Công việc quản trị nhà hàng tưởng đơn giản mà lại vô cùng vất vả. Cùng với khối lượng công việc lớn, phải hoạt động hết sức trong suốt thời gian làm việc, bạn còn cần nắm vững nhiều kỹ năng quản lý. Để làm tốt trong lĩnh vực này, hãy chắc chắn là mình có thể cáng đáng những trọng trách sau đây.
Quản lý nhân sự
Khác với các công ty, vấn đề nhân sự trong các nhà hàng bậc trung thường do người quản lý phụ trách (trưc khi đây là một nhà hàng, khách sạn lớn). Vì vậy, người quản trị nhà hàng cần nắm rõ việc dùng người, cách bố trí, sắp xếp công việc cho hợp lý, theo dõi sát sao từ vấn đề tuyển dụng cho đến đào tạo nhân viên, đánh giá kết quả làm việc của họ, đề xuất chính sách thưởng/phạt cho từng bộ phận… Đây là điều không hề đơn giản vì ở những lĩnh vực khác, cán bộ nhân sự cần có chuyên môn riêng được đào tạo qua trường lớp, trau dồi kinh nghiệm suốt nhiều năm.
Quản lý ngân sách
Đây là một trong những bài toán lớn nhất với người quản trị nhà hàng, vì chuyện tiền nong chính là yếu tố sống còn quyết định việc làm của bạn và hàng chục nhân viên dưới quyền. Quản lý doanh thu, tính toán lỗ – lãi, theo dõi tình hình kinh doanh, quản lý chi phí mua nguyên liệu, chi phí nhân công, chi phí mặt bằng, đóng thuế… Đó chỉ là một số trong hàng chục khoản thu – chi mà người đứng đầu nhà hàng cần nắm rõ.
Quản lý chất lượng nguyên liệu
Làm việc trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nên chất lượng hàng hóa, nguyên liệu là vấn đề rất quan trọng mà người quản trị nhà hàng cần nắm rõ. Bạn cần biết chính xác thực phẩm của mình có nguồn gốc từ đâu, nhập ngày nào, hạn sử dụng đến bao giờ…. Ngoài ra, người quản lý cũng sẽ đứng ra chịu trách nhiệm nếu nhập nguyên liệu không đảm bảo hoặc để xảy ra tình trạng hư hỏng khi chế biến món ăn.
Đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ
Ngoài việc quản lý về vấn đề con người hoặc chất lượng đồ ăn, một điều khá quan trọng mà người quản trị nhà hàng buộc phải lưu tâm, đó là tiêu chuẩn phục vụ. Ví dụ dễ thấy nhất là thái độ của nhân viên với khách, hoặc chất lượng món ăn có khiến khách ngon miệng hay không, thu ngân tính tiền có chuẩn hay không… Đây là những yếu tố sống còn khiến khách quyết định có quay lại nhà hàng của bạn nữa hay không.
“Đương đầu” với khiếu nại
Là người quản lý cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ đứng đầu sóng ngọn gió khi khách có bất kỳ phản ứng tiêu cực nào. Để giải quyết tình hình êm xuôi, người quản trị nhà hàng cần sự bình tĩnh, xử lý khéo léo và kịp thời.