Bộ nhận diện thương hiệu (Brand Identity) được coi như lời “giới thiệu” đầy đủ nhất của một doanh nghiệp. Vậy cần lưu ý những gì khi xây dựng bộ nhận diện thương hiệu? Cùng tìm hiểu tại bài viết này nhé!
Bộ nhận diện thương hiệu là gì?
Hiện nay, với hàng triệu nếu không muốn nói là hàng tỷ doanh nghiệp đang cố gắng tạo dựng tên tuổi cho mình thì việc sở hữu cho mình một thương hiệu mạnh, được nhiều người biết đến chính là điểm khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cũng chính là cách mà doanh nghiệp xây dựng giá trị, phác hoạ tính cách của mình trong tâm trí khách hàng. Hay nói một cách đơn giản hơn, bộ nhận diện thương hiệu chính là cá tính của doanh nghiệp và lời hứa với khách hàng của họ.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, bộ nhận diện thương hiệu là Logo. Đúng nhưng chưa đủ, logo là biểu tượng của doanh nghiệp thế nhưng đây cũng chỉ là một thành phần nhỏ trong bộ nhận diện thương hiệu. Để phát triển bộ nhận diện thương hiệu hoàn hảo cần có thêm các yếu tố như tên gọi, logo, biểu tượng, màu sắc thương hiệu, typo, phương châm hoạt động, hồ sơ doanh nghiệp, tài liệu Marketing (hoặc Digital Marketing),… được thiết kế đồng bộ đảm bảo sự nhất quán từ màu sắc, hình ảnh, nội dung. Chính sự đồng bộ này khiến khách hàng có thể dễ dàng nhớ và hiểu về doanh nghiệp hơn.
Quy trình 07 bước xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp
Bước 01: Xác định khách hàng mục tiêu
Để xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu thành công, doanh nghiệp cần hiểu được đối tượng khách hàng của mình là ai. Khi bạn hiểu được nhu cầu, sở thích, thị hiếu của khách hàng mục tiêu thì các sản phẩm sẽ được đối tượng nhóm đối tượng khách hàng này đón nhận một cách tốt hơn.
Vậy làm sao để xác định được khách hàng mục tiêu? Hãy trả lời những câu hỏi dưới đây:
- Sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp bạn cung cấp là gì?
- Đối tượng khách hàng mua sắm sản phẩm của bạn là nam hay nữ?
- Độ tuổi của họ bao nhiêu?
- Họ sinh sống ở đâu?
- Thu nhập trung bình của họ như thế nào?
- Thói quen và sở thích của họ như thế nào?
- Họ có hay sử dụng mạng xã hội hay không?
- Vấn đề mà họ gặp phải là gì?
Từ việc trả lời những câu hỏi trên, bạn có thể phác thảo lên chân dung đối tượng khách hàng mục tiêu của mình và hiểu được thị hiếu của nhóm đối tượng này ra sao.
Bước 02: Phân tích đối thủ cạnh tranh
Trong Binh pháp Tôn Tử có câu: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Việc nghiên cứu và phân tích đối thủ cạnh tranh là một trong những hoạt động không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. Có thể nói, đối thủ cạnh tranh chính là hiện diện của thị hiếu thị trường. Mặt khác, một bộ nhận diện thương hiệu tốt phải tạo nên được sự khác biệt. Để hiểu đối thủ của mình đang làm như thế nào hãy trả lời những câu hỏi dưới đây:
- Chất lượng sản phẩm, dịch vụ của họ thế nào?
- Giá cả ra sao?
- Họ có những kênh phân phối nào?
- Những kênh truyền thông?
- Màu sắc nào được sử dụng trong thương hiệu của họ?
- Dịch vụ chăm sóc khách hàng có tốt không?
- Bộ nhận diện thương hiệu của họ có sáng tạo không?
- Giá trị công ty họ là gì?
- Lời hứa của họ với khách hàng như thế nào?
Sau khi xác định được các yếu tố này, bạn sẽ biết được doanh nghiệp mình cần xây dựng bộ nhận diện thương hiệu như thế nào để trở nên khác biệt và thu hút khách hàng.
Bước 03: Chọn tên thương hiệu
Đặt tên cho doanh nghiệp là công việc nghiễm nhiên mỗi doanh nghiệp đều phải làm. Một số nguyên tắc bạn cần lưu ý khi đặt tên thương hiệu:
- Tên thương hiệu cần được bảo hộ về mặt pháp lý: Để tránh những trường hợp như thương hiệu bị đạo nhái, trùng lặp tên,…
- Tên miền có sẵn: Nếu bạn tìm kiếm trên google đã thấy tên thương hiệu mà mình muốn đặt đã có rồi thì lúc này bạn cần suy nghĩ lại về việc đổi tên. Sau khi bạn đã có tên thương hiệu rồi thì nên đăng ký tên miền càng sớm càng tốt.
