Thời gian qua, Du lịch – Khách sạn đã trở thành một ngành học hấp dẫn, có thể nói là một nghề “hot” theo ngôn ngữ của các bạn trẻ bây giờ. Nhưng để thành công với ngành học này thì lại là cả một hành trình dài, đòi hỏi rất nhiều yếu tố ở các bạn sinh viên.
Đứng trên quan điểm của những người đi trước có nhiều trải nghiệm về nghề thì Du lịch khách sạn được coi là một nghề vất vả. Nỗi vất vả này khó mà có thể kể bằng lời, nó được đo bằng những giọt mồ hôi và nước mắt. Càng ở vị trí cao thì áp lực càng lớn vì đứng trên vai bạn không chỉ là chủ đầu tư, khách hàng mà cả đội ngũ nhân viên của bạn nữa.
Tuy nhiên nhờ vào những vất vả này mà thành quả của các bạn đong đầy không chỉ bởi mức lương hậu hĩnh vì thu nhập của ngành Du lịch khách sạn mặt bằng chung cao hơn các ngành nghề khác mà điều quan trọng nhất đó là niềm hạnh phúc mà bạn có được trên cơ sở đem đến niềm vui và sự hài lòng cho khách hàng của mình. Cứ thể mỗi ngày, đam mê của bạn sẽ một lớn hơn và đến một lúc nào đó bạn nhận ra rằng nghề này đã ăn sâu vào máu của mình, không làm nghề là nhớ lắm đấy.
Bài viết này sẽ chia sẻ với bạn về hai chuyên ngành chính trong lĩnh vực Du lịch khách sạn đó là ngành Quản trị nhà hàng và ngành Hướng dẫn viên Du lịch. Quản trị khách sạn (tiếng Anh là Hotel Management) là ngành học về cách thức quản lý và tổ chức các hoạt động trong khách sạn sao cho hợp lý và hiệu quả nhất.
Hướng dẫn viên Du lịch (tiếng Anh là Tour guide) nghề của những chuyến đi, người hướng dẫn viên giống như một chuyên gia địa lý và lịch sử họ phụ trách đưa khách Du lịch đến những điểm Du lịch hấp dẫn bởi nhiều phương tiện khác nhau. Họ giống như những đại sứ đại diện cho cái hay, cái đẹp của nơi mà khách đến, họ giúp cho du khách ghi nhớ những hình ảnh tốt đẹp cũng như tăng giá trị chuyến đi của họ.
Theo học ngành Quản trị khách sạn bạn sẽ được trang bị năng lực nghề nghiệp bao gồm năng lực chuyên môn với kiến thức chuyên môn nghề, lịch sử văn hóa xã hội, tâm lý giao tiếp, ngoại ngữ và kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp ít nhất hai ngôn ngữ, kỹ năng tổ chức, giám sát, xử lý tình huống…
Theo học ngành Hướng dẫn viên Du lịch bạn sẽ được trang bị năng lực nghề nghiệp bao gồm kiến thức chuyên môn là sự am hiểu về địa lý, lịch sử, văn hóa xã hội, những đặc trưng văn hóa về mảnh đất và con người tất cả những điểm đến trong lịch trình mà bạn sẽ đi. Ngoài ra bạn sẽ được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, giọng nói thu hút, khả năng ngoại ngữ để có thể giao tiếp với tất cả du khách đến từ khắp nới trên thế giới. Quan trọng nhất đối với cả hai ngành học là việc tu dưỡng đạo đức, rèn luyện ý thức trách nhiệm và thái độ nghề nghiệp sự tin, đam mê, sáng tạo…
Ngoài ra, theo học ngành Quản trị khách sạn bạn sẽ đươc trang bị năng lực quản lý bao gồm quản lý tài chính lập kế hoạch thu chi cho các bộ phận khách sạn như bộ phận Buồng, quản lý tỷ lệ phòng bán ra và phòng còn trống, quản lý bộ phận ẩm thực và bộ phận các dịch vụ bổ sung khác như các công việc quản lý điều hành các hoạt động Marketing bán hàng, quản lý nhân sự, kiểm soát các tình huống, rủi ro và quản lý sự thay đổi trong khách sạn.
