Để trở thành một nhân viên phục vụ bàn chuyên nghiệp, bạn cần phải nắm được một số kỹ năng làm việc cơ bản. Hãy tìm hiểu 5 kỹ năng phục vụ bàn cơ bản nhân viên nhà hàng cần có là gì?
Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng cơ bản mà nhân viên phục vụ nhà hàng cần phải có. Khi khách bước vào nhà hàng, bạn phải mỉm cười, niềm nở đón khách; biết cách giới thiệu, tư vấn để khách chọn món ăn, thức uống,… với một thái độ lịch sự, giọng điệu dễ nghe, phát âm rõ ràng. Và bạn cũng phải biết cách “giao tiếp bằng ánh mắt” để tạo được sự kết nối với khách hàng.
Kỹ năng quan sát
Đây là một kỹ năng vô cùng cần thiết cho công việc của nhân viên phục vụ nhà hàng. Bạn phải quan sát để biết được nên tiếp món ăn thời điểm nào là hợp lý, châm rượu kịp thời khi khách đã uống cạn, khách cần hỗ trợ gì trong bữa ăn hay không, khách đã thanh toán chi phí bữa ăn hay chưa, khách có lấy nhầm áo khoác của người khác treo ở giá treo đồ hay không,… để từ đó có những bước ứng xử phù hợp.
Kỹ năng chăm sóc khách hàng
Làm sao để chăm sóc khách hàng thật “ân cần, chu đáo” là điều mà nhân viên phục nào cũng cần phải lưu tâm. Kỹ năng chăm sóc khách hàng thể hiện ở việc giúp khách kéo ghế ngồi vào bàn; giúp khách treo áo khoác lên vị trí thích hợp; hỏi han khách có cần hài lòng về bữa ăn và có yêu cầu thêm gì không,… Và khi bạn đã “làm vui lòng khách đến, đẹp lòng khách đi” sẽ tạo cho khách hàng cảm giác họ luôn được chào đón, được quan tâm và chắc chắn khách sẽ muốn trở lại nhiều lần.
Kỹ năng xử lý sự cố phát sinh
Bất cứ một môi trường làm việc nào cũng khó tránh khỏi những sự cố phát sinh. Môi trường làm việc trong nhà hàng cũng vậy. Đó có thể là do chính bạn hoặc khách hàng gây ra. Những điều quan trọng là bạn phải xử lý sao cho thật khôn khéo để không làm ảnh hưởng đến khách, đến uy tín của nhà hàng. Nếu vượt quá khả năng giải quyết của bản thân, bạn phải báo cáo và nhờ sự trợ giúp từ quản lý nhà hàng.
Kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng
Làm sao để nắm bắt được tâm lý khách hàng là một việc khó nhưng bạn sẽ sở hữu được kỹ năng này nếu bạn làm một người nhanh nhạy, thấu hiểu tâm lý khách hàng sau một thời gian làm việc đủ dài. Khách đến nhà hàng gồm rất nhiều độ tuổi, sở thích, yêu cầu khác nhau,… do đó, nếu nắm bắt được tâm lý khách hàng tốt sẽ giúp bạn nâng cao được chất lượng dịch vụ, uy tín của nhà hàng.
Với những chia sẻ của bài viết trên đây, hy vọng các bạn sinh viên sẽ tự đánh giá được bản thân để trau dồi, hoàn thiện mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để sẵn sàng trong chặng đường chinh phục sắp tới.