kỳ thi thử này nhằm giúp cho học sinh làm quen với cách tổ chức, ra đề thi… và có điều kiện tập dượt chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thậm chí, nhiều trường THPT cũng tổ chức kỳ thi thử tốt nghiệp THPT và học sinh trong hoặc ngoài nhà trường muốn tham gia có thể đăng ký dự thi hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc, kết quả cũng không được tính vào môn học chính khóa.
Theo nhiều thầy cô, việc tổ chức thi thử nếu được tổ chức nghiêm túc ở tất cả các khâu sẽ mang lại lợi ích thực sự cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Cô giáo Tú Anh (Trường THPT Việt Nam – Ba Lan, Hà Nội) cho rằng, các kỳ thi thử có ưu điểm giúp cho thí sinh có dịp đánh giá lại năng lực của bản thân để từ đó có kế hoạch ôn tập, bổ sung kiến thức chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Tránh thi thử tràn lan
Trên thực tế, các kỳ thi thử đã xuất hiện từ nhiều năm nay và không còn xa lạ với thí sinh, phụ huynh. Đối tượng các kỳ thi thử hướng đến là học sinh cuối cấp (lớp 5, lớp 9, lớp 12) để tập dượt cho các kỳ thi vào lớp 6, lớp 10, tốt nghiệp THPT chính thức. Quy mô, chất lượng của các kỳ thi thử này phụ thuộc phần lớn vào đơn vị tổ chức sẽ thu hút lượng lớn thí sinh tham gia hay không. Đặc biệt, hiện nhiều kỳ thi thử qua mạng được quảng cáo rầm rộ với ưu điểm không phải di chuyển, chi phí thấp hơn thi trực tiếp nhận được sự quan tâm của thí sinh và phụ huynh. Thí sinh cũng có thể đăng ký thi theo môn, không bắt buộc phải đăng ký thi tất cả các môn như kỳ thi chính thức, với chi phí phụ thuộc vào từng đơn vị tổ chức, thường dao động từ 100.000 đến 150.000 đồng/môn. Thí sinh có thể tham gia thi nhiều đợt, trung tâm/nhà trường sẽ chấm thi độc lập, thí sinh biết điểm, nhận bài thi nếu có nhu cầu; khi đó xem được mình sai chỗ nào, cần rút kinh nghiệm gì để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng.
Thi thử về cơ bản là cơ hội để học sinh chuẩn bị kiến thức, tâm thế sẵn sàng khi bước vào kỳ thi thật với các mục tiêu: Giúp học sinh sửa lỗi sai, hoàn thiện kiến thức, rèn luyện kỹ năng, có kinh nghiệm phân chia thời gian làm bài hợp lý, khẳng định năng lực và đạt kết quả tốt trong các kỳ thi phía trước.
Dẫu vậy, để tham gia thi thí sinh cũng cần chuẩn bị, ôn tập và đặc biệt là cần dành thời gian để sửa lỗi sai, rút kinh nghiệm sau mỗi bài thi để tránh lặp lại lỗi sai tương tự ở các bài tiếp theo. Vì vậy, nếu cứ đăng ký thi thử tràn lan mà không quan tâm đến sửa lỗi sai, rút kinh nghiệm thì thí sinh sẽ chỉ tốn tiền, tốn thời gian mà mục đích nâng cao chất lượng học tập sẽ khó đạt được.
Kinh nghiệm của nhiều thủ khoa của các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước đó là cần chọn lọc các kỳ thi thử để tham gia như một lần tập dượt trước khi thi thật. Tuy nhiên, không nên sa đà mất thời gian vào các kỳ thi thử liên tiếp mà hãy tập trung củng cố, ôn luyện kiến thức. Khi kiến thức đã được củng cố vững vàng thì tâm lý vào phòng thi cũng sẽ nhẹ nhàng, thoải mái, tăng cơ hội đỗ vào trường mình mong muốn.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, với kỳ thi đánh giá năng lực dù được thi nhiều đợt nhưng thí sinh cũng chỉ nên thi một lần. Lý do là về cơ bản nội dung không thay đổi nhiều về mặt khoa học đo lường khảo thí. Có những thí sinh thi nhiều lần nhưng điểm số không thay đổi mà chỉ gây lãng phí xã hội. |
Theo