Stress và những cách giúp sinh viên ứng phó với stress

17:16 22/04/2023

Stress hay những áp lực trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi đối với mỗi người. Có người sẽ biết kiểm soát chúng nhưng vẫn có những người lại để stress điều khiển chính mình. Trong bài viết này, hãy cùng nhau tìm ra một số cách để ứng phó, giúp stress không còn là nỗi lo nhé!

Stress là gì?

Stress từ lâu đã luôn tồn tại trong thế giới chúng ta dù rằng con người có ý thức hay không về nó. Hiện nay, có thể nói Stress đang là một hiện tượng xảy ra trong toàn xã hội. “Stress” có nguồn gốc từ tiếng latinh – “strictia” có nghĩa là sự kéo căng, đè nén, bất hạnh…

Vào thế kỷ 17, “stress” với ý nghĩa là “khổ cực –hardship” là để mô tả khi con người rơi vào những thử thách, gay go, tai họa hoặc đau buồn. Ngày nay, người ta hiểu stress chính là những trạng thái căng thẳng, khó chịu về sinh lý và tâm lý trước những tình huống khó khăn hoặc các tình huống gây sự kích thích cao độ trong đời sống của con người

Stress cũng không phải xấu hoàn toàn. Vì vậy, chúng ta phân biệt rạch ròi giữa eustress và distress. Eustress chính là sự vui thích mà bị stress như trúng số, quá phấn khích khi đạt giải thưởng,… còn distress là sự không vui, phải chịu nhiều áp lực của việc học hay mất đi tình cảm thân yêu.

Eustress là động lực thúc đẩy con người phấn đấu hơn trong cuộc sống. Thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng là lực lượng chủ yếu bổ sung cho đội ngũ trí thức và là nguồn lực quan trọng của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Chúng ta phân biệt rạch ròi giữa eustress và distress.

Sinh viên thường dễ tiếp thu cái mới, thích cái mới, thích sự tìm tòi và sự sáng tạo, có nhiều hoài bão, ước mơ, khát khao với những lý tưởng cao đẹp. Đây cũng là tầng lớp xưa nay vẫn khá nhạy cảm với các vấn đề chính trị – xã hội, đôi khi cực đoan nếu không được định hướng.

Tuy nhiên, ngày nay, sinh viên phải đối diện với những thử thách gay gắt nhằm tìm cho mình chỗ đứng trong tương lai, một công việc ổn định trong xã hội. Vì vậy, họ luôn phải đối diện với những căng thẳng, bận rộn, lo lắng trong cuộc sống.

Stress sẽ chỉ ảnh hưởng tiêu cực khi sinh viên không nhận thức được sự hiện diện của nó, hoặc nhận thức được sự hiện diện của nó nhưng lại không có cách ứng phó phù hợp và kịp lúc. Do vậy, những vấn đề chính ở đây là muốn giúp cho sinh viên ngày càng có nhiều kiến thức và nhận thức tốt hơn về những trở ngại mà mình có thể gặp trong hôm nay và cả ngày mai.

Những nguyên nhân gây stress ở sinh viên

  • Nguyên nhân sinh lý – thể chất

Sinh viên vốn dĩ là những đối tượng phát triển về sinh lý và cơ thể rất hoàn thiện, vì vậy, rất ít có vấn đề trở ngại khó khăn từ nguyên nhân này, thế nhưng vẫn có nhiều sinh viên có thể chất ốm yếu, lại lười tập luyện thể thao hay bệnh tật nên vẫn có thể bị stress.

Mặt khác, có một nhóm sinh viên tập tành hút thuốc, uống rượu, dùng ma tuý, thức khuya chơi game từ rất sớm. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ cho sức khỏe và những sinh viên có hệ thần kinh yếu, không ổn định, không vững vàng thì dễ bị suy nhược hơn những sinh viên có thần kinh mạnh – ổn định.

  • Nguyên nhân tâm lý

Trước hết, những khủng hoảng đời sống thường nhật như ở xa nhà, phải tự giải quyết những vấn đề của bản thân nên họ lo lắng khi không còn người thân bên cạnh, sợ hãi khi đối diện với những điều không biết, sợ sự phức tạp của những người bạn mới.

