Đợt thi đầu tiên dành cho các thí sinh không thuộc diện phong tỏa, cách ly, F1, F2. Tất cả thí sinh phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi dự thi.
Chiều 1/7, UBND TP.HCM tổ chức họp báo khẩn thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết kỳ thi THPT là công tác hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Kết quả kỳ thi là tiêu chí quan trọng để các trường xem xét tuyển sinh đầu vào cho trường đại học, cao đẳng.
“Năm nay, TP.HCM đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. Việc cân nhắc kế hoạch kỳ thi tốt nghiệp THPT là vấn đề lãnh đạo thành phố rất cân nhắc suốt thời gian qua”, ông Đức chia sẻ.
Thành phố đã đánh giá tình hình dịch, phân tích nhu cầu và nguyện vọng của phụ huynh, học sinh thuộc đối tượng thi THPT năm 2021.
Sáng nay, Thành phố đã có báo cáo chính thức với Ban Thường vụ Thành ủy dựa trên sự tham mưu của Sở GD&ĐT và Sở Y tế cùng các đơn vị khác. Sau khi xem xét đầy đủ các khía cạnh về quyền lợi của học sinh cũng như dự báo diễn biến dịch, lãnh đạo thành phố thống nhất thực hiện theo phương án 1 do Sở GD&ĐT trình trước dó.
Cụ thể, thí sinh tại TP.HCM sẽ tham dự kỳ thi đợt 1 như các thí sinh trên toàn quốc. Ông cho biết quan trọng là kỳ thi phải được tổ chức đảm bảo an toàn cho mọi người yên tâm. Thành phố đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để kỳ thi được thành công tốt đẹp.
Dự kiến, thành phố có 89.275 thí sinh đăng ký dự thi. Các thí sinh được thi tại 155 điểm thi với 4.134 phòng thi. Mỗi điểm có ít nhất 2 phòng thi dự phòng, mỗi quận/huyện có 1-3 điểm thi dự phòng. Tổng số người tham gia tổ chức thi là 17.052 người.
Cụ thể, đợt 1 thi vào ngày 7 và 8/7, dành cho các thí sinh không ở nơi bị phong tỏa, cách ly, không ở các địa phương có nguy cơ cao hoặc thuộc diện F0, F1, F2. Các thí sinh này phải có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trước khi dự thi.
Đợt 2 dành cho các thí sinh bị ảnh hưởng dịch Covid-19, không thể dự thi đợt 1. Đợt thi này chưa được quyết định thời gian.
Để thực hiện tốt công tác trên, thành phố đã đưa ra một số phương án. Thứ nhất, Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT phải thực hiện đầy đủ chỉ đạo của UBND TP.
Thứ hai, tổ chức xét nghiệm nhanh, khẩn trương cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên, người phục vụ và thí sinh tại điểm thi. Đây là công tác mà thành phố sẽ có kế hoạch riêng.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương phải triển khai phương án an toàn, cử lực lượng tham gia hỗ trợ thi an toàn.
Ông Đức cho biết việc lấy mẫu xét nghiệm cho thí sinh sẽ được tổ chức từ ngày 2/7 và kết thúc trong ngày 3/7. Ngành y tế sẽ chủ trì, phối hợp với ngành giáo dục và các địa phương. Các thí sinh nếu không tham dự đợt lấy mẫu thì coi như không tham dự kỳ thi 6-8/7 và sẽ thi trong đợt 2.
Ngành y tế và ngành giáo dục được giao thông tin cho toàn bộ thí sinh về kế hoạch lấy mẫu, thời gian, địa điểm và hướng dẫn để thí sinh có tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt để chuẩn bị cho kỳ thi THPT.
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận 4.152 ca mắc mới, đang là ổ dịch có số ca mắc nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.
Ngày 28/6, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 từ 29/6 đến 10/7 với nhiều giải pháp cụ thể như tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng; tăng năng lực xét nghiệm; tăng giám sát nhóm nguy cơ cao…
TP.HCM phân nhóm mức độ diễn biến dịch. Theo đó, các nơi có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ).
Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ).
Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận. Thành phố cũng quyết định tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 sau 0h ngày 29/6 đến khi có thông báo mới.
Theo Zing News