Sinh viên theo học ngành Quản trị khách sạn sẽ được định hướng mục tiêu nghề nghiệp ở các cấp Quản lý, điều hành. Bởi thế thông qua các môn học sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết để các em có thể tự tin trải nghiệm từng vị trí công việc thực tế trong lĩnh vực khách sạn để tích kỹ kiến thức kỹ năng cho vị trí quản lý khách sạn trong tương lai. Với những môn học về chuyên ngành như: Tổng quan du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị chất lượng dịch vụ, Quản trị dịch vụ cui chơi giải trí, Kỹ năng tổ chức hội nghị và sự kiện, Quy trình phục vụ trong nhà hàng – khách sạn, Quản trị lễ tân, Quản trị buồng phòng, xây dựng được chiến lược marketing trong kinh doanh khách sạn, kinh doanh resort,…
Ngành Hướng dẫn viên du lịch thông qua những môn học cơ sở như Lịch sử văn minh thế giới, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Địa lý tài nguyên Du lịch cho đến các môn nghiệp vụ cụ thể như Tuyến điểm Du lịch, Nghiệp vụ hướng dẫn, Tổ chức thực hiện và điều hành tour, Tổ chức sự kiện, Hoạt náo trong du lịch sẽ trang bị đầy đủ cho sinh viên những hành trang vững vàng trên con đường sự nghiệp của một Hướng dẫn viên du lịch xuất sắc không chỉ sẵn sàng cho thị trường trong nước mà cả những thị trường du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, sinh viên cả hai ngành sẽ được học các môn học bổ trợ như ngoại ngữ cơ bản, ngoại ngữ chuyên ngành, kỹ năng học tập, kỹ năng làm việc, tin học, cách sử dụng các phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực kinh doanh ngành nghề và không thể thiếu là các hoạt động thể chất để rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh sẵn sàng cống hiến cho công việc sau này.
Mục tiêu của cả hai ngành Quản trị khách sạn và Hướng dẫn viên du lịch là đào tạo sinh viên có đầy đủ năng lực nghề nghiệp và kỹ năng mềm cần thiết cũng như phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề, đam mê sáng tạo và không ngừng học hỏi để vươn lên mỗi ngày.
Cuối cùng, chắc hẳn bạn sẽ quan tâm đến những vị trí công việc của sinh viên hai ngành học này sau khi ra trường. Là một nghề đặc thù nên với ngành Quản trị khách sạn để bạn có thể tự tin đứng vững ở vị trí quản lý khách sạn thì bạn phải trải qua một quá trình trải nghiệm nghề từ thấp lên cao.
Sinh viên tốt nghiệp hệ Cử nhân Quản trị khách sạn có thể ứng tuyển vào nhiều vị trí công việc khác nhau, tại nhiều bộ phận như: tiền sảnh, ẩm thực, buồng, nhân sự, hội nghị yến tiệc, vui chơi giải trí,… để học hỏi kiến thức ngành thực tế, rèn luyện kỹ năng nghề, tích lũy kinh nghiệm làm việc, thiết lập mối quan hệ và được tạo điều kiện thăng tiến lên những vị trí cao hơn. Còn các cử nhân Hướng dẫn viên du lịch sẽ có thể theo đổi vai trò hướng dẫn viên Du lịch (nội địa và quốc tế), các chuyên viên phụ trách bộ phận lưu trú, đại lý tour du lịch, thiết kế – điều hành tour hay nhà tổ chức sự kiện,…
Ngoài ra, tốt nghiệp hai chuyên ngành này cộng với kinh nghiệm tích lũy các bạn cũng có thể làm việc tại các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu liên quan đến du lịch; làm chuyên viên đào tạo cho các hệ thống doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực Du lịch- Khách sạn – Nhà hàng hay giảng viên tại các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục ở lĩnh vực du lịch,… Cho dù ở vị trí công việc nào đi nữa bạn cũng sẽ nhận được rất nhiều những giá trị tăng thêm từ nỗ lực công việc của bạn đúng như bản chất của ngành học bạn theo đuổi.