Stress ở sinh viên có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau

Tiếp theo là những yếu tố xúc cảm, tình cảm. Đời sống xúc cảm và tình cảm của sinh viên rất phong phú và đa dạng, bởi sống trong môi trường này khó tránh khỏi những cảm xúc yêu thương. Những tình cảm bạn bè, tình yêu nam nữ đôi khi đã chi phối rất nhiều trong hoạt động hằng ngày của họ, những xúc cảm yêu đơn phương một ai đó cũng là lý do gây nên căng thẳng tâm lý, những xung đột hiểu lầm trong các mối quan hệ bạn bè, những giận hờn cãi vã trong tình yêu, những cư xử không hay của thầy cô… đều là những cú sốc làm cho stress xuất hiện.

Những nguyên nhân khác như yếu tố trí tuệ, yếu tố xã hội, yếu tố gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sinh viên. Vào độ tuổi sinh viên, thời gian học căng thẳng sẽ gây áp lực cho sinh viên.

Những sinh viên nào có tính ù lì, thụ động, thiếu tính sáng tạo, không có kế hoạch, không khoa học trong phân bố thời lượng thời gian học hợp lý trong học tập sẽ khó thích ứng với việc học tập đại học và vô tình sẽ trở thành gánh nặng tâm lý của chính bản thân mình.

Gia đình là cái nôi để rèn luyện nhân cách con người, mọi vui buồn của cuộc đời cũng đều bắt đầu từ môi trường gia đình. Chính vì thế, sinh viên bị stress cũng do tác nhân từ gia đình.

Các bậc cha mẹ thường đặt kỳ vọng rất cao vào con cái, muốn con mình phải thành công trong việc học, phải thi đậu, phải học ngành nghề mà mình thích chứ không phải con mình thích. Chính vì lý do đó mà nhiều sinh viên chiều theo ý gia đình mà họ lao vào ngành học bất chấp có phù hợp với bản thân không.

Một trong những nguyên nhân nữa rất quan trọng gây nên sự căng thẳng ở sinh viên đó là hoạt động học tập. Như đã nói hoạt động học tập ở bậc đại học yêu cầu rất cao sự nỗ lực tư duy và các phẩm chất khác của sinh viên.

Trí tuệ cần được phát huy cao độ hơn nữa vì đó là điều kiện cần thiết để giúp họ thích ứng nhanh với hoạt động học tập ở bậc đại học, năng lực ghi nhớ cũng như tư duy phải sắc bén, sự tập trung chú ý, tính sáng tạo luôn diễn ra mạnh mẽ, lúc nào cũng cần thể hiện những phẩm chất trí tuệ của mình sao cho theo kịp khối lượng tri thức ngày càng nhiều.

Một trong những nguyên nhân nữa rất quan trọng gây nên sự căng thẳng ở sinh viên đó là hoạt động học tập

Vì vậy, thực tế cho thấy nhiều tân sinh viên dễ bị sốc với sự thay đổi đột ngột về yêu cầu học tập và phương pháp học tập, chưa thích nghi kịp với cường độ, chương trình học nên bị căng thẳng. “Các đợt thi kiểm tra có thể là tác nhân gây stress đối với sinh viên, nhưng cũng có thể lại là những thách đố đầy hào hứng với những sinh viên có chuẩn bị kỹ lưỡng và lòng đầy tự tin”.

Ngoài ra, kết quả học tập không như mong muốn tạo cho sinh viên sự tự ti, thấp kém, nhụt chí, đánh giá thấp bản thân và thất vọng về mình, rồi đến mùa thi cử sinh viên lại hay có tâm lý học dồn mà không bố trí thời gian hợp lý có khi học liên tục, thức thâu đêm suốt sáng để hoàn thành bài vở, cố gắng chạy đua với chương trình trong khoảng thời gian ngắn lại dùng cafe nên rất dễ bị stress.

Những biện pháp ứng phó với stress

Cuộc sống của sinh viên ngày nay quả thật không suôn sẻ, vì thế, việc ứng phó với stress của sinh viên cần thiết phải được đề cập đến. Tuy nhiên do mỗi sinh viên là một cá thể khác nhau, tính cách khác nhau, lối sống cũng khác nhau nên họ tìm đến các nguồn hỗ trợ khác nhau tuỳ theo điều kiện, lối sống, nhận thức của từng sinh viên. Và dưới đây là những nhóm yếu tố ứng phó với stress của sinh viên mà họ thường sử dụng mỗi khi có stress xuất hiện.

