Theo dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020, kết quả bài thi tốt nghiệp THPT sẽ chiếm 70% điểm xét tốt nghiệp.
Ngày 20/5, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.
Thí sinh GDTX phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh GDTX có thể dự thi bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp Trung cấp (thí sinh tự do) tham dự kỳ thi được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Thời gian làm bài thi Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.
Điểm bài thi của thí sinh được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp. Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy tính tự động thực hiện.
Công thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau:
Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi, tất cả bài thi để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1 điểm theo thang điểm 10 và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.
Cũng theo Dự thảo, một điểm đáng lưu ý là nếu như các năm trước, 50% cán bộ coi thi là giảng viên, chuyên viên các phòng, ban của trường đại học, cao đẳng thì năm nay, thành phần coi thi gồm: trưởng ban do lãnh đạo hội đồng thi kiêm nhiệm; phó trưởng ban thường trực là lãnh đạo Sở GD-ĐT hoặc lãnh đạo phòng quản lý thi của Sở GD-ĐT, các phó trưởng ban khác là lãnh đạo sở GD-ĐT, lãnh đạo một số phòng thuộc sở GD-ĐT và hiệu trưởng trường phổ thông; ủy viên, thư ký là lãnh đạo, chuyên viên các phòng của sở GD-ĐT, lãnh đạo và giáo viên trường phổ thông.
Tương tự, thành viên của các ban chấm thi tự luận và trắc nghiệm đều là các lãnh đạo, cán bộ của Sở GD-ĐT và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: VietNamnet