Thi tốt nghiệp THPT năm nay có gì mới?

14:23 01/04/2022

Đầu tháng 4 tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Theo đó, kỳ thi sẽ giữ ổn định và ngoài mục đích xét tốt nghiệp, kết quả vẫn được sử dụng như một phương thức để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có vị thế đáng kể trong việc xét tuyển đại học, cao đẳng

Thời điểm tổ chức thi dự kiến như năm 2021

Trong bối cảnh học sinh lớp 12 ở nhiều địa phương chủ yếu phải học trực tuyến vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong năm học này, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT các địa phương rà soát việc thực hiện chương trình năm học. Thời gian kết thúc năm học có thể lùi một tháng. Nếu học sinh lớp 12 tất cả các địa phương trên cả nước hoàn thành kế hoạch giáo dục trước 30.6 thì kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến vẫn tổ chức vào tháng 7.2022. Nhưng trường hợp có địa phương không đảm bảo được mốc thời gian kết thúc năm học thì Bộ GD&ĐT sẽ phải tính toán để lùi lịch tổ chức kỳ thi này. Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, tới thời điểm hiện tại, các địa phương đều cho biết có thể đảm bảo kết thúc năm học muộn nhất vào cuối tháng 6.2022. Vì thế, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn sẽ diễn ra vào tháng 7.2022.

Bộ GD&ĐT cũng thông tin, sẽ có một đợt thi chung trên toàn quốc. Bên cạnh đó, tùy theo tình hình thực tế, những địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh không thể cho học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT chung thì có thể đề xuất với Bộ để có thêm đợt thi thứ 2 (như đã thực hiện trong các năm 2020 và 2021). Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình dịch đang giảm dần ở tất cả các địa phương thì có thể năm nay, Bộ GD&ĐT chỉ cần tổ chức một đợt thi tốt nghiệp THPT duy nhất.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ vẫn được giao cho các địa phương chủ trì tất cả các khâu: Coi thi, chấm thi, thanh tra giám sát kỳ thi. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm ra đề thi chung, đồng thời cử cán bộ, giảng viên các trường ĐH-CĐ trực thuộc làm công tác thanh tra. Kết quả thi sẽ được đưa lên hệ thống quản lý dữ liệu của Bộ GD&ĐT cùng với kết quả học tập ở THPT của học sinh để các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng cho việc tuyển sinh.

Được giữ ổn định như năm 2021, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có 5 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học xã hội (gồm các phân môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Ngoài bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.

Thí sinh là học sinh lớp 12 năm nay sẽ bắt buộc phải dự thi 4/5 bài thi trên. Ngoài Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, thí sinh được chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội để dự thi xét tốt nghiệp THPT. Những thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT) nhưng muốn dự thi để sử dụng kết quả thi xét tuyển đại học, cao đẳng có thể đăng ký dự thi các bài thi, môn thi trong bài thi tổ hợp phù hợp với tổ hợp muốn sử dụng đăng ký xét tuyển.

Đề thi được ra trong nội dung chương trình của bậc THPT, chủ yếu là lớp 12. Để giảm bớt khó khăn cho các nhà trường, học sinh, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình. Trong đó tập trung vào các nội dung mang tính cốt lõi, lược bớt hoặc chuyển sang cho học sinh tự học, tự đọc thêm một số nội dung ít quan trọng hơn. Và đề thi cũng sẽ chỉ ra trong phạm vi nội dung cốt lõi, loại trừ các nội dung đã được xác định thuộc phần “tự học, tự đọc thêm” hoặc nội dung được xác định “không học”.

Khuyến khích sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh

Tại hội nghị tuyển sinh đại học và khối trường cao đẳng đào tạo giáo viên năm 2022, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, các cơ sở đào tạo chỉ nên thêm phương thức tuyển sinh mà không nên bỏ phương thức truyền thống là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ông Sơn cũng đề nghị các trường tăng tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức này. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT có điều chỉnh kỹ thuật trong khâu đăng ký nguyện vọng tuyển sinh, thực hiện sau kỳ thi tốt nghiệp THPT thay vì đăng ký trước vào cuối tháng 3 cùng với việc đăng ký dự thi. Việc này nhằm đảm bảo công bằng giữa những thí sinh muốn sử dụng kết quả kỳ thi với những thí sinh sử dụng các phương thức khác để xét tuyển đại học.

Với những điều chỉnh trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có vị thế đáng kể trong việc xét tuyển đại học. Và việc đảm bảo để kỳ thi có kết quả tin cậy, khách quan vẫn là thách thức đối với Bộ GD&ĐT và các địa phương.

Từ sau vụ gian lận thi cử năm 2018, Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều điều chỉnh quan trọng ở tất cả các khâu, trong đó chủ yếu là các giải pháp kỹ thuật nhằm trộn lẫn thí sinh là học sinh THPT và học sinh hệ GD thường xuyên, thí sinh là chiến sĩ công an, quân đội; tăng cường vai trò giám sát chéo trong các khâu coi thi, chấm thi. Ngoài việc giám sát của con người, Bộ GD&ĐT quy định có camera giám sát 24/24 tại khu vực in sao đề thi, bảo quản đề thi, bài thi, khu vực chấm thi. Việc nâng cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm trong đó mã hóa thông tin thí sinh, thực hiện nghiêm quy trình chấm thi 2 vòng độc lập với bài thi tự luận cũng là những giải pháp chống gian lận.

Tuy nhiên, nỗ lực trên không khiến các trường đại học lớn hết hoài nghi, minh chứng là nhiều cơ sở đào tạo năm nay đã sử dụng hàng chục phương thức xét tuyển khác, giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp. Đại diện một số trường đại học cũng cho rằng, việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệpTHPT để tuyển sinh chỉ khả quan khi đề thi tăng tính phân hóa hơn so với đề thi các năm 2020, 2021 được xem là quá dễ.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đầu tháng 4.2022, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành đề thi tham khảo để các nhà trường và thí sinh làm căn cứ định hướng ôn tập cho kỳ thi sắp tới.

Theo

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận