Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức từ ngày 27 – 30/6/2023. Không ít thí sinh đến thời điểm này vẫn chưa biết mình nên chọn ngành nghề nào.
Nhiều ngành “ế” thí sinh
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm 2022, cả nước có 521.263 thí sinh nhập học vào các trường đại học, đạt 83,39% so với chỉ tiêu, cao hơn số nhập học của các năm 2021, 2020.
Khối ngành Kinh doanh và Quản lý có tỉ lệ thí sinh trúng tuyển, xác nhận nhập học cao nhất (24,54%). Tiếp theo là nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin (11,79%), Công nghệ kỹ thuật (9,18%) và Nhân văn (8,68%), Sức khoẻ (6,35%).
Ngược lại, nhiều lĩnh vực đào tạo có tỉ lệ tuyển sinh thấp, dưới 1%, như: Dịch vụ xã hội (0,36%), Toán và thống kê (0,4%), Khoa học tự nhiên (0,44%), Thú y (0,51%)…
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, năm qua có 64/330 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng tuyển sinh kém, mức độ tuyển đạt dưới 50%; 94/440 ngành tuyển sinh kém, không đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu. Trong 3 năm liên tiếp, 4 lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, các cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu do các nguyên nhân như: chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội. Hoặc đó là ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.
Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, trong vài năm vừa qua, tỷ lệ trúng tuyển và nhập học các ngành nông, lâm, thủy hải sản thấp hơn cả. Các ngành khoa học xã hội hay dịch vụ công cũng tương tự. Bởi thế, xã hội, doanh nghiệp đang thiếu hụt nhân sự những ngành này. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hay trường quốc tế về tận trường để tìm kiếm nhân lực.
Hơn nữa, đối với ngành nghề nông, lâm, thủy hải sản hiện nay đều được đào tạo công nghệ cao, không phải thủ công như hình dung của nhiều người. Các trường đã ứng dụng công nghệ cao trong việc giảng dạy và thực hành. Qua đó để thấy việc truyền thông cho các học sinh, sinh viên là rất cần thiết để thay đổi định kiến của các em. Nhà trường cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này, giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện về cơ hội nghề nghiệp của các ngành học sau khi tốt nghiệp.
Bà Thủy khuyến cáo, các trường đại học cần nắm bắt thị trường lao động, sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ trong chọn trường, chọn ngành của thí sinh. Trường cũng cần đổi mới nội dung ngành và chương trình đào tạo, môi trường và phương pháp đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh. Các bộ, ngành sử dụng nguồn nhân lực cần thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, hiện nay Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao xây dựng đề án về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Bộ GD-ĐT đề xuất những giải pháp trong đề án này để có những giải pháp chính sách hỗ trợ, kết nối nhà trường doanh nghiệp, gắn kết đào tạo nghiên cứu và hợp tác quốc tế, tăng sự thu hút của ngành nghề với học sinh. Đồng thời, tăng các điều kiện đảm bảo chất lượng phòng thí nghiệm, thực hành, đặc biệt hỗ trợ đào tạo sau đại học trong lĩnh vực này. Đề án này hiện đang được Bộ GD-ĐT hoàn thiện.
Nên chọn ngành theo sở trường
Chia sẻ trong các buổi tư vấn về lựa chọn ngành nghề, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhận định, các em học sinh khi bước chân vào THPT là đã cần phải tìm hiểu dần định hướng các em mong muốn, xác định được thế mạnh của mình ở đâu. Nếu hiện giờ còn đang phân vân, thí sinh có thể xem xét những thông tin về dự báo ngành nghề, dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực của các bộ, ngành, của các lĩnh vực công bố định kỳ để xem nhu cầu phát triển tương lai của ngành nghề như thế nào. Các địa phương cũng có những chiến lược phát triển nguồn nhân lực của địa phương trong từng thời kỳ, các em cần tham khảo ở địa phương mình.
Ngoài ra, các em cũng nên tìm hiểu chính sách về tín dụng cho sinh viên để tận dụng trong quá trình học tập đại học. PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết: “Có nhiều thí sinh lựa chọn ngành học theo phong trào, theo sự chỉ định của gia đình, người thân. Hoặc đơn giản là thấy bạn mình chọn ngành học đó nên cũng chọn theo. Cũng có những em lựa chọn theo xu thế của xã hội, số đông xã hội cho rằng ngành đó đang “hot”, là đẳng cấp thì các em chọn. Trong khi các em cũng chưa chắc đã hiểu biết hay yêu thích ngành đó. Điều này dẫn đến việc, sau một thời gian học, các em tự thấy mình không phù hợp ngành đã chọn, động lực học tập không còn.
Vì vậy, các em cần xét xem bản thân mình thích ngành gì, năng lực bản thân có phù hợp không? Ngoài ra, các em cần lưu ý đến các năng lực về sức khỏe, tài chính…”.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa nhận định, mọi thứ đã khác rất nhiều so với chỉ 2 năm trước. Công nghệ phát triển nhanh, các ngành nghề truyền thống như thủy sản, nông lâm, du lịch… không được lựa chọn nhiều như trước. Nếu chúng ta đặt tâm thức, có thái độ tốt, quyết tâm không sợ thất bại thì chúng ta có thể giữ được ngành nghề này.
Còn nếu chạy theo những ngành “hot” thì 5 – 7 năm sau chưa chắc đã là lựa chọn tốt. Những ngành nghề phát triển hiện nay gồm ngành công nghệ thông tin liên quan nhiều đến IA, trí tuệ nhân tạo; tự động hóa liên quan đến cơ điện tử, cơ khí, điện tử viễn thông; các ngành kinh tế, kinh doanh; nhóm ngành sức khỏe, làm đẹp. Đây là những nhóm áp dụng công nghệ rất nhiều.
Điều quan trọng là thí sinh nên tham chiếu với điểm chuẩn, với kết quả đã có từ những năm tuyển sinh trước. Đây là một gợi ý quan trọng để các em đăng ký thứ tự nguyện vọng để có khả năng đỗ cao nhất.
Theo