Bạn là sinh viên thuộc chuyên ngành Logistics, vậy bạn đã biết về kiến thức của Incoterms hay chưa? Hãy tìm hiểu thêm thông tin về khái niệm này trong bài viết dưới đây nhé!
Qua thời gian, Logistics đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Là doanh nghiệp kinh doanh hay người tiêu dùng, chúng ta đều có thể nhìn thấy rõ sự hiện diện của các dịch vụ logistics trong việc giúp con người thỏa mãn các nhu cầu về hàng hóa dịch vụ. Giao nhận, vận chuyển, làm thủ tục hải quan,.. là một trong số các dịch vụ được cung cấp bởi rất nhiều công ty logistics trên thị trường. Để làm tốt các công việc này, bạn cần trang bị cho mình nhiều kỹ năng và kiến thức. Vì vậy, hiểu biết thêm về Incoterms là một điều quan trọng không thể thiếu đối với nhân viên logistics.
Incoterms là gì?
Incoterms là một bộ các quy tắc về sử dụng các điều kiện thương mại quốc tế và nội địa, được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Incoterms là từ viết tắt của International Commercial Terms. Incoterms được ban hành bởi phòng Thương mại Quốc tế (ICC- International Chamber of Commerce). Incoterms lần đầu tiên được hình thành vào năm 1921 và được ICC chính thức ban hành vào năm 1936. Từ đó đến nay, Incoterms đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với thực tiễn, sự kiện thương mại xảy ra trên thế giới. Tương ứng với mỗi lần bổ sung sửa đổi thì có một phiên bản Incoterms, có thể kể đến: Incoterms 1953, Incoterms 1967, Incoterms 1976, Incoterms 1980, Incoterms 1990, Incoterms 2000, Incoterms 2010.
Phiên bản Incoterms mới nhất hiện tại là Incoterms 2020, được ICC thông báo phát hành vào ngày 10/9/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Incoterms 2020 gồm có 11 điều kiện giao hàng, được chia thành 2 nhóm:
- Nhóm các điều kiện áp dụng cho mọi phương thức vận tải: EXW, FCA, CPT, CIP, DAP, DPU, DDP.
- Nhóm các điều kiện áp dụng cho vận tải đường biển và đường thủy nội địa: FAS, FOB, CFR, CIF.
Incoterms quy định điều gì?
Nội dung chính các điều kiện Incoterms quy định về trách nhiệm, chi phí và thời điểm chuyển giao rủi ro giữa các bên liên quan đến việc giao nhận hàng hóa. Nội dung chính của các điều kiện giao hàng trong Incoterms trả lời các câu hỏi như: “Ai thuê phương tiện vận tải?”; “Ai trả cước phí vận tải?”; “Ai làm thủ tục hải quan?”; “Ai mua bảo hiểm hàng hóa?”; “Ai chịu chi phí đóng gói hàng hóa, chi phí bốc dỡ hàng hóa?”; “Ai chịu trách nhiệm về những tổn thất và rủi ro của hàng hóa trong quá trình vận chuyển, thời điểm chuyển giao trách nhiệm về hàng hóa?”,…
Việc hiểu, xác định rõ nội dung của các điều kiện trong Incoterms không chỉ quan trọng đối với người kinh doanh xuất nhập khẩu khi đàm phán ký kết hợp đồng ngoại thương mà còn là cơ sở để nhân viên logistics tư vấn, báo giá, cung cấp dịch vụ logistics cho khách hàng tối ưu nhất.
Một số lưu ý khi sử dụng Incoterms
- Incoterms có nhiều phiên bản. Các phiên bản sau ra đời không phủ nhận tính hiệu lực của các phiên bản trước đó. Vì vậy, khi sử dụng Incoterms thì cần ghi rõ Incoterms phiên bản nào.
- Incoterms là tập quán thương mại, không phải là luật. Chỉ khi nào điều kiều khoản Incoterms được dẫn chiếu một cách chính xác trong hợp đồng thì lúc đó nội dung của quy tắc Incoterms đó mới có tính ràng buộc.
- Phân biệt địa điểm chỉ định (named place) và địa điểm giao hàng (delivery point) trong các điều kiện giao hàng. Địa điểm chỉ định là nơi người bán hết trách nhiệm về chi phí đối với hàng hóa. Còn địa điểm giao hàng là nơi người bán hết trách nhiệm về rủi ro đối với lô hàng. Địa điểm chỉ định luôn đi kèm sau điều kiện Incoterms trong hợp đồng ngoại thương. Một số điều kiện giao hàng trong Incoterms có địa điểm giao hàng khác với địa điểm chỉ định như CIF, CFR, CIP,..
Hy vọng rằng, những thông tin khái quát nhất về Incoterms kể trên sẽ hữu ích cho các bạn trong tìm hiểu từng điều khoản Incoterms để vận dụng vào công việc của mình. Chúc các bạn học tập hiệu quả!
Giảng viên Trần Thị Kim Chi – Bộ môn Quản trị kinh doanh
Cao đẳng FPT Mạng cá cược bóng đá Đà Nẵng