- Ngắn gọn, dễ phát âm, dễ nhớ: Đừng cố làm khó chính mình và khách hàng, bạn nên chọn cho doanh nghiệp của mình tên gọi ngắn gọn, dễ nhớ. Một mẹo nhỏ bạn có thể sử dụng các nguyên âm để đặt tên thương hiệu o, e, a, i thường được khách hàng nhớ lâu hơn. Ví dụ như Coca Cola, Honda, Tiki, Shopee,…
- Tên gọi liên quan tới ngành hàng mà doanh nghiệp bạn đang kinh doanh: Điều này tuy không bắt buộc, thế nhưng nếu tên doanh nghiệp bạn thể hiện với khách hàng được bạn kinh doanh sản phẩm, dịch vụ gì sẽ giúp khách hàng dễ nhận biết hơn. Ví dụ như Vinamilk, TH true milk, FPT education,…
- Phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu của mình: Bạn cần xác định xem trình độ, nhận thức của đối tượng khách hàng ở mức nào, khu vực nông thôn hay thành thị để lựa chọn tên gọi cho phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Bước 04: Mua tên miền thương hiệu
Sau khi có tên thương hiệu rồi, bạn nên tiến hành mua tên miền website càng sớm càng tốt. Không những vậy, bạn cũng cần hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh, bảo hộ tên thương hiệu.
Bước 05: Xây dựng tính cách thương hiệu
Đối thủ có thể dễ dàng copy, đạo nhái ý tưởng, thiết kế, sản phẩm thế nhưng lại khó có thể đạo nhái được tính cách của thương hiệu. Khi chân dung, tính cách của một doanh nghiệp được phác hoạ rõ ràng thì khách hàng có thể nhớ về bạn lâu hơn. Thậm chí họ có thể trở thành khách hàng trung thành (Customer loyalty) và giới thiệu tới những bạn bè xung quanh.
Một ví dụ rất rõ ràng về tính cách thương hiệu, cùng là kẹo Singum, thế nhưng khi nhắc tới thương hiệu Bigbabol người ta liên tưởng ngay tới những cô, cậu bé tinh nghịch, năng động còn khi nhắc tới DoubleMint thì gắn liền với hình ảnh của cặp đôi lãng mạn, xuất hiện trong những lần hẹn hò, hội họp. Đó chính là sự khác biệt trong tính cách thương hiệu của các doanh nghiệp có cùng chung sản phẩm.
Bước 06: Kể câu chuyện thương hiệu
Câu chuyện thương hiệu sẽ giúp cho doanh nghiệp của bạn trở nên thú vị và cho khách hàng thấy được giá trị của mình. Bạn có thể kể câu chuyện của các CEO công ty hay những ý tưởng thành lập, những khó khăn, biến cố và doanh nghiệp của bạn đã làm gì để phát triển. Một doanh nghiệp khi kể được câu chuyện thương hiệu hay cũng chính là cách đạt được sự tin tưởng từ khách hàng, nâng cao giá trị của mình và thu hút những nhân tài.
Bước 07: Xây dựng bộ Brand guidelines
Brand guidelines là một phần không thể thiếu trong bộ nhận diện thương hiệu. Một bộ brand guidelines hoàn chỉnh cần đảm bảo được tính đồng bộ và không thể thiếu những yếu tố dưới đây:
- Tổng quan về thương hiệu bao gồm cả lịch sử, tầm nhìn và cá tính của doanh nghiệp
- Thông số kỹ thuật logo và cách sử dụng logo
- Phông chữ thương hiệu
- Bảng màu thương hiệu
- Những thông số kỹ thuật mà doanh nghiệp sử dụng hình ảnh bao gồm cả phong cách chụp ảnh
- Bộ nhận diện văn phòng: name card, giấy viết thư, bao bì thư, thẻ nhân viên, áo đồng phục, lịch, chữ ký email, bộ truyền thông nội bộ,…
- Bộ quà tặng (phục vụ cho các chương trình khuyến mãi, tri ân của doanh nghiệp): cốc, túi, bình đựng nước, móc khoá, áo,…
- Bộ truyền thông: Bố trí thiết kế và lưới cho in ấn và các dự án web, thông số kỹ thuật cho các biển báo và quảng cáo ngoài trời
- Tài liệu hướng dẫn
- Thông số kỹ thuật cho các biển báo và quảng cáo ngoài trời
- Phong cách viết văn bản và giọng văn
- Hướng dẫn phương tiện truyền thông đa phương tiện
- Ví dụ trực quan để hỗ trợ từng quy tắc (cung cấp các ví dụ về sử dụng thích hợp và không thích hợp cho rõ ràng)
Có thể nói bộ nhận diện thương hiệu chính là nền móng của một doanh nghiệp. Chính bởi vậy, việc xác định, nghiên cứu và xây dựng bộ nhận diện tốt cho doanh nghiệp vô cùng quan trọng. Cùng lưu lại bài viết này để có thể thiết kế cho doanh nghiệp của mình bộ nhận diện thương hiệu tốt nhất nhé!
Giảng viên Thu Nguyễn
Bộ môn Digital Marketing
Trường Cao đẳng FPT Mạng cá cược bóng đá cơ sở Hà Nội