Năm 2024, Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non được giữ ổn định như năm 2023. Tuy nhiên, trong đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học có sự điều chỉnh, thậm chí, cùng một quy định, nhưng nhiều trường lại có cách làm khác nhau. Do đó, các thí sinh cần xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng đề án tuyển sinh mà các trường công bố.
Điều chỉnh linh động các phương thức theo tình hình thực tế
Năm 2024, Trường ĐH Phenikaa tuyển 9.896 chỉ tiêu cho 48 ngành, chương trình đào tạo. Trường đưa ra bốn phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường 5-10% tổng chỉ tiêu; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 40-60% tổng chỉ tiêu; xét tuyển dựa vào học bạ bậc THPT 30-40% tổng chỉ tiêu; xét tuyển dựa vào kết quả bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội 5-10% tổng chỉ tiêu.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cho biết, Nhà trường sẽ tổ chức tuyển sinh nhiều lần/năm, dự kiến xét tuyển sớm đợt 1 từ ngày 1.3 đến 31.5; xét tuyển tất cả các phương thức theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong quá trình triển khai tuyển sinh sẽ xem xét và điều chỉnh linh động tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức cho phù hợp với tình hình thực tế, do đó, phụ huynh và học sinh cũng lưu ý theo dõi thông tin đăng tải trên website của nhà trường trong các đợt tuyển sinh.
Không chỉ lưu ý chỉ tiêu tuyển sinh trong các đợt xét tuyển mà đại diện các cơ sở giáo dục đại học cũng lưu ý thí sinh nghiên cứu kỹ phương án tuyển sinh của các nhà trường. Đơn cử, dù trong cùng một hệ thống, đại diện Đại học Đà Nẵng cho biết tùy vào đặc điểm đào tạo của ngành thuộc các trường, đơn vị thành viên mà phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bố chỉ tiêu giữa các phương thức sẽ khác nhau.
Lấy ví dụ, trong khi Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) dự kiến năm 2024 tuyển sinh với 6 phương thức xét tuyển nhưng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng chỉ tuyển theo 5 phương thức mà không xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức.
Ngoài ra, việc áp dụng chính sách ưu tiên xét tuyển cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, năm 2024, nhiều trường cũng có cách áp dụng khác nhau. Trong khi Trường ĐH Công thương TP. Hồ Chí Minh cho phép thí sinh quy đổi điểm từ chứng chỉ tiếng Anh sang điểm môn tiếng Anh để xét tuyển thì Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh chỉ xét tuyển kết hợp chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên…
Lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng
Chia sẻ về việc các cơ sở giáo dục đại học có tiêu chí xét tuyển khác nhau, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, dù xét tuyển theo phương thức nào, cách đánh giá nào cũng đều dựa trên tiêu chí, yêu cầu về kiến thức nền tảng, năng lực cốt lõi, khả năng học tập của người học. Từ nhiều năm nay các thí sinh đã học tốt, có năng lực tốt thì dù đánh giá theo cách này hay cách khác thì đều không cần phải băn khoăn, vì đều đánh giá đúng năng lực của thí sinh, phù hợp với yêu cầu của trường, của ngành đào tạo.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý thí sinh cần xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng đề án tuyển sinh của các trường đã công bố. “Thực chất các thí sinh đều đã có thời gian khá dài để chuẩn bị chứ không phải chờ đến học kỳ cuối cùng của năm lớp 12 mới bắt đầu chuẩn bị. Hầu hết các trường vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển của năm trước, có thể thay đổi phân bố số lượng chỉ tiêu cho từng phương thức nhất định. Các thí sinh nghiên cứu kỹ thông tin này để đăng ký xét tuyển phù hợp”, bà Thủy nói.
Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý các thí sinh cần tập trung cao độ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT – là điều kiện cần để vào học ở bậc đại học. Cùng với đó là chuẩn bị cho các phương thức xét tuyển mà các em có lợi thế, hoặc đã nghiên cứu theo đuổi từ trước; chuẩn bị đúng các hồ sơ, đáp ứng về quy trình và thời hạn mà các trường công bố (nhất là khi các trường có tổ chức xét tuyển sớm). Cho dù các em có tham gia xét tuyển sớm và có kết quả là đã trúng tuyển sớm thì vẫn cần đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển đó trên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT thì nguyện vọng đó mới có giá trị xét tuyển cuối cùng.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học cần xem xét, cân nhắc việc sử dụng các đợt xét tuyển sớm, phương thức xét tuyển sớm. “Theo tôi, với những trường quan tâm nhiều đến chất lượng và sự công bằng cho thí sinh thì phương thức xét tuyển sớm không mang lại hiệu quả cao, lại khó bảo đảm sự công bằng. Việc dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm có thể dẫn đến bỏ lỡ những thí sinh giỏi khi các em đặt nguyện vọng trong hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung”.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, các trường cần ưu tiên cho việc phân tích, so sánh tương quan kết quả học tập ở bậc đại học với các phương thức xét tuyển đầu vào. Từ đó, lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh; phù hợp với các đặc trưng riêng của nhà trường. Các trường cũng nên tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển không cần thiết, có thể gây khó khăn, rắc rối cho thí sinh”, bà Thủy nói.
Nguồn Báo điện tử Đại biểu Nhân dân