Pop-up là một trong những phương pháp giảng dạy trực quan đem lại nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, nhất là kĩ năng miêu tả và phát triển vốn từ vựng.
Pop-up – mô hình cắt dán là một hoạt động đang trở nên ngày càng phổ biến trong giảng dạy tiếng Anh. Đây là phương pháp linh hoạt và thú vị giúp các giáo viên tạo ra một môi trường học tập sáng tạo, kích thích trí tò mò của học sinh, sinh viên, từ đó cải thiện khả năng ngôn ngữ của sinh viên.
Về cơ bản, mô hình pop-up là một tài liệu học tập được làm bằng giấy và được cắt thành các hình dáng khác nhau, khi mở ra thì các hình sẽ tạo ra một không gian ba chiều, gợi cảm hứng cho người học. Mô hình pop-up được sử dụng sử dụng trong đa dạng lĩnh vực như trang trí, vẽ tranh, quảng cáo,…
Trong giáo dục, mô hình pop-up được sử dụng như một công cụ giảng dạy trực quan và thú vị để truyền đạt kiến thức. Đồng thời, mô hình pop – up giúp học sinh thấy được hình ảnh thực tế và dễ dàng hình dung, sự kết hợp giữa việc học và nhìn hình ảnh trực quan giúp tăng khả năng ghi nhớ và hiểu bài học.
Trong học tiếng Anh, cắt dán mô hình pop-up giảng dạy trực quan có thể được sử dụng để phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, bao gồm kỹ năng miêu tả, phát triển vốn từ vựng, sáng tạo và ghi nhớ kiến thức. Sử dụng mô hình pop-up giúp học sinh phát triển vốn từ vựng một cách tự nhiên, thông qua những hình ảnh sinh động, trực quan.
Khi sử dụng phương pháp này, học sinh sẽ nhớ từ vựng nhanh hơn và có thể sử dụng chúng trong cách diễn đạt của mình. Với kỹ năng phát triển vốn từ vựng, mô hình pop-up có thể giúp người học tăng cường số lượng từ mới, cải thiện khả năng phát âm và sử dụng từ đúng cách.
Ví dụ, khi học đến bài miêu tả ngôi nhà – người học có thể sử dụng mô hình pop-up với các hình ảnh của đồ vật trong nhà, trong các căn phòng và ghi chú từ mới ở mỗi bức tranh. Việc này sẽ giúp người học ghi nhớ từ vựng mới theo cách trực quan và dễ dàng hơn.
Ngoài ra, việc tham gia nhiều hơn vào việc cắt dán mô hình pop-up giúp học sinh rèn luyện tinh thần kiên trì và sự chính xác trong hoạt động thực hiện.
Đôi khi, mô hình pop-up còn được sử dụng như một công cụ giúp học sinh nâng cao khả năng thắc mắc và tư duy sáng tạo. Học sinh có thể tùy biến mô hình pop-up theo ý muốn của mình, kết hợp với tư duy phản biện để tạo ra các ý tưởng mới lạ, phù hợp với những vấn đề mà họ đang quan tâm.
Ví dụ, khi đến bài Life Events – các bạn sinh viên sẽ được phát 15 hình ảnh của những giai đoạn liên quan đến những sự kiện trong cuộc sống. Sinh viên sẽ tổng hợp từ vựng, sắp xếp và sau đó chọn ra 6 -8 giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời để thực hiện cắt dán vào mô hình và thuyết trình về các giai đoạn đó sử dụng các cấu trúc và từ vựng liên quan đến thì quá khứ đơn đã học.
Một ví dụ nữa được nhắc đến là khi giảng dạy là nhà cửa, giáo viên sẽ sử dụng mô hình pop-up để cho học sinh thấy được một cách thực tiễn cấu tạo của ngôi nhà và từng căn phòng. Sinh viên sẽ phân nhiệm vụ ra chuẩn bị từ vựng, thiết kế, trang trí pop-up và sau đó sẽ cùng hoàn thành đoạn văn miêu tả ngôi nhà của mình dựa trên những từ vựng và cấu trúc đã học nhằm phục vụ cho kì thi nói một cách hiệu quả.
