Thi tốt nghiệp THPT 2023 môn Lịch sử: Câu vận dụng sẽ vào nội dung gì?

14:32 25/04/2023

Các thầy cô dự đoán đề thi năm nay sẽ có mức độ khó hơn các năm trước, thí sinh cần nắm chắc từ khoá quan trọng để có kết quả tốt nhất.

Chỉ còn khoảng 2 tháng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ diễn ra, thời điểm này các thí sinh đang hoàn thành những bài học của chương trình lớp 12 và bước vào giai đoạn ôn thi.

Đối với môn Lịch sử với khối lượng kiến thức lớn khiến không ít em cảm thấy lo lắng, tuy nhiên học sinh cần tập trung ôn các kiến thức trọng tâm để có kết quả tốt nhất.

Chọn nguồn đề thi ôn tập chất lượng

Trao đổi với Người Đưa Tin về phương pháp ôn tập môn Lịch sử, ThS Hồ Như Hiển – Giáo viên Trường Liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) lưu ý các em cần bám sát sách giáo khoa và kiến thức cơ bản.

“Học sinh cần bám vào kiến thức trong sách giáo khoa, cấu trúc đề thi minh hoạ năm 2023 và ghi chép lại, gạch chân các nội dung kiến thức quan trọng, tự xây dựng các từ khóa. Chú ý bỏ qua các nội dung giảm tải, đó là kiến thức không cơ bản, không có trong đề thi”, thầy Hiển cho biết.

Cùng với đó, để đạt điểm cao, theo thầy Hiển các em không thể bỏ qua một số khái niệm, thuật ngữ cơ bản, thường xuất hiện trong đề thi như: chiến tranh, cách mạng, chiến tranh cách mạng, tiến công chiến lược, tổng tiến công chiến lược, tiến công và nổi dậy, nghệ thuật quân sự, sách lược, chiến lược, chiến thuật, chiến dịch, phương châm, thủ đoạn,…

ThS Hồ Như Hiển – Giáo viên Trường Liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa).

“Còn khoảng 2 tháng nữa là kỳ thi diễn ra, về mặt thời gian, đây là thời điểm tăng tốc để luyện đề. Tuy nhiên cần luyện đề chất lượng bằng nguồn đề thi chính thức của các năm, đặc biệt là những năm gần đây, đó là nguồn đề chất lượng, đảm bảo kiến thức, nội dung, kỹ thuật, từ khóa… Sai lầm của nhiều em học sinh là không hề đọc đề của các năm trước đó”, thầy Hiếu bày tỏ.

Ngoài ra, luyện đề để nắm kiến thức và giải quyết các câu hỏi: Tại sao đáp án này đúng? Tại sao đáp án còn lại không đúng?, ghi chép lại để nắm kiến thức cơ bản rút ra sau khi luyện đề. Câu nào làm sai cần ghi lại đáp án để ghi nhớ.

Dự đoán về xu hướng ra đề thi năm nay, thầy Hiếu cho rằng các nội dung vẫn bám sát cấu trúc đề minh họa 2023. Đề chính thức sẽ tiếp cận đề minh họa ở nội dung, cấu trúc, phạm vi kiến thức. Tuy nhiên, do đề minh họa khá dễ, đề chính thức sẽ có tăng cường thêm về độ khó ở các câu cuối (câu vận dụng) để phân hóa thí sinh.

“Câu phân loại thí sinh sẽ từ 8-10 câu và tập trung vào các nội dung của lịch sử Việt Nam, từ năm 1919 – 1975. Cụ thể, giai đoạn 1945 – 1975 sẽ nhiều câu hỏi vận dụng cao, liên quan nhiều đến các đại hội, hội nghị, chiến dịch, chiến lược chiến tranh, ý nghĩa lịch sử”, thầy Hiếu dự đoán.

Thí sinh cần chọn các đề luyện thi phù hợp để ôn tập (Ảnh: Hữu Thắng).

Ôn tập môn Lịch sử theo những bước nào?

Đưa ra 5 bước để học sinh luyện thi môn Lịch sử, thầy Phan Đình Trình – Giáo viên Lịch sử tại trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị) lưu ý việc đầu tiên học sinh cần xem lại đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT. Qua đó, nắm kỹ và phân tích kỹ đề minh hoạ để  xác định được phạm vi đề tốt nghiệp THPT 2023 sẽ hướng tới.

“Bước thứ 2, bám sát sách giáo khoa môn Lịch sử, đối với những tháng ôn tập cuối, thí sinh cần đọc chậm lại, nghiên cứu kỹ hơn kiến thức trong sách giáo khoa”, thầy Trình chia sẻ.

Sau khi ôn lại các nội dung, cần cô đọng kiến thức hành các từ khoá trọng. Đặc biệt hiểu được bản chất của sự kiện là vì sao nó diễn ra và diễn ra như thế nào, theo thầy Trình khi nắm được từ khoá sẽ dễ dàng chọn đáp án chính xác.

Việc quan trọng thứ 4 ở trong giai đoạn thí sinh cần làm thử các đề thi ở năm trước, đặc biệt là các đề thi thử của các trường.

“Đề thi thử tương đối là chính xác và sát nội dung thi hơn so với các đề luyện thi ở trung tâm. Vì nội dung này đã được tổ chuyên môn của các trường nghiên cứu, xét duyệt”, thầy Trình đánh giá. Bước cuối cùng là học sinh cần phân bổ thời gian ôn tập hợp lý, tránh học lan man không hiểu quả.

Cũng đánh giá về xu hướng của đề thi năm nay, thầy Trình dự đoán: “Đề thi năm nay sẽ khó hơn năm học trước. Phần vận dụng và vận dụng cao sẽ tập trung ở lớp 12 và buộc học sinh phải có tư duy, so sánh, đánh giá, nhận xét. Để đạt được điểm, các em sau khi học nên liên kết kiến thức lại, so sánh ý nghĩa, đặc điểm của các cuộc kháng chiến, các chiến dịch. Các câu hỏi nâng cao sẽ thiên về dạng so sánh, đánh giá, nhận xét”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp KHTN gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp KHXH gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Theo

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận