Các chuyên gia giáo dục đã tư vấn, hướng dẫn các thí sinh sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, cần cân nhắc cẩn thận trước bước ngoặt của cuộc đời.
Cân nhắc lựa chọn nguyện vọng
Trong thời gian từ ngày 22.7.2022 đến 17 giờ ngày 20.8.2022, thí sinh đăng ký xét tuyển bằng tất cả các phương thức như sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực. Các học sinh phải đăng ký tất cả các nguyện vọng bằng tất cả các hình thức xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD&ĐT, kể cả thí sinh đã xét tuyển sớm vào một số trường đại học.
Giảng viên Nguyễn Tú Anh (Trường ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa) cho biết, hiện nay thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường. Tuy nhiên, thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Nếu đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và nhập học duy nhất một nguyện vọng.
Sau khi đã biết điểm thi của mình, các thí sinh muốn đăng ký nguyện vọng khác so với dự kiến ban đầu, thí sinh cần ghi nhớ có thể thay đổi trường có mức điểm phù hợp hơn nhưng không nên thay đổi ngành mà mình đặt ra. “Bởi lẽ ngành học là sở thích của các em ngay khi đặt bút để ghi nguyện vọng, vì thế hạn chế thay đổi ngành học để nếu đỗ vào trường học thì các em không bị chán nản khi theo học. Các em hãy đặt nguyện vọng của mình là ngành các em đủ điều kiện xét tuyển dù ở bất kỳ hình thức nào thì không nên đưa ngành bản thân không thích để làm nguyện vọng 1 với lý do “đỗ cho bằng được”. Điều đó có thể khiến các em mất cơ hội trúng vào ngành học tại một trường nào đó mà các em yêu thích”.
Các giảng viên ở các trường ĐH cho biết, điểm chuẩn của các ngành học năm nay đều tăng nhẹ, nên khi lựa chọn nguyện vọng các học sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nộp xét tuyển. TS Lê Đình Nam, Phó trưởng phòng tuyển sinh (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, các năm trước các thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH trước khi thi tốt nghiệp THPT và sẽ có một lần điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm. Như vậy, dựa vào số lượng thí sinh đăng ký và phổ điểm thi, các trường có thể dự báo tương đối chính xác mức điểm chuẩn vào các chuyên ngành. Thế nhưng, năm nay thí sinh chỉ đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng duy nhất trong một đợt, nên điểm chuẩn sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào lựa chọn của thí sinh. Những ngành học thu hút nhiều thí sinh có điểm cao, đương nhiên điểm chuẩn cũng sẽ cao, tương tự những ngành có số lượng đăng ký ít hơn điểm chuẩn cũng sẽ thấp hơn.
Chọn ngành rồi hãy chọn trường
Bày tỏ sự lo lắng, em Hà Linh (Hà Đông, Hà Nội) dự tính năm nay em sẽ xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Quốc gi Hà Nội nhưng sau khi biết điểm và nghe tư vấn thì em biết tỷ lệ đỗ vào trường của em là rất thấp, vì thế em thay đổi nguyện vọng vào trường ĐH Lao động xã hội hoặc trường Công đoàn hy vọng tỷ lệ đỗ sẽ cao hơn.
Th.S Nguyễn Kim Chung (Ban tuyển sinh) Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội chia sẻ, các thí sinh không nên quá lo lắng trong việc lựa chọn nguyện vọng phù hợp. Thí sinh có thể chọn ngành mình yêu thích nhưng cần căn cứ vào nhu cầu của xã hội và tương lai đầu ra. Để tránh hoang mang lo lắng cho bản thân các em cần biết sắp xếp nguyện vọng để trúng tuyển, các em chọn ngành rồi hãy chọn trường. Sau đó tính đến việc chọn nhóm ngành để tránh rủi ro.
“Qua phân tích phổ điểm thi các trường thấp hơn có phổ điểm thấp hơn một chút, nhưng do năm nay đa dạng phương thức xét tuyển nên các điểm chỉ giảm một chút chứ không giảm nhiều. Một số ngành sẽ tương đương, một số ngành giảm 0,5 điểm nên các bạn nên dựa vào điểm xét tuyển 2 năm liền kề để lựa chọn ngành học mong muốn” – thầy Kim Chung tư vấn.
Trong khi đó, lưu ý với thí sinh về nguyên tắc chọn ngành, chọn trường, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng vụ giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, các em phải rà soát việc khai báo đầy đủ và bảo đảm tính chính xác của tất cả các thông tin đăng ký dự tuyển, đặc biệt là thông tin về khu vực và đối tượng ưu tiên (nếu có). Thí sinh lưu ý, phải đăng ký tất cả các nguyện vọng xét tuyển của mình trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT, theo thứ tự ưu tiên. Và sau khi hệ thống lọc ảo, thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển. “Cho dù là nguyện vọng thứ 10 mới đủ điều kiện đỗ thì thí sinh vẫn được xác nhận trúng tuyển, nếu 9 nguyện vọng xếp trước thí sinh không đủ điều kiện đỗ. Nhiều phụ huynh và thí sinh do quá mong muốn được đỗ ĐH nên chọn nguyện vọng vào trường mà mình không thích học mà quên rằng không nên ưu tiên số 1 cho việc vào trường, vào khoa mà thí sinh đó mơ ước” – PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Theo