Môn Văn chỉ là một tiêu chí phụ hoặc là môn thứ ba, thứ tư trong tổ hợp tuyển sinh. Văn học không thay thế được môn Hoá, môn Sinh trong kỳ thi vào trường y.
Đưa môn Văn vào tuyển sinh ngành y?
Năm học 2023-2024, trong số 27 trường đại học đào tạo ngành y khoa ở nước ta, có 4 trường thông báo dùng tổ hợp có môn văn để xét tuyển chuyên ngành này. Cụ thể: Trường đại học Văn Lang tuyển sinh ngành y khoa bằng bốn tổ hợp xét tuyển, trong đó có tổ hợp văn – hóa – tiếng Anh. Trường đại học Tân Tạo và Trường đại học Võ Trường Toản xét tuyển tổ hợp Toán – Sinh – Văn cho ngành y. Trường đại học Duy Tân xét tuyển ngành y bằng tổ hợp Toán – Văn – Khoa học Tự nhiên. Đây được coi là chuyện lạ và có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh phương thức xét tuyển này. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo giải trình những vấn đề xã hội quan tâm. Bộ Y tế cũng cho rằng các cơ sở đào tạo cần đưa ra căn cứ khoa học, thực tiễn về sự cần thiết, lý do phải đưa môn văn vào xét tuyển ngành y và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chọn môn văn vào tổ hợp xét tuyển. |
Bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, học sinh ứng tuyển vào trường y, nếu học tốt môn văn, khi ra trường có thể có ưu thế hơn về khả năng giao tiếp, tương tác với bệnh nhân so với các bác sĩ chỉ nghiên cứu về khoa học tự nhiên. Nhưng văn học không thay thế được hoá, sinh và toán trong kì thi vào trường y.
Bác sĩ Phúc cũng khẳng định, trên thế giới, không quốc gia nào dùng văn học làm môn thi vào trường y.
Sở dĩ các trường y khoa trên thế giới khi kiểm tra năng lực lâm sàng bậc đại học thường có bài thi bắt buộc về ngôn ngữ là do có học sinh nhập tịch hoặc du học sinh. Bài thi ngôn ngữ này khác với bài thi văn học.
Về việc các trường đại học tuyển sinh ngành y bằng tổ hợp có môn văn, BS Trần Văn Phúc cho rằng, các bộ ngành chức năng cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề dưới góc độ khoa học. Phải làm rõ sử dụng môn văn để tuyển sinh ngành y nhằm mục đích gì? Bởi trong chương trình đào tạo y khoa, không có môn học nào liên quan đến văn học.
Nếu theo cách lý giải của các trường, đưa môn văn vào tuyển sinh ngành y với mục đích tuyển chọn được những bác sĩ tương lai không chỉ khám chữa bệnh giỏi mà còn có kỹ năng giao tiếp, biết thấu cảm với người bệnh…tức là có y đức thì cần phân biệt rõ: môn văn ở đây là văn học không liên quan nhiều đến vấn đề đạo đức. Đạo đức ngành y cần được giáo dục, bồi dưỡng liên tục trong suốt quá trình học ở trường đại học cũng như khi các bác sĩ đi làm tại các cơ sở y tế.
Tán thành đưa môn Văn vào tuyển sinh ngành y nhưng BS Quan Thế Dân cho rằng, nên theo hướng môn Văn chỉ là một tiêu chí phụ hoặc là môn thứ ba, thứ tư trong tổ hợp tuyển sinh. Văn học không thay thế được môn hoá, môn sinh trong kỳ thi vào trường y. Nếu muốn tuyển chọn được những bác sĩ tương lai có tố chất của người học tốt môn văn, biết cảm thông với người bệnh, có khả năng viết, trình bày vấn đề tốt thì cần thiết kế riêng một bài thi kiểm tra, đánh giá năng lực.“Ở nước ta mới chỉ có trường VinUni khi tuyển sinh ngành y là có phỏng vấn thí sinh. Theo tôi, khi tuyển sinh, các trường cũng nên để học sinh tự viết một bài luận trình bày tại sao lại muốn gắn bó ngành y cũng như những nhìn nhận của các em về nghề nghiệp chứ không phải kiểm tra kiến thức văn học trong nhà trường phổ thông như cách làm hiện nay” – BS Quan Thế Dân nêu ý kiến.
PGS-TS Lê Đình Tùng – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo đại học – Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, các trường y khoa của các nước nói tiếng Anh thường sử dụng kết quả kỳ thi UCAT (University Clinical Aptitude Test) và BMAT (Biomedical Admission Test), MCAT (Medical College Admission Test) để tuyển sinh. Trong các kỳ thi này, thí sinh thường phải kiểm tra 4 nhóm năng lực:
- Thứ nhất là năng lực ngôn ngữ. Căn cứ để đưa ra bài thi này là yêu cầu bác sĩ phải có khả năng tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, cho nên yêu cầu phải có khả năng sử dụng tốt ít nhất một ngôn ngữ (cả nói và viết).
- Thứ hai là tư duy định lượng (thông thường là dùng toán học để làm thước đo, một số trường đánh giá qua bài thi tư duy logic và xem toán là thước đo đáng tin cậy);
- Thứ ba là kiến thức khoa học tự nhiên bao gồm hóa, sinh, lý sinh (chứ không chỉ là vật lý đơn thuần);
- Thứ 4 là năng lực phân tích, giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định.
