Gợi ý cách phân bố thời gian làm bài thi môn Vật lý

15:54 31/05/2023

Theo thầy La Dũng Kiệt, ôn thi nước rút, học sinh không nên tham quá hãy tập trung vào kiến thức trọng tâm, bám sát mục tiêu đề ra.

Cần xác định rõ mục tiêu đề ra

Giai đoạn ôn tập nước rút quyết định rất lớn đến kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của mỗi thí sinh. Theo chia sẻ của thầy La Dũng Kiệt – Phó hiệu trưởng Trường iSchool Rạch Giá (Kiên Giang), giáo viên môn Vật lý: “Trong giai đoạn này, các em phải nhận thức rõ năng lực của mình đang nằm ở mức độ nào để tập trung đầu tư thời gian vào các phần quan trọng nhằm đạt được mục tiêu điểm số đề ra.

Học sinh không nên “quá tham” mà tập trung thời gian ôn luyện phần kiến thức nâng cao; hãy lựa chọn kiến thức trọng tâm, bám sát mục tiêu đề ra của bản thân để học. Như vậy, các em sẽ không bị bỏ hổng kiến thức, tránh được học lệch, học tủ”.

Riêng môn Vật lý, để xử lý được các bài khó, thí sinh phải nắm vững các kiến thức cơ bản; bản chất vật lý của công thức đó. Việc hiểu rõ các yêu cầu đó, quá trình triển khai, làm các bài tập nâng cao không khó.

Thầy Kiệt ví dụ: “Để nhớ được các công thức khó ở dạng bài tập điện xoay chiều, thí sinh phải hiểu được bản chất về các đại lượng trong điện xoay chiều, thay đổi Z thì U, I thế nào, pha lệch ra làm sao… Từ đó chúng ta có thể ghi nhớ các công thức dễ dàng hơn. Do vậy, quá trình ôn tập môn Vật lý thường được chia làm ba giai đoạn: xây dựng kiến thức nền tảng, tổng ôn toàn diện và luyện đề.

Trong đó, giai đoạn luyện đề rất quan trọng. Thông qua quá trình luyện đề, em sẽ rà soát lại được kiến thức của bản thân mình một lần nữa, rèn luyện kĩ năng, kinh nghiệm giải quyết đề thi. Kết thúc giai đoạn này, các em sẽ hiểu rõ cấu trúc đề thi, có cách giải quyết hiệu quả nhất với từng dạng bài”.

Học sinh Trường iSchool Rạch Giá trao đổi với nhau. Ảnh NTCC.

Gợi ý cách kiểm soát thời gian làm bài

Để đạt được hiệu quả trong giai đoạn luyện đề, thầy Kiệt cần lưu ý: “Học sinh cần nắm vững các kiến thức cơ bản; quản lý hiệu quả thời gian; xây dựng chiến thuật làm bài”.

Theo Thầy Kiệt, yếu tố thời gian luôn là rào cản đối với học sinh trong các bài thi trắc nghiệm.

“Vì vậy nếu các em không căn chỉnh thời gian hợp lí để làm bài thì sẽ khó đạt được điểm như bản thân kỳ vọng”, thầy Kiệt nhấn mạnh.

Thầy Kiệt cũng đưa ra gợi ý cách phân chia thời gian làm bài như sau: “Lượt 1: Làm trong vòng 5 phút. Ở lượt này nên làm những câu lý thuyết không cần tính toán (khoảng 12 câu).

Lượt 2: Làm trong vòng 12 phút, bắt đầu sử dụng máy tính CASIO. Tuy nhiên chỉ làm những câu tính toán đơn giản (khoảng 14 câu).

Lưu ý, lúc này nên dành thời gian tầm 5 phút để kiểm tra lại 26 câu có câu nào bị nhầm hay không.

Lượt 3: Tập trung làm 14 câu còn lại. Lưu ý, sẽ có 10 câu mà bản thân có khả năng làm được trong 20 phút.

Lượt 4: Nên chọn 2-3 câu và đào sâu suy nghĩ, tuy nhiên cũng chỉ nên dành tối đa 4 phút cho mỗi câu.

Sau lượt 4, thời gian cũng chỉ còn 5 phút, thí sinh hãy bình tĩnh rà soát lại bài làm, tránh bị sót những câu chưa điền.

Bên cạnh đó, thầy Kiệt cũng lưu ý: “Để có một kết quả tốt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần phải hiểu và tự đánh giá được năng lực. Bản thân các em phải biết điểm mạnh, yếu và xác định chính xác mục tiêu của mình hướng đến. Đồng thời, học trò cũng cần hiểu rõ về kỳ thi, như vậy các em sẽ ổn định tâm lý trước và trong kỳ thi.

Đặc biệt, học sinh cần đảm bảo sức khỏe, không thức quá khuya ôn tập, tạo tinh thần thoải mái, thể trạng tốt nhất khi bước vào kỳ thi”.

“Giai đoạn nước rút, học sinh cần phải tập trung nhiều vào việc quản lý thời gian và kỹ năng làm bài, bởi ở thời điểm này các em đã bổ sung kiến thức đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều học sinh không đạt được điểm số như mong muốn có thể do quá nóng vội, hồi hợp, chưa rèn luyện tốt kỹ năng làm bài. Do đó các em cần bình tĩnh, bằng lại tâm lý và tập trung khắc phục nhược điểm để đạt được điểm thi như mục tiêu bản thân đặt ra”, thầy La Dũng Kiệt – Phó hiệu trưởng Trường iSchool Rạch Giá (Kiên Giang) chia sẻ.

Nguồn:  

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận