Mặc dù khẳng định sẽ không thay đổi gây xáo trộn nhưng sẽ có nhiều vấn đề thí sinh dự thi đại học năm nay cần phải lưu ý để không bỏ qua những cơ hội cho mình.
Thay vì đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH cùng với việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT như mọi năm, năm nay học sinh lớp 12 sẽ đăng ký thi tốt nghiệp THPT vào tháng 4.2022, và việc đăng ký xét tuyển sẽ được tách ra, triển khai sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đã diễn ra.
Có 6 lần cho đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng
“Thí sinh chỉ được đăng ký 1 lần sau kỳ thi, thời gian để nghiên cứu thông tin, đăng ký rồi điều chỉnh nguyện vọng sẽ kéo dài 6 tuần. Dự kiến sau thời gian phúc khảo, hệ thống sẽ chốt lại các nguyện vọng xét tuyển cuối cùng”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết.
Thí sinh không còn duy trì hai hình thức đăng ký xét tuyển là trên phiếu (bản giấy) và trực tuyến mà sẽ đăng ký 100% trực tuyến trên 2 kênh là Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và Cổng dịch vụ quốc gia. “Phần mềm lọc ảo sẽ chỉ cho phép thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất trong số nhiều nguyện vọng tương ứng với các ngành, trường khác nhau hoặc các tổ hợp phương thức khác nhau vào một ngành, trường. Bộ GD&ĐT không khống chế số nguyện vọng của thí sinh nhưng các em cần sắp xếp để đặt ưu tiên lên trước những nguyện vọng mình thích nhất, mong muốn được học nhất. Trường hợp thí sinh cùng đủ điều kiện trúng tuyển vào nhiều ngành/ trường/ với các phương thức xét tuyển khác nhau thì phần mềm lọc ảo sẽ chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển với nguyện vọng xếp cao nhất”, ông Hùng giải thích.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, thí sinh cần nắm chắc các quy định về tuyển sinh của trường mình có nguyện vọng để đồng thời vừa đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT, vừa đăng ký nguyện vọng theo quy trình của trường (nếu trường quy định).
Với nguyên tắc giữ ổn định, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, Bộ đã yêu cầu các trường nếu muốn giảm chỉ tiêu 1 ngành nào đó cần có lộ trình, không giảm sâu quá 30% chỉ tiêu so với năm trước, gây xáo trộn việc học tập và tâm lý thí sinh.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các trường không giảm mạnh chỉ tiêu dành cho phương thức truyền thống là xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Việc này sẽ có lợi cho nhiều thí sinh ở các vùng nông thôn, khó khăn, không có điều kiện lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hay dự thi đánh giá năng lực.
Nếu các trường xét tuyển theo điểm học tập THPT thuần túy (học bạ) thì có thể thực hiện trực tiếp trên hệ thống của Bộ. Các trường tải nguyện vọng và điểm học tập của thí sinh (do Bộ GD&ĐT cập nhật lên hệ thống) về để xét tuyển rồi gửi lại danh sách trúng tuyển lên hệ thống để lọc ảo.
Nếu áp dụng phương thức phức tạp hơn thì cần có một hệ thống xét tuyển riêng và thông báo rõ cho thí sinh để đăng ký, nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến cho trường, đồng thời đăng ký trên hệ thống của Bộ. Với trường hợp này, theo bà Thủy, các trường có thể chạy phần mềm xét tuyển trước và tải danh sách trúng tuyển tạm thời lên hệ thống của Bộ để lọc ảo chung.
Vẫn có nhiều bất cập
“Năm trước đã có trường hợp học sinh của chúng tôi có tên trong danh sách tuyển thẳng của nhiều trường, nhưng các em lại muốn nhập học vào trường mình yêu thích. Ví dụ, có em trong diện tuyển thẳng vào trường ĐH Y Hà Nội, một trường nhiều người mơ ước. Nhưng em đó lại thấy mình phù hợp với nghề sư phạm nên đã dự thi và trúng tuyển sư phạm. Với cách làm năm nay, tuy có ưu điểm là giảm “ảo” nhưng sẽ làm mất đi quyền được lựa chọn của thí sinh. Cơ chế tuyển sinh không linh hoạt có thể làm mất đi cơ hội có một giáo viên giỏi, yêu nghề”, cô Hoàng Thanh, một giáo viên THPT có ý kiến.
Nhiều thí sinh cũng hoang mang với điều chỉnh mới vì ở thời điểm đăng ký xét tuyển có nhiều yếu tố tác động khiến các em thiếu sáng suốt trong khi thông tin hướng nghiệp ở các trường THPT lại không rõ ràng. “Ở nhiều nước, khi giao tự chủ cho các trường, họ có thể định ra nhiều kỳ tuyển sinh trong năm để người học lựa chọn. Với những điều kiện đảm bảo yêu cầu, người học hoàn toàn có thể rút hồ sơ từ một trường đã nhập học, thậm chí đang học để chuyển sang một trường khác khi trường này có kỳ xét tuyển. Còn với cách của Bộ GD&ĐT áp dụng năm nay, tôi thấy Bộ lại luẩn quẩn quay về cách làm cũ là mỗi năm chỉ một kỳ tuyển sinh. Dù các trường có muốn tự chủ cũng phải “chui chung một rọ”, ông Hoàng Thắng, một phụ huynh có con dự tuyển đại học năm nay băn khoăn.
Theo ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), những điều chỉnh mới của Bộ GD&ĐT sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường.
“Các trường đều đang có nhiều phương thức xét tuyển, với tỷ lệ chỉ tiêu khác nhau, dự kiến thời gian nộp hồ sơ, thời gian công bố trúng tuyển khác nhau. Việc Bộ yêu cầu đưa lên hệ thống chung lọc ảo khiến trường phải thay đổi đề án tuyển sinh”, ông Thắng cho biết.
Cũng có ý kiến như ông Thắng, một số trường ĐH hiện đã nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ của nhiều thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT) và hồ sơ xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực (do ĐHQGHN đã bắt đầu tổ chức kỳ thi này từ cuối tháng 2.2022), bây giờ lại phải chờ lọc ảo, xét tuyển chung thì không biết phải xử trí thế nào?
Đăng ký tổ hợp môn thi trước, nguyện vọng xét tuyển sau
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến vẫn theo phương thức năm 2021. Thí sinh sẽ phải làm 4/5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Các năm trước, nhiều thí sinh chọn bài thi tốt nghiệp phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào ngành các em đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Nhưng năm nay tách việc đăng ký thi khỏi đăng ký nguyện vọng xét tuyển nên có thể sẽ xảy ra việc học sinh đăng ký tổ hợp môn thi không tương ứng với các tổ hợp xét tuyển.
Dù chưa đăng ký ngay nhưng thí sinh cần phải có tính toán, nhìn xa hơn để dự thi những môn cần cho việc sẽ xét tuyển sau này nếu sử dụng phương thức xét kết quả tốt nghiệp THPT.
Theo