Để thực hiện cắt dán mô hình pop-up, giáo viên cần chuẩn bị bài học và các tài liệu như template cần thiết. Giáo viên có thể tìm kiếm trên trang Pinterest với các từ khoá như: pop-up, cut out, template…. cùng với chủ đề mà mình muốn hướng đến. Sau đó, với những nét gấp và 1 câu kéo, giáo viên có thể thực hiện việc cắt dán mô hình pop-up trực tiếp trên lớp để hướng dẫn cho sinh viên cùng làm hoặc sử dụng các mô hình pop-up sẵn có.
Các bạn sinh viên có thể xem hướng dẫn cách cắt thông qua video trên Pinterest
Mô hình pop-up giúp học sinh hình dung được từ những khái niệm cơ bản như cây cối, phương tiện giao thông đến nhà cửa, thói quen hàng ngày, những giai đoạn cuộc đời…
Với những chiếc mô hình này, học sinh có thể dễ dàng hình dung và miêu tả bất kỳ đối tượng, khung cảnh hay sự kiện nào một cách sinh động, chân thực nhất có thể. Nhờ được cắt dán từ các miếng giấy được thiết kế sẵn, mô hình pop-up rất đa dạng và dễ dàng tùy biến để phù hợp với nhiều chủ đề khác nhau.
Bằng cách sử dụng mô hình pop-up, học sinh có thể hình dung, cảm nhận và diễn tả sự việc một cách trực quan và tự nhiên, từ đó nâng cao khả năng miêu tả của sinh viên.
Cắt dán mô hình pop-up giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy, khả năng tập trung và sự kiên nhẫn. Hơn nữa, học sinh được khuyến khích tham gia vào quá trình làm việc, việc làm việc nhóm và trang trí giúp sinh viên tạo ra những sản phẩm độc đáo và thể hiện khả năng sáng tạo của mình.
Đặc biệt, mô hình cắt dán giúp tăng cường khả năng tương tác giữa giáo viên với học sinh. Trong việc phát triển kỹ năng miêu tả, mô hình pop-up có thể giúp người học tập trung vào sự mô tả thực tế của một đối tượng hoặc một cảnh vật một cách chi tiết và sáng tạo.
Ví dụ, nếu muốn miêu tả các sản phẩm mỹ phẩm, người học có thể sử dụng mô hình pop-up với các chai sản phẩm và áp dụng mẫu câu để miêu tả và phục vụ cho bài nói. Việc sử dụng các mô hình pop-up sẽ giúp người học có thể tập trung miêu tả chi tiết một cách trực quan và hứng thú hơn. Đồng thời làm tăng tinh thần làm việc nhóm và phát triển kĩ năng thuyết trình của sinh viên.
Cuối cùng, mô hình pop-up cũng giúp cho việc ghi nhớ kiến thức trở nên dễ dàng hơn. Nhờ vào tính trực quan cùng với sự phối hợp giữa các yếu tố màu sắc, hình ảnh, người học có thể dễ dàng ghi nhớ và hiểu các kiến thức cơ bản trên một mức độ sâu hơn.
Từ những ví dụ trên, có thể thấy phương pháp cắt dán mô hình pop-up giảng dạy trực quan trong tiếng Anh là một phương pháp hữu hiệu và thú vị trong việc phát triển các kỹ năng của người học. Với việc xây dựng mô hình pop-up đơn giản nhưng sáng tạo, người học có thể phát triển các khả năng ngôn ngữ của mình một cách tự nhiên và đầy thú vị.
Chúc các bạn sinh viên tiếp tục học tập thật tốt với phương pháp học tập mới này!
Giảng viên Lê Dương Ngọc Trân
Bộ môn Tiếng Anh
Cao đẳng FPT Mạng cá cược bóng đá
Cần Thơ