Các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam thường gặp một số vấn đề cố hữu, có thể tác động lớn đến việc lãnh đạo doanh nghiệp. Cùng lắng nghe chuyên gia “bắt bệnh” và tìm ra giải pháp khắc phục.
Chiến lược chưa rõ ràng
Với doanh nghiệp, chiến lược chính là “xương sống”, có ảnh hưởng quyết định đến đường hướng, cách thức hoạt động. Các chuyên gia kinh tế cho rằng nhà quản trị doanh nghiệp nước ta thiếu hoặc chưa tự đánh giá được chuẩn xác về tổ chức của mình, bao gồm điểm mạnh, điểm yếu, văn hóa, nguồn lực.
Điều này khiến doanh nghiệp không có chiến lược rõ ràng qua từng thời kỳ hoạt động cũng như không có phản ứng kịp thời khi thị trường gặp biến động.
Người quản trị doanh nghiệp chưa có kỹ năng quản lý
Hiện nay nhiều người lãnh đạo vẫn chưa có kỹ năng quản lý, kỹ năng làm việc. Điển hình như việc trao đổi với cấp dưới vẫn chỉ theo hướng một chiều, không có sự động viên, đồng cảm với nhân viên, chưa có sự hướng dẫn công việc… Những điều này tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng có thể tác động lớn đến hiệu quả, năng suất làm việc của cấp dưới.
Thông tin tài chính bị bưng bít tuyệt đối
Nhiều người quản trị doanh nghiệp cho rằng thông tin tài chính là vấn đề nhạy cảm và tuyệt đối không được tiết lộ với ai. Nhưng trong nhiều trường hợp, để cho nhân viên biết về nguồn vốn, lời, lỗ (phân tích theo ngành hàng doanh nghiệp kinh doanh), dòng tiền… có thể thúc đẩy quá trình kinh doanh, giúp nhân viên thêm động lực làm việc.
Thiếu hoạch định chiến lược nhân sự
Nhiều doanh nghiệp hiện đang thiếu hoạch định chiến lược nhân sự, thường xuyên nhầm lẫn giữa quản trị nhân sự và quản trị nguồn nhân lực, không phân biệt rõ ràng việc duy trì động lực và tạo động lực bên trong của đội ngũ nhân viên.
Chưa có chiến lược Marketing hợp lý
Ngày nay, vai trò của Marketing trong doanh nghiệp là điều không cần bàn cãi. Việc thiếu chiến lược hoặc chiến lược Marketing không hợp lý có thể sẽ khiến hoạt động kinh doanh của công ty gặp những rắc rối lớn.
Vấn đề về sản xuất
Nhiều doanh nghiệp chưa xác định được chiến lược hoạt động sản xuất luôn phục vụ cho chiến lược kinh doanh, chưa thiết lập hệ thống quản lý chất lượng thực sự, chưa quản lý chi phí chất lượng. Việc thiếu cải tiến chất lượng sản phẩm cũng là một vấn đề mà các nhà quản trị doanh nghiệp cần nhìn nhận nghiêm túc.
Tâm lý sợ thay đổi
Nếu như nhìn nhận được tất cả các rắc rối bên trên nhưng người quản trị doanh nghiệp sợ thay đổi, không muốn “chữa bệnh” thì đây chính là vấn đề nan giải nhất.