Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng với lối làm việc nghiêm túc và tập trung cao độ. Mỗi doanh nghiệp đều có những quy tắc để đạt được thành công như kế hoạch, và người quản trị doanh nghiệp có trách nhiệm chèo lái doanh nghiệp, động viên cấp dưới cùng hướng tới mục tiêu đã định. Dưới đây là 5 quy tắc được rất nhiều doanh nghiệp xứ Mặt trời mọc tin tưởng, áp dụng.
1. Một doanh nghiệp đứng yên là một doanh nghiệp chết
Các doanh nghiệp Nhật Bản rất coi trọng sự cải tiến, điều này đòi hỏi từ ban quản lý lẫn nhân viên luôn biết được mình đang làm gì, mình có làm tốt công việc của mình hay không, mình còn cần hoàn thiện yếu tố nào… Các nhà quản trị doanh nghiệp Nhật Bản luôn đưa ra những quyết sách mới để tăng cường hiệu quả công việc, nâng cao lề lối làm việc của nhân viên, nâng cao doanh thu… Việc luân chuyển nhân viên cũng thường xảy ra trong các doanh nghiệp để họ có cơ hội phát triển những khả năng mới, tránh việc làm quá lâu một công việc dẫn đến sự nhàm chán, trì trệ.
2. Nhà quản trị doanh nghiệp giỏi cần kết nối được các bộ phận
Người Nhật luôn đềcao tinh thần tập thể nên việc phối hợp, liên kết giữa các bộ phận, phòng ban rất được coi trọng. Một người lãnh đạo giỏi cần kết nối được các bộ phận, để cả doanh nghiệp như một đoàn tàu dài, có sự vận hành, phối hợp trơn tru giữa các toa tàu.
3. Tất cả các nhân viên đều quan trọng
Dù đề cao tinh thần tập thể nhưng người Nhật cũng rất quan tâm đến sự phát triển của từng cá nhân. Khi tổ chức một cuộc họp hay trưng cầu ý kiến, tất cả mọi người đều được coi trọng, mọi cá nhân đều được lắng nghe, được quyền phát biểu ý kiến, được phát triển và được tôn trọng. Ở nhiều công ty tại Nhật, các công việc quan trọng không được giao cho một phòng ban duy nhất mà sẽ được chia đều để mọi người đều có thể đóng góp công sức.
4. Người quản trị doanh nghiệp không được lớn tiếng với nhân viên
Việc lớn tiếng la mắng nhân viên không những làm ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp, khiến nhân viên nảy sinh tâm trạng tiêu cực mà còn khiến công việc chung diễn biến theo chiều hướng xấu. Trong các doanh nghiệp Nhật Bản, người quản lý thường không nặng lời với nhân viên, để các lỗi lầm được báo cáo ngay và đầy đủ, từ đó có thể tìm ra nguyên nhân sâu xa và sửa đổi cho phù hợp.
5. Người quản trị doanh nghiệp cần nhớ: đưa deadline cụ thể, có hành động kịp thời
Khi các nhà quản lý Nhật Bản đưa ra yêu cầu công việc với nhân viên, họ sẽ luôn có một thời hạn cụ thể, để nhân viên tự sắp xếp thời gian biểu cũng như biết được mức đô quan trọng của phần việc này. Người quản trị doanh nghiệp bên cạnh việc kiểm tra tiến độ, chất lượng công việc còn cần chuẩn bị sẵn những “kịch bản” cho tình huống xấu nhất, từ đó có hành động kịp thời.