PGS-TS Lê Đình Tùng nêu quan điểm, việc bổ sung thêm các môn học khác trong tổ hợp truyền thống để tuyển sinh vào ngành y là cần thiết để lựa chọn được các thí sinh phù hợp nhất và đảm bảo sự công bằng cho các em học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện điều này thì đòi hỏi cần có lộ trình và theo đúng quy chế hiện hành. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng các quy định về chuẩn đầu vào của các chương trình đào tạo. Nếu muốn theo cách tuyển sinh ngành y của các nước có nền đào tạo y khoa phát triển thì cần hiểu năng lực ngôn ngữ không chỉ là kiến thức văn học mà phải có một công cụ lượng giá phù hợp để đánh giá đúng năng lực này.
Tuyển sinh ngành y: Không thể thiếu môn sinh và môn hóa
Từ góc độ của một trường chuyên đào tạo về y khoa, PGS-TS Lê Đình Tùng – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo đại học – Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Toán – Hóa – Sinh là tổ hợp truyền thống được nhiều trường đại học sử dụng để xét tuyển ngành y khoa trong tất cả các kỳ tuyển sinh từ trước đến nay. Gần đây, một số trường có sử dụng tổ hợp Toán – Lý – Hóa để tuyển sinh ngành y. Tuy nhiên, tổ hợp Toán – Hóa – Sinh vẫn là phù hợp nhất với việc lựa chọn sinh viên theo học các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.
Đồng quan điểm về vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Phúc – BV ĐK Xanh – Pôn, Hà Nội phân tích, để thi vào trường y, học sinh cần phải giỏi 3 môn theo thứ tự ưu tiên, đó là Hóa – Sinh – Toán. Hoá học là môn quan trọng số một, bởi vì hoá học nghiên cứu về thành phần, hành vi, cấu trúc và tính chất của vật chất, cũng như bất kì thay đổi nào của vật chất trong phản ứng hóa học. Sự thay đổi ấy, y học không chỉ dừng ở định tính, mà còn phải định lượng chính xác, đây là yếu tố cốt lõi. Trong thực hành khám chữa bệnh, bác sĩ ngoài quan tâm để các phản ứng trong cơ thể, thì các chỉ số sinh hoá là rất quan trọng, cũng như hầu hết thuốc bác sĩ dùng cho bệnh nhân đều là thuốc hoá học hoặc thuốc sinh học.
Tiếp theo là môn sinh học bởi không lĩnh vực nào sử dụng kiến thức sinh học nhiều như y tế. Nếu không nắm vững các kiến thức của sinh học ở trường phổ thông, sinh viên y khoa sẽ không thể học được các môn Sinh học phân tử, Sinh học tế bào, Mô phôi, Di truyền học, Vi sinh, Ký sinh trùng, Miễn dịch, Dược lý, Sinh lý, Sinh lý bệnh.
Môn thứ ba trong tuyển sinh ngành y là toán có thể thay thế bằng vật lý, tuy nhiên, bác sĩ Phúc cho rằng toán học rất quan trọng đối với ngành y tế, sự hiểu biết sâu sắc về toán học sẽ cải thiện việc thực hành khám chữa bệnh của các bác sĩ hàng ngày cũng như cực kỳ quan trọng quan trọng với nghiên cứu khoa học.
Bác sĩ Quan Thế Dân – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành, Thanh Hóa cũng cho rằng, cùng với mở rộng các trường tham gia đào tạo y khoa, việc mở rộng các tổ hợp tuyển sinh sẽ đưa đến nhiều cơ hội hơn cho các em học sinh hiện thực hóa ước mơ thành bác sĩ. Tuy nhiên, không thể bỏ các môn khoa học tự nhiên, nhất là hóa và sinh khi tuyển sinh vào ngành y. Đặc biệt, sinh học là môn bất di bất dịch khi tuyển sinh vào ngành y – BS Quan Thế Dân nhấn mạnh.
Trước việc một số trường bỏ môn sinh học khi tuyển sinh vào ngành y, PGS-TS Lê Đình Tùng cũng cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như học tập của sinh viên.
Cần sớm ban hành chuẩn chương trình đào tạo và chuẩn đầu vào ngành y
Để chất lượng đào tạo ngành y đồng đều và đảm bảo tuyển chọn đúng người có phẩm chất, năng lực tốt, PGS-TS Lê Đình Tùng cho biết, hiện các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe đang trong lộ trình xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của ngành, nhóm ngành. Từ đó, các cơ sở giáo dục đại học sẽ xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho chính cơ sở của mình, trong đó có yêu cầu cụ thể về chuẩn đầu vào. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước cũng có căn cứ để giám sát và hỗ trợ việc thực hiện các phương thức xét tuyển hay thi tuyển sinh và các tổ hợp xét tuyển cũng như hình thức tổ chức tuyển sinh sao cho phù hợp để chọn được các thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo cũng như đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong tuyển sinh.
“Theo tôi cái đầu tiên là cần sớm ban hành các văn bản quy định về chuẩn chương trình đào tạo của ngành y và cần nêu rõ cụ thể chuẩn đầu vào. Thứ hai là sau khi đã ban hành đầy đủ tất cả các chuẩn của các chương trình đào tạo thuộc ngành, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, các cơ sở đào tạo giáo dục đại học cần phải phối hợp với nhau để có thể xây dựng được các phương tiện, phương thức và công cụ lượng giá phù hợp để đảm bảo không chỉ công bằng đối với thí sinh và minh bạch đối với xã hội. Thứ ba là xây dựng được các công cụ lượng giá phù hợp đối với từng lĩnh vực năng lực. Ví dụ như kỹ năng giao tiếp hay là thái độ ứng xử thì đòi hỏi không chỉ là đánh giá bằng các bài thi thông thường hiện nay mà cần phải có các bài thi liên quan, ví dụ như phỏng vấn…” – PGS-TS Lê Đình Tùng nêu ý kiến.
Theo