  • Yếu tố hỗ trợ từ gia đình

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng mỗi cá nhân trong xã hội, đồng thời là chỗ dựa tinh thần , tình cảm vững chắc của mỗi con người. Do đó, mỗi khi bị stress, sinh viên thường chọn biện pháp về với gia đình như là tìm nguồn an ủi, động viên lớn nhất mà khó có gì thay thế được. Từ đó để tiếp tục bước những bước chân vững chắc về tương lai.

  • Yếu tố điều chỉnh nhận thức

Khi bị tác động bởi stress, mỗi người đều có cách nhìn nhận, đánh giá nó một cách khác nhau. Có người nhìn nhận với cái nhìn nhẹ nhàng, tự an ủi rằng stress thì bất kỳ ai cũng mắc phải không nhiều thì ít nhưng cũng có nguời nhìn nó với cái nhìn hết sức nặng nề, tự đánh giá về mình là sẽ không bao giờ thoát ra được nó.

Cách ứng phó stress tốt nhất là mỗi sinh viên hãy biết chấp nhận stress như là một thách thức, biết sống chung với stress để rồi làm động lực phấn đấu, qua đó rèn luyện bản lĩnh của cá nhân và có cách ứng phó tích cực hơn.

Hãy biết chấp nhận stress như là một thách thức và biết sống chung với stress.
  • Yếu tố điều chỉnh lối sống và các hoạt động khác

Lối sống vô tổ chức là một trong những yếu tố gây nên stress sinh viên: vất đồ đạc lung tung, khi cần đi tìm cũng gây căng thẳng, ăn uống không điều độ, thức khuya dậy trễ làm mệt mỏi hệ thần kinh về lâu dài cũng bị stress…Vì vậy, điều cần thiết tránh được stress tốt nhất cho mỗi sinh viên là ai cũng phải có ý thức rèn luyện cho mình một lối sống có tổ chức, có kế hoạch, không nên để nước tới chân mới nhảy.

Chẳng hạn: trong những dịp thi cử, sinh viên hãy chuẩn bị bài vở ngay từ ban đầu, học để hiểu chứ không phải học để đối phó, cố gắng giữ cho mình một tâm trạng bình tĩnh, thoải mái, tự tin. Sắp xếp kế hoạch học tập một cách chu đáo, không nên học kéo dài trong thời gian dài liên tục, nên dành thời gian nghỉ ngơi và học tập xen kẽ nhau, cố gắng ngủ đúng giờ giấc sẽ giúp sinh viên lấy lại cân bằng trạng thái tâm lý, hạn chế được stress.

Bên cạnh đó, nên hạn chế những lối sống tiêu cực trong các mối quan hệ tình cảm, tránh sự rủ rê vào những thú vui vô bổ như chơi game online, nhậu nhẹt đánh bài thâu đêm. Ngoài ra, việc rèn luyên thể chất hàng ngày cũng là một cách ứng phó với stress, sinh viên có thể dành thời gian đi bộ, hoặc tham gia các hoạt động thể thao bổ ích khác phù hợp với điều kiện của từng sinh viên.

Nên hạn chế những lối sống tiêu cực trong cuộc sống
  • Yếu tố từ xã hội

Việc tham gia vào các hoạt động xã hội phong phú vừa là biện pháp để hoàn thiện nhân cách cũng là cách để giảm stress rất hiệu quả. Những hoạt động có thể được kể ra như: hoạt động thiện nguyện, dạy học cho trẻ em nghèo, tham gia các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao của đoàn trường.

Nếu sinh viên có thái độ tích cực rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội này thì những căng thẳng sẽ bị xua tan vì chính ở những nơi đây sinh viên sẽ nhận ra rằng còn có những con người bị thiệt thòi hơn mình, cuộc sống bất hạnh hơn mình và từ đó cảm nhận về những khó khăn của bản thân sẽ vơi bớt đi, và đây cũng là một liệu pháp tích cực nhất mà bất cứ sinh viên nào cũng có thể thực hiện được.

Chúc các bạn sinh viên học tập thật tốt và không để stress cản trở các sinh hoạt trong cuộc sống!

Giảng viên: Nguyễn Khánh Mai

Bộ môn Cơ bản

Trường Cao đẳng FPT Mạng cá cược bóng đá cơ sở Đà Nẵng

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận