Vì sao có đến 35% thí sinh không đăng kí xét tuyển Đại học?

10:02 22/08/2022

Hơn 300.000 thí sinh không đăng kí xét tuyển vào Đại học (ĐH) trong năm học 2022 này. Đây là số liệu mà Bộ GDĐT công bố sau khi kết thúc đợt đăng kí xét tuyển vào ĐH năm nay.

Theo đó, hạn cuối để thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH năm học này là 17h chiều qua (20/8). Số liệu thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, cả nước có hơn 941.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm.

Tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng là hơn 616.000 với hơn 3.094.572 nguyện vọng (trung bình mỗi thí sinh có 5,02 nguyện vọng). Số thí sinh không đăng kí xét tuyển là hơn 325.000 thí sinh, chiếm đến 35% tổng số thí sinh trên cả nước.

Đáng nói, con số này không có nhiều biến động so với thống kê số lượng thí sinh đăng kí ngày 19/8. Mặc cho trước đó, phía Bộ GDĐT đã liên tục nhắc nhở thí sinh không đăng kí vào phút chót.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: H.C.

Theo Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), hệ thống đăng kí xét tuyển vẫn hoạt động bình thường trong suốt thời gian thí sinh đăng kí, điều chình nguyện vọng. Tuy nhiên, Bộ GDĐT vẫn chưa thể đưa ra nhận định vì sao có đến hàng trăm ngàn thí sinh từ chối đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, một chuyên gia giáo dục khác cho hay, con số 35% thí sinh từ chối xét tuyển cũng có thể chính là tình trạng ảo trong quá trình đăng kí xét tuyển, tuy nhiên con số này cũng là “hơi bất thường” vì số lượng tương đối lớn. Dù vậy, trong quá trình tuyển sinh các trường sẽ dễ dàng hơn trong việc lọc ảo, đảm bảo được số lượng chỉ tiêu tuyển sinh.

“Mặc dù vậy, cũng không thể loại trừ trường hợp nhiều thí sinh không nắm rõ các quy định tuyển sinh, dù số lượng này sẽ rất ít. Một số em vì đã có giấy báo trúng tuyển, nghĩ rằng đã chắc chắn đỗ nên không đăng kí. Ngoài ra thì nguyên nhân chủ yếu có thể do số lượng những thí sinh này không mong muốn vào ĐH thực sự mà đã có những hướng đi khác như học nghề, du học…”, chuyên gia phân tích.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng khẳng định, việc không đăng kí xét tuyển ĐH số lượng lớn như vậy không chỉ phản ánh các em đã có định hướng rõ ràng hơn cho mình, mà còn là dấu hiệu tích cực để tiết kiệm thời gian cũng như công sức của ngành giáo dục và toàn xã hội.

Khá bất ngờ với con số 35% thí sinh không đăng kí xét tuyển ĐH năm nay, tuy nhiên, GS. Phạm Tất Dong, cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam lại cho rằng đây là tín hiệu tích cực khi nhiều bạn trẻ đã có những định hướng cho tương lai của chính mình.

Theo GS. Dong, hiện nay nhu cầu về thợ lành nghề rất cao, do đó ĐH không phải con đường duy nhất để các bạn trẻ có thể lập nghiệp. Thay vào đó, nhiều em lựa chọn theo học các trường nghề, trường trung cấp cũng là điều tốt. Điều này không chỉ phù hợp với lực học của bản thân mà còn phù hợp với nhu cầu của xã hội, tránh gây lãng phí khi đào tạo ồ ạt cử nhân mà số lượng thất nghiệp cũng nhan nhản như thời gian qua.

Một vài ý kiến khác cũng cho rằng, con số hơn 300.000 thí sinh không đăng kí xét tuyển ĐH có thể là nhóm thí sinh không đủ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của các trường ĐH.

Theo

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận