Điểm chuẩn tuyển sinh năm 2022 không nhiều biến động?

14:34 26/08/2022
Dựa vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022, số thí sinh đăng ký và không đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay, các chuyên gia dự đoán, điểm chuẩn vào đại học năm nay không có nhiều biến động.
Thí sinh Hà Nội trao đổi thông tin xét tuyển của các trường đại học. Ảnh minh họa

Tăng, giảm không đáng kể

Mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận hơn 620.500 thí sinh đăng nhập nguyện vọng xét tuyển và trên 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Cùng với đó, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT đều và khá đẹp. Sự thay đổi rõ nét của kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay nằm ở phổ điểm 2 môn Lịch sử và Tiếng Anh.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch – Trưởng ban Quản lý đào tạo (Học viện Tài chính) dự đoán: Năm nay, một số trường đại học dành khá nhiều chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển riêng. Vì thế điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có thể tăng nhẹ.

Theo số liệu thống kê, năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống là 642.270; năm 2021 là 794.739. Như vậy, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và giảm 3,4% so với năm 2020.

Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay không có nhiều biến động so với năm 2021. Có chăng chỉ tăng, giảm ở một số ngành/trường và dao động ở mức 0,5 – 1,5 điểm.

“Với Học viện Tài chính, điểm chuẩn ở khối A00 có thể tương đương năm 2021. Khối A01, D01, D07 nhiều khả năng thấp hơn năm ngoái do phổ điểm môn Tiếng Anh thấp hơn. Dự đoán điểm chuẩn các ngành của Học viện Tài chính có thể giảm từ 0,5 – 1 điểm (tuỳ ngành)” – PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch nhận định.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC

Năm nay, Học viện Tài chính dành 2.000 chỉ tiêu (chiếm 50% tổng chỉ tiêu) xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Theo TS Nguyễn Đào Tùng – Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính, phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT cho thấy, số thí sinh có tổng 20 – 21 điểm rất nhiều.

Do đó, những trường năm ngoái có mức điểm chuẩn trên 25 điểm, thì năm nay mức điểm này có thể giảm. Với những trường năm ngoái có mức điểm chuẩn thấp, ví dụ như 19 điểm, năm nay điểm chuẩn sẽ tăng. “Đây chỉ là những nhận định mang tính chất tham khảo và dự đoán theo kinh nghiệm cá nhân” – TS Nguyễn Đào Tùng trao đổi.

Điểm chuẩn sư phạm có thể tăng

Theo dự đoán, điểm chuẩn một số ngành của Trường ĐH Giao thông Vận tải năm 2022 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT có thể giảm nhẹ. PGS.TS Nguyễn Thanh Chương – Phó Hiệu trưởng nhà trường dự đoán điểm chuẩn xét tuyển ở các tổ hợp A00, A01, D01 sẽ thấp hơn năm 2021 và cao hơn năm 2020.

Trong các tổ hợp, số thí sinh có mức điểm từ 23 – 24 điểm thấp hơn năm 2021, nhưng số thí sinh từ 25 – 26 điểm lại nhiều hơn năm trước. Vì vậy, nếu thí sinh đạt từ 23 – 24 điểm có thể yên tâm khi đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào những ngành mà năm ngoái có mức điểm tương ứng.

Với những thí sinh đạt từ 25 – 26 điểm sẽ gặp khó khăn hơn với những ngành mà năm ngoái có điểm trúng tuyển từ 25 – 26; vì năm nay, nhóm ngành này điểm chuẩn có thể sẽ tăng khoảng 0,5 điểm. “Tại Trường ĐH Giao thông Vận tải, phần lớn điểm chuẩn của các ngành sẽ giảm so với năm 2021; trong đó có một số ngành giảm từ 0,5 điểm trở lên” – PGS.TS Nguyễn Thanh Chương dự đoán.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm nay có nhiều thí sinh đạt trên 8 điểm. Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 không có nhiều biến động nhiều so với năm trước. Điểm các tổ hợp cơ bản cũng không thay đổi nhiều. Riêng tổ hợp có môn Lịch sử thì điểm chuẩn sẽ tăng, còn tổ hợp có môn Tiếng Anh sẽ thấp hơn so với năm 2021. Đặc biệt, năm nay rất hiếm hoặc sẽ không xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học vì có sự phân hóa tốt ở ngưỡng điểm tuyệt đối.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hoá) dự báo điểm chuẩn năm 2022 sẽ không tăng so với năm 2021. Năm nay, các trường đại học có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau. Nhưng việc sử dụng kết quả điểm thi các tổ hợp để xét tuyển vẫn chiếm phần lớn.

Với trường tốp đầu, ngành “hot” sẽ không có nhiều biến động, tăng không nhiều và giảm không đáng kể. Thậm chí, một số ngành thuộc “tốp đỉnh”, điểm chuẩn nhiều khả năng thấp hơn năm ngoái. Thí sinh có thể sử dụng điểm chuẩn của năm 2021 để tham chiếu và dự đoán được điểm chuẩn năm nay.

“Riêng ngành Sư phạm, điểm chuẩn có thể nhích hơn năm trước từ 0,5 – 1 điểm” – PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền dự đoán và trao đổi: Điểm chuẩn của Trường ĐH Hồng Đức có thể dao động từ 22 – 28 điểm, tuỳ từng ngành. “Tuy nhiên, đây chỉ là dự báo, còn thực tế phụ thuộc vào nhiều biến số, trong đó có lựa chọn của thí sinh” – PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền nhấn mạnh.

Trường ĐH Hồng Đức đang chờ UBND tỉnh giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên. Trường đề xuất lên UBND tỉnh bằng với số chỉ tiêu mà Bộ đã giao, tức là 1.156 sinh viên. Chia sẻ thông tin, PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền cũng lưu ý thí sinh về các mốc thời gian quan trọng kể từ khi hoàn thành việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, thí sinh phải hoàn tất thủ tục nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến theo khung thời gian quy định. Việc này phải xong trước 17 giờ ngày 31/8.

Từ ngày 1/9 – 17/9, các cơ sở đào tạo (CSĐT) tải dữ liệu từ Hệ thống để xét tuyển và phối hợp xử lý nguyện vọng, lọc ảo. Trước 17 giờ ngày 17/9, các CSĐT công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Trước 17 giờ ngày 30/9, thí sinh trúng tuyển tiến hành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống.

Từ tháng 10 – 12/2022, các CSĐT có thể tổ chức tuyển sinh bổ sung. Thí sinh có nhu cầu xét tuyển sẽ thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của CSĐT.

Theo

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận