Lần đầu tiên Bộ GDĐT triển khai đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo hình thức trực tuyến. ‘Cánh cổng’ đăng ký đã khép lại vào 17h00 ngày 13/5. Theo số liệu từ Bộ GDĐT, có 1.001.011 thí sinh đăng ký dự thi. Thống kê cho thấy, so với các năm học trước, tỷ lệ đăng ký tổ hợp khoa học tự nhiên luôn áp đảo thì năm nay tổ hợp khoa học xã hội được học sinh quan tâm nhiều hơn.
Không gặp quá nhiều trở ngại
Đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến được cho là một xu hướng mới, thuận tiện, và cần thiết trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, do năm đầu thực hiện, nên không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, vì thế, nhiều trường THPT cho biết họ “hết sức thận trọng”.
Một trong những băn khoăn là việc đăng ký trực tuyến có “gây khó” cho thí sinh tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo? Ghi nhận tại tỉnh miền núi Sơn La, việc chuyển hình thức đăng ký thi tốt nghiệp từ trực tiếp sang trực tuyến được các trường THPT trên địa bàn tỉnh ủng hộ cao, bởi phương thức này phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, tiết kiệm thời gian, hạn chế tối đa sai sót; thuận tiện cho cả cán bộ, giáo viên, học sinh trong các khâu đăng ký, kiểm tra, đối chiếu thông tin và gửi hồ sơ dự thi. Tại Trường THPT Yên Châu, sau khi 100% học sinh lớp 12 hoàn thành việc đăng ký dự thi tốt nghiệp, trường THPT Yên Châu đã phân nhóm giáo viên tổ chức kiểm tra, đối chiếu thông tin hồ sơ thí sinh theo quy định, đảm bảo chính xác, thống nhất, hợp lệ; đặc biệt, chú ý rà soát các quyền lợi xét điểm ưu tiên cho học sinh. Quá trình đăng ký trực tuyến diễn ra khá suôn sẻ, hệ thống hoạt động ổn định, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng.
Đến 17 giờ ngày 13/5, hệ thống quản lý thi khóa chức năng “Đăng ký dự thi”. Theo đánh giá của Bộ GDĐT, trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định, việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra thuận lợi. Ghi nhận tại một số trường tại Hà Nội, dù là năm đầu tiên triển khai đăng ký theo hình thức trực tuyến nhưng do đã được làm quen qua các lần đăng ký thử nên thí sinh không gặp nhiều trở ngại.
Để công việc diễn ra thuận lợi, Bộ GDĐT cũng đã yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ bố trí tổng đài hỗ trợ (1800 8000 nhánh số 2) gồm 34 bàn trực theo yêu cầu hỗ trợ 24/7 để hướng dẫn thí sinh và số lượng hỗ trợ viên đã được tập huấn nghiệp vụ tăng 50% so với năm trước; yêu cầu chủ động giám sát số lượng truy cập và chuẩn bị phương án, chuẩn bị thiết bị dự phòng để bổ sung kịp thời khi hệ thống có nguy cơ xảy ra tắc nghẽn. Bộ đồng thời đề nghị các Sở GDĐT, các trường phổ thông phân công người hỗ trợ thí sinh trong quá trình thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến (cả thử đăng ký và đăng ký chính thức).
Thí sinh quan tâm nhóm ngành xã hội
Theo số liệu được Bộ GDĐT tổng hợp và phân tích, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.001.011 em. Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến là 934.186 (chiếm 93,32%); số thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp là 66.827 (chiếm 6,68%). Tổng số thí sinh tự do là 58.797 (chiếm 5,87%); tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT là 103.374 (chiếm 10,33%); tổng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tuyển sinh là 38.108 (chiếm 3,81%); tổng số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh là 859.531 (chiếm 85,87%); tổng số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên là 319.676 (chiếm 31,94%); tổng số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp khoa học xã hội là 555.813 (chiếm 55,53%).
Như vậy, nhìn vào số liệu công bố ở trên, có thể thấy, số thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) vượt trội hơn hẳn số đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học). Cụ thể, có trên 55% thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội, trong khi chỉ có trên 31% số thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên. Có khoảng 9-10% số thí sinh chỉ đăng ký dự thi các môn thành phần của các bài thi tổ hợp. Đây là những thí sinh đã tốt nghiệp THPT, dự thi để lấy kết quả của một số môn thi xét tuyển đại học, cao đẳng.
Trao đổi với báo chí, bà Ngô Thị Thành – Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho biết, trường có 187/279 học sinh lớp 12 đăng ký bài thi tổ hợp xã hội (chiếm 67%). Sự “nghiêng lệch” về tổ hợp xã hội cũng thể hiện ở nhiều trường THPT khác tại Hà Nội.
Còn tại TPHCM cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Ông Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) thừa nhận, so với các năm học trước, tỷ lệ đăng ký tổ hợp khoa học tự nhiên luôn áp đảo thì năm nay tổ hợp khoa học xã hội được học sinh quan tâm nhiều hơn. Vì sao lại như vậy? Theo ông Phú, là bởi vài năm trở lại đây, trình độ ngoại ngữ của học sinh TPHCM được nâng lên, nhiều em có chứng chỉ ngoại ngữ có thể quy đổi hưởng đặc cách theo quy định của Bộ GDĐT. Do vậy, nhiều học sinh định hướng thi khối D có khuynh hướng chuyển từ tổ hợp khoa học tự nhiên qua khoa học xã hội để giảm áp lực bị điểm liệt.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra trong 2 ngày, 7 và 8/7. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu kiến thức lớp 12. Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm. Dự kiến, các hội đồng thi sẽ công bố kết quả vào ngày 24/7.
Theo