Hôm nay 25/8, các trường bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2. Năm nay có vài thay đổi trong quy định có lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần lưu ý không nên vội vàng vì thực tế cơ hội sẽ không rộng nếu tính sai hướng.
Nhóm ngành Kinh tế: dưới 15 điểm cơ hội bằng 0
Nếu thí sinh có điểm thi bằng điểm xét tuyển NV2 các ngành hoặc nhỉnh hơn từ 1,5 – 2 điểm vẫn có nguy cơ không trúng tuyển NV2 vào các trường công lập, nhất là các ngành nghề đang “nóng”. Đó là thông tin mà ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM lưu ý cho các thí sinh và phụ huynh.
Ông Cường cũng cho rằng đối với nhóm ngành kinh tế nếu dưới 15 điểm trở xuống thì cơ hội trúng tuyển NV2 vào các trường công lập là bằng 0. Ngược lại, với mức điểm đó thì cơ hội vào các ngành ngoài công lâp sẽ rộng hơn. Theo kinh nghiệm của ông Cường, đối với các trường công lập ở nhóm ngành tài chính thì điểm cao hơn 2-3 điểm chuẩn xét NV2 thì cơ hội đỗ mới cao.
Thực tế, cuộc cạnh tranh trúng tuyển vào NV2, NV3 sẽ không dễ dàng vì chỉ tiêu còn lại chỉ chiếm 1/3 trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011. Thông tin từ Bộ GD- ĐT cho biết năm nay có hơn 415.000 thí sinh có điểm thi đại học trên điểm sàn, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh là 266.631. Được biết, có 206.302 thí sinh trúng tuyển NV1 và còn 208.980 thí sinh có điểm thi trên điểm sàn nhưng trượt NV1.
Mặc dù nguồn để các trường ĐH tuyển thêm NV2, NV3 rất dồi dào nhưng theo thống kê chỉ còn lại hơn 60.000 chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa là sẽ có trên 148.000 thí sinh dù có điểm thi trên điểm sàn nhưng vẫn có nguy cơ rớt ĐH.
Theo đó, ở khối A có hơn 195.000 thí sinh trên điểm sàn là 13 điểm, thì có hơn 117.000 thí sinh đã trúng tuyển NV1. Hiện vẫn còn khoảng 40.000 chỉ tiêu và hơn 77.000 thí sinh được trên điểm sàn phải tranh nhau các suất này. Đặc biệt, khối B chỉ còn hơn 1.000 chỉ tiêu nhưng lại có đến hơn 85.000 thí sinh đạt điểm trên điểm sàn. Như vậy, cuộc cạnh tranh để đỗ NV2 sẽ rất căng thẳng.
Do đó, ông Nguyễn Quốc Cường lưu ý các thí sinh nên cân nhắc kỹ trước khi đặt bút ghi hồ sơ NV2. “Các em cũng cần xem xét điểm chuẩn hàng năm NV2 của trường đó ra sao, nếu điểm thi của mình cao hơn điểm xét tuyển 2- 3 điểm mới có cơ hội trúng tuyển, tránh trường hợp vì quá vội vàng mà điểm rất cao nhưng không trúng tuyển. Đối với các trường ngoài công lập thì bằng hoặc hơn điểm sàn 1 – 2 điểm thì cứ mạnh dạn nộp hồ sơ vào, khả năng trúng tuyển sẽ rất cao”, ông Cường cho biết.
TS. Nguyễn Tiến Dũng, trưởng phòng đào tạo ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng năm nay có 2 thay đổi là được rút hồ sơ và thời gian kéo dài thêm 5 ngày nhưng lưu ý thí sinh phải tận dụng tốt các cơ hội này. Theo ông Dũng thì: “Đừng nghĩ rằng được nộp vào rút ra mà nộp vội mà phải cân nhắc kỹ, các thí sinh nên vào web các trường để tìm hiểu thông tin”.
Ngành không “nóng” vẫn có việc làm tốt
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia về tuyển sinh đều khuyên các thí sinh đừng nên tập trung vào nhóm ngành kinh tế mà bỏ quên các ngành kỹ thuật. Thực tế, dù không “nóng” nhưng những ngành này nhu cầu nhân lực lại rất cao.
TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm cho biết trong số 1.200 chỉ tiêu cho NV2 của trường, có rất nhiều ngành xã hội cần nhưng lại khó tìm người học. Trong khi đó những ngành này lại có nhu cầu tuyển dụng rất cao. “Đặc biệt như nhóm ngành cơ khí nông lâm, cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, những ngành lâm sinh, chế biến lâm sản… nhu cầu việc làm rất lớn. Thậm chí nhiều khi sinh viên còn đang làm luận văn tốt nghiệp mà đã có công ty tới trả lương rồi”, ông Hùng chia sẻ.
Tương tự, Ths Lê Thị Ngọc Thảo, Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhấn mạnh một số ngành như: chuyên ngành Cấp thoát nước và môi trường, Bảo hộ lao động… có điểm chuẩn thấp, trong khi cơ hội việc làm khi ra trường rất lớn. Vì vậy, thay vì lựa chọn những ngành nghề mũi nhọn, nhóm ngành kinh tế, thí sinh có thể cân nhắc một số ngành khác có điểm chuẩn thấp, ít thí sinh đăng ký để thực sự yên tâm suất trúng tuyển ĐH.
Nhiều năm liền, hầu hết các ngành kỹ thuật đều có điểm xét tuyển NV2 bằng với điểm chuẩn NV1, khả năng trúng tuyển cao. Thế nhưng, kỹ sư tốt nghiệp các ngành này đều có mức lương cao không thua gì các ngành kinh tế. TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng phòng đào tạo ĐH Sư phạm Kỹ thuật khẳng định: “Không phải chỉ có ngành Kinh tế ra mới kiếm được lương cao, hiện nay các ngành về kỹ thuật như điện điện tử, cơ khí chế tạo máy ô tô… hiện nay các em có khả năng vào làm việc với những công ty liên doanh với nước ngoài với mức lương khởi điểm lên đến 6 triệu đồng. Sau 2 năm làm việc có thể lên đến 10 – 12 triệu đồng/tháng”.
Ngoài ra, thay vì xét tuyển vào các trường ĐH công lập, thí sinh cũng có thể lựa chọn phương án an toàn hơn là chọn trường ĐH ngoài công lập hay cao đẳng.
Với thời hạn nộp hồ sơ xét NV2 đến 20 ngày, thí sinh có nhiều thời gian để cân nhắc, chọn đúng cơ hội cuối cùng vào các trường ĐH, CĐ. Lưu ý, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được quyền thay đổi và rút hồ sơ xét tuyển nhưng phải trước ngày 10/9. Do đó, theo dõi kỹ thông tin hồ sơ trên trang web của các trường sẽ giúp các thí sinh có những quyết định đúng đắn.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Quốc Cường cũng nhắn nhủ rằng không phải bằng mọi giá để vào một trường ĐH. Thay vào đó, các thí sinh nên cân nhắc ngành nghề mà mình yêu thích rồi chọn các trường phù hợp với năng lực của mình. Nếu không vào được ĐH học thì vẫn có nhiều con đường khác như có thể học CĐ rồi từ đó liên thông lên.
Theo Dantri.vn