Theo một thống kê được công bố bởi Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động tp. Hồ Chí Minh, mỗi năm nước ta cần hơn 1.000.000 nhân lực cho ngành Thiết kế đồ họa. Với sức hút kinh khủng này, nhiều người trẻ đã lựa chọn theo học ngành này. Tuy nhiên, liệu họ đã thực sự “hiểu” nghề hay thiết kế đồ họa vẫn còn là ẩn số với họ?
“Đì rai nơ” nghĩa là…
Nhưng thực tế, nhiều bạn trẻ đang theo học ngành này tại các trường Đại học, Cao đẳng nhưng chưa hiểu thế nào là design hay nói đúng hơn là công việc thiết kế đồ họa. Thậm chí, các bạn không thể phân biệt được các danh xưng trong nghề “thời thượng” này. Ví dụ, một người làm việc có thể kiêm nhiệm cả phần concept và layout thì được gọi là Designer. Trường hợp khác, một người chỉ làm phần Layout dưới một concept của một Art Director nhất định thì chỉ được gọi là Layout Artist. Sau khi thiết kế xong, một bộ phận riêng biệt khác sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ Pre-press…
Theo từ điển, design có nghĩa là thiết kế. Tuy nhiên, để có một thiết kế đẹp thì người học phải trải qua nhiều công đoạn, bắt đầu từ Concept (ý tưởng dành cho thiết kế), sau đó đến là Photography (Ảnh dùng trong đồ họa graphic design), rồi đến phần Layout (Dựng trang). Khâu cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng là Pre-press (Chế bản cho in) và Printing / Color Proof (In ấn mẫu màu). Để cho ra đời sản phẩm, từ ý tưởng nghệ thuật đến việc thể hiện luôn đòi hỏi người thiết kế phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi. Để cho ra được sản phẩm ưng ý nhất, họ phải chọn từ vài tới vài chục mẫu hàng trong các mẫu phác thảo của mình.
Hấp dẫn
Điểm hấp dẫn nhất ở nghề Thiết kế đồ họa là không bị gò bó về cách suy nghĩ cũng như có “đất” để những người trẻ thể hiện bản thân, sáng tạo vô biên giơi. Ngay trong quá trình học, các bạn trẻ đã có thể “mài đũng” ở các tòa soạn báo, công ty, doanh nghiệp với các công việc như cộng tác viên thiết kế hoặc stylist để tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng.
Những sản phẩm báo chí được thiết kế luôn có tính “kết nối” với độc giả. Và hơn ai hết, công việc của design chuyên nghiệp luôn là kết nối sản phẩm được quảng cáo với người xem. Những minh họa và thiết kế của chuyên viên Thiết kế đồ họa sẽ chắp cánh cho những trang báo đến với độc giả dễ dàng và sâu hơn, đưa trang báo đó lên một tầm mới đẹp hơn, truyền tải hơn và gần gũi hơn cả với người đọc.
Nhưng không giản đơn
Nhiều người hay bông đùa, nói Thiết kế là người làm “Nghề vẽ bậy” nhưng thực tế điều đó không hề đơn giản chút nào. Dù có các công cụ, phần mềm hỗ trợ như Photoshop, QuarkXPress, Ilustrator… nhưng để cho ra đời một sản phẩm ấn tượng, người Thiết kế đồ họa phải có khả năng sáng tạo, năng khiếu mỹ thuật và quan trọng nhất là vốn hiểu biết sâu rộng, bao quát vấn đề để tìm ra điểm mấu chốt cần nhấn mạnh.
Khác với chất “nghệ” trong nghệ thuật thuần túy, dân “Đì-rai” chuyên nghiệp không bao giờ được phép làm việc theo cảm hứng, dù khách hàng có kè kè cạnh bên, tò mò xem xét cũng phải tập chung để đưa ra những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo.