Bộ GD&ĐT điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023.
Theo đó, sẽ giảm dần đều điểm ưu tiên khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm. Sĩ tử đạt 30 điểm thì điểm ưu tiên sẽ bằng 0.
Đề cao thực lực người học
Dự định đăng ký xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội, Trần Minh Phương – học sinh lớp 12, Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) – đã nghiên cứu khá kỹ Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. Phương dành nhiều thời gian nghiên cứu quy định tính điểm ưu tiên được áp dụng từ mùa tuyển sinh năm nay.
“Nhiều bạn chưa đọc kỹ nên hiểu nhầm là không còn cộng điểm ưu tiên. Tuy nhiên, Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT khá tường minh và nêu rõ cách tính điểm ưu tiên” – Minh Phương trao đổi, đồng thời viện dẫn: Điểm ưu tiên sẽ giảm dần. Nếu thí sinh đạt từ 22,5 điểm/3 môn trở xuống vẫn được hưởng điểm ưu tiên như quy định hiện hành. Còn những thí sinh đạt mức 22,5 điểm trở lên điểm ưu tiên sẽ giảm dần. Riêng thí sinh 30 điểm thì không còn được điểm ưu tiên. Quy định này sẽ bảo đảm quyền lợi giữa thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.
PGS.TS Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Ngoại thương – nhìn nhận, cộng điểm ưu tiên cho thí sinh vẫn được duy trì. Tuy nhiên, có điều chỉnh trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bên liên quan. Qua đó, tạo điều kiện cho thí sinh có điều kiện khó khăn được tiếp cận với giáo dục đại học, bảo đảm quyền lợi giữa nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.
Theo GS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thay đổi cách tính điểm ưu tiên được Bộ GD&ĐT dự lệnh từ Quy chế tuyển sinh năm 2022. Qua đó, thí sinh có sự chuẩn bị tốt hơn về tâm thế. Mặt khác, các trường chủ động phương án tuyển sinh. Ngoài ra, quy định trên tạo sự công bằng về cơ hội cho các em trong việc lựa chọn phương án học tập và lựa chọn trường đại học/cao đẳng phù hợp nhất.
Thời điểm này chưa thể bỏ điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học. Bày tỏ quan điểm trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – cho rằng: Với thí sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực khó khăn, nhờ có chính sách cộng điểm ưu tiên đã giúp nhiều em được học đại học. Tuy nhiên, cũng cần tính toán lại mức điểm ưu tiên để bảo đảm sự công bằng giữa thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau. Do vậy, việc Bộ GD&ĐT điều chỉnh về mức điểm ưu tiên áp dụng trong năm 2023 là phù hợp với thực tiễn khách quan.
Không còn thí sinh đạt điểm 30+
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Bộ đã đưa ra mức điều chỉnh giảm dần đều điểm ưu tiên khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm cho đến mức 30 điểm thì không cộng điểm ưu tiên. Điều chỉnh này không chỉ đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, mà với tất cả phương thức xét tuyển. Các trường khi tính điểm ưu tiên cho thí sinh để xét tuyển, cần quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp. Quy định này sẽ được thực hiện từ năm 2023.
Lý giải về điều chỉnh trên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích, qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).
Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định hiện tại, tỷ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên. Điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.
Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý. Theo đó, tỷ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt (ở nhiều mức điểm thậm chí tỷ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. Điều này dẫn tới mất công bằng khi các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, trường có mức độ cạnh tranh cao; thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.
Để khắc phục bất hợp lý nêu trên, bảo đảm công bằng trong toàn hệ thống và có lộ trình áp dụng (từ năm 2023), Quy chế tuyển sinh quy định: Mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0). Như vậy, sẽ không có thí sinh có điểm xét vượt quá 30; các ngành điểm đầu vào cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn.
Thống kê cho thấy, nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao, tỷ lệ thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên. Với thực tế nêu trên, nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi chính là nhóm ở khu vực 3, khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, áp dụng chính sách xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, tổng số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hàng năm. Áp dụng chính sách ưu tiên nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục, đào tạo bậc cao đối với thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Song cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ đó lại làm nhóm thí sinh khác bị bất lợi và trở thành yếu thế.
Theo quy định, cách tính điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 – Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường. |
Theo