Khi bạn không phải là người duy nhất đi tìm việc làm, khi bạn đang muốn tìm được một công việc hấp dẫn, thì việc tự mình toả sáng chính là đòn bẩy giúp các bạn sinh viên mới ra trường giảm” tỉ lệ chọi”, lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển dụng.
Linkedin là gì?
LinkedIn là một trang mạng định hướng kinh doanh được thành lập bởi Reid Hoffman tháng 12 năm 2002. Ngày 13 tháng 6 năm 2016, Microsoft thông báo mua lại LinkedIn với 26,2 tỷ đô-la Mỹ. LinkedIn được định hướng trở thành một trang mạng xã hội chuyên nghiệp, thiết kế để giúp mọi người kết nối với nhau một cách dễ dàng, với mục đích kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm và chia sẻ sơ yếu lý lịch cũng như tìm việc làm.
Tự mình toả sáng và tạo ấn tượng trước nhà tuyển dụng
Để tự mình toả sáng giữa hàng nghìn ứng viên, các bạn sinh viên mới ra trường cần điền đầy đủ thông tin vào kênh Linkedin của mình. Hơn hết, các bạn sinh viên cần nhấn mạnh vào các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm việc, các bằng khen, hoạt động của bạn. Linkedin giúp làm “sáng giá” trình độ, kinh nghiệm, dự án của ứng viên, là đòn bẩy để kết nối các nhà tuyển dụng với các bạn sinh viên mới ra trường.
Đặc biệt, trên giao diện Linkedin các bạn sinh viên sẽ thấy phần Jobs – Việc làm. Đây là nơi các bạn sinh viên có thể tìm kiếm và nộp đơn xin việc, nhận thông tin về các công ty đang có nhu cầu tuyển dụng mà bạn quan tâm và hơn thế nữa. Bạn có thể thiết lập thông báo và nhận email khi có tin tuyển dụng mới có chứa từ khoá, thông tin về công việc mình đang muốn ứng tuyển.
Theo chị Thảo Trần, Trưởng bộ phận nhân sự tại Pizza Hut Digital Ventures chia sẻ: Các bạn sinh viên và các bạn đang dùng Linkedin phải phân biệt rõ Linkedin và Facebook vì Linkedin là mạng xã hội dành cho người đi làm cho nên cách chúng ta tương tác, hành xử đều có thể “đến mắt” Nhà tuyển dụng.
Thứ nhất, để tiếp cận với Nhà tuyển dụng trên Linkedin không khó, nếu bạn thường xuyên tương tác trên Linkedin bằng cách để lại bình luận thể hiện quan điểm bằng thái độ tích cực thì bạn đã ghi điểm trong mắt Nhà tuyển dụng. Một mẹo giúp các bạn dễ ghi điểm nhất là hãy thường xuyên dạo quanh các bài chia sẻ của những anh chị có tầm ảnh hưởng, thể hiện quan điểm hoặc đóng góp tích cực bạn sẽ dễ dàng được chú ý.
Tóm lại, khi làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng phải đầu tư (thời gian, chi phí, nỗ lực..) thì mới mong gặt được thành quả.
Thứ hai, nếu các bạn đang tìm việc, đừng bao giờ chỉ để “open to work” mà hay ghi “Open to + vị trí mà bạn đang tìm kiếm” khi ấy các bạn tuyển dụng mới “click” vào xem hồ sơ của các bạn nếu họ đang tìm ứng viên giống vị trí bạn đang tìm kiếm.
Cuối cùng, bạn nên kết nối với các anh chị làm tuyển dụng cùng ngành với bạn đang làm hoặc ngành mà bạn muốn làm việc bởi vì khi họ đăng bài tuyển dụng bạn sẽ dễ dàng thấy được.
Giảng viên Digital Marketing Nguyễn Thị Thu Loan, người đã từng phụ trách tuyển dụng và phỏng vấn nhiều ứng viên cho các doanh nghiệp chia sẻ: “Một trong những kênh tôi tìm ứng viên chất lượng chính là Linkedin, đặc biệt là khi làm việc tại công ty nước ngoài. Chỉ bằng một vài thao tác, từ khoá tôi tìm được danh sách ứng viên lý tưởng, phù hợp với các yêu cầu của công ty như chức danh công việc, tên trường học, ngành nghề làm, số năm kinh nghiệm… Tôi tập hợp dữ liệu, nghiên cứu ứng viên trước khi liên hệ, gửi email tới ứng viên một cách nhanh chóng, điều này cũng phản ánh, các bạn ứng viên muốn được phía tuyển dụng “săn tìm”, hãy làm nổi bật kinh nghiệm, kỹ năng và tạo Headline hấp dẫn cho tài khoản Linkedin”.
Theo chị Phạm Thị Ngọc Anh – Talent Acquisition Specialist – Pentalog (Công ty đa quốc gia về Dịch vụ phần mềm (IT service) có trụ sở tại Pháp), các bạn sinh viên mới ra trường hãy sử dụng LinkedIn một cách thông minh, biến mạng xã hội trở thành “chìa khoá vàng” mở ra cơ hội nghề nghiệp tốt và đầy triển vọng.
Các bạn trẻ hiện tại hầu hết các thành viên thuộc thế hệ cuối gen Y và chủ yếu là gen Z. Thế hệ Z (Gen Z) được được sinh ra trong thời đại Internet phát triển, được tiếp cận với công nghệ ngay từ bé. Gen Z được mệnh danh là những công dân của thời đại số hoá nên rất dễ đón nhận công nghệ, di động, Internet và các phương tiện truyền thông xã hội, từ Facebook, Google, Youtube, Instagram,… Một điểm rất khác giữa các thế hệ cũ với thế hệ Z chính là sử dụng Internet để tìm việc. Có rất nhiều mạng xã hội việc làm nhưng mang tính quy mô toàn cầu và nổi tiếng nhất phải nói đến là LinkedIn. Với Ngọc Anh, LinkedIn như là cánh tay trái, giúp Ngọc Anh tìm kiếm được nhiều ứng viên, kết nối được nhiều người, biết nhiều thông tin và cũng giúp Ngọc Anh tìm kiếm được nhiều công việc thú vị trên toàn thế giới.
Ngoài bổ sung các kĩ năng mềm và kiến thức nghiệp vụ thì các kỹ năng sử dụng mạng xã hội việc làm cũng giúp bạn tiếp cận được nhiều cơ hội việc làm không chỉ ở trong nước mà còn có thể tiếp cận các cơ hội của doanh nghiệp nước ngoài hoặc các công việc trực tiếp ở các quốc gia khác nhau.