Trường Đại học Ngoại thương thông báo ngưỡng điểm trúng tuyển của 3 phương thức xét tuyển sớm, gồm xét học bạ kết hợp giải học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế và sử dụng điểm đánh giá năng lực năm 2023.
Điều kiện của các phương thức xét tuyển này là thí sinh được xác định trúng tuyển chính thức khi tốt nghiệp THPT và được xác định trúng tuyển trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.
Với phương thức xét tuyển kết hợp học bạ với giải học sinh cấp tỉnh, quốc gia hoặc xét học bạ với học sinh các trường THPT chuyên, chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại trụ sở Hà Nội lấy điểm cao nhất với 30 điểm.
Phương thức xét tuyển kết hợp học bạ và giải học sinh giỏi quốc gia tối đa là 34 điểm. Phương thức xét học bạ kết hợp chứng chỉ quốc tế cũng có điểm chuẩn 30.
Thí sinh có thể xem chi tiết ngưỡng điểm trúng tuyển có điều kiện từng ngành/nhóm ngành
Năm nay, Đại học Ngoại thương tuyển 4.100 sinh viên cho ba cơ sở Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh, tăng 50 so với mức 4.050 của năm 2022.
Mức thu học phí năm học 2023-2024 của Trường Đại học Ngoại thương với chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm; Chất lượng cao dự kiến là 45 triệu đồng/năm…
Ngày 12/6, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học đối với thí sinh tuyển sinh bằng điểm thi đánh giá năng lực.
Trong đó, Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh là ngành có điểm chuẩn cao nhất trên 26. Các ngành lấy từ 25 điểm trở lên gồm Sư phạm Toán, xét điểm môn Toán và Hóa (25); Sư phạm Toán xét tuyển bằng môn Toán và Lý (25,28); Giáo dục tiểu học – Sư phạm Tiếng Anh (25,1).
Với 15 điểm – Sư phạm Công nghệ là ngành có điểm chuẩn thấp nhất. Cũng lấy điểm đầu vào là 15 còn có các ngành Sinh học và Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật thuộc nhóm ngành ngoài Sư phạm.
Năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sử dụng 5 phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Xét tuyển thẳng; Xét học bạ THPT; Phương thức kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường thu hút số lượng thí sinh tham gia dự thi tăng gấp đôi năm trước với hơn 4.600 em và được tổ chức thi ở 2 địa điểm là Trường Đại Sư phạm Hà Nội và Đại học Quy Nhơn. Chứng nhận kết quả thi do trường cấp chỉ có giá trị xét tuyển đại học trong cùng năm tuyển sinh.
Trước đó đã có nhiều trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm theo phương thức xét học bạ hoặc thi đánh giá năng lực.
Đầu tháng 6/2023, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã công bố điểm chuẩn thi xét tuyển tài năng năm 2023 – 2024. Ngành có mức điểm chuẩn cao nhất 98,42 điểm là ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo.
Trường Đại học Giao thông vận tải TP HCM cũng đã thông báo điểm chuẩn đợt 1 các chương trình đào tạo đại học chính quy của phương thức xét tuyển theo kết quả học tập (điểm trung bình môn học theo tổ hợp xét tuyển của 05 học kỳ). Trong đó, điểm chuẩn dao động từ 18 – 22 điểm. Điểm cao nhất là 22 điểm áp dụng với ngành Khoa học hàng hải (chuyên ngành Quản lý cảng và logistics), Logistics và quản lý chuỗi cung ứng và Khai thác vận tải.
Nhà trường quy định, trong cùng một đợt xét tuyển, thí sinh trúng tuyển khi tổng điểm (gồm điểm ưu tiên theo quy định) cao hơn hoặc bằng điểm chuẩn của chương trình đào tạo. Thí sinh không đạt ở nguyện vọng cao sẽ trúng tuyển nguyện vọng thấp hơn nếu tổng điểm cao hơn hoặc bằng điểm chuẩn.
Nguồn