Tôi và cậu là hai thái cực đối lập, tôi là nam, cậu là nữ, tôi nhút nhát rụt rè, cậu nhiệt tình, sôi nổi. Cậu thích học toán, môn mà tôi ghét cay ghét đắng. Tôi lại mê văn, môn mà cứ khi nào có tiết trả bài, cậu lại viện cớ ra ngoài rồi nhờ tôi đọc điểm hộ. Một số người thường thắc mắc tôi và cậu khác nhau quá, sao có thể làm bạn với. Những lúc ấy tôi chỉ biết đáp thế này: Đen và trắng đặt cạnh nhau không phải cũng trở thành một tông màu tuyệt đẹp sao ?
Cậu tên là Hướng Dương. Chúng tôi biết nhau từ nhỏ, nhỏ đến mức tôi không nhớ hồi ấy mình bao nhiêu tuổi. Chúng tôi lớn lên cùng nhau, học cùng một trường suốt 9 năm phổ thông cơ sở, nếu tính cả 2 năm nhà trẻ và mẫu giáo nữa thì là 11 năm. Chúng tôi làm mọi thứ cùng nhau: đọc sách, làm bài tập, học võ.
Hồi nhỏ, bố mẹ chúng tôi rất bận với công việc làm ăn, không có thời gian đưa đón con cái. Vì thế cứ mỗi lần tan học, tôi và Dương lại đi bộ về cùng nhau. Chúng tôi nói về đủ thứ chuyện trên đời nhưng chủ yếu là về học tập. Thường thì kịch bản sẽ là thế này: “Bài kiểm tra toán hôm nay cậu được mấy điểm ? “. “Tớ được có 9 điểm, buồn lắm” (Người nói câu này chắc chắn không phải là tôi). “9 điểm còn muốn gì nữa, tớ được có 4 đây này”. Rồi cứ thế chúng tôi phát triển câu chuyện theo một cách không thể trẻ con hơn. Tôi ước cuộc sống cứ mãi êm đềm trôi đi như vậy thì tốt biết mấy, nhưng không ai biết trước một chữ “ngờ”…
Năm lớp 5, mẹ Dương bị tai nạn khi đang trên đường đi đến công ty, hôn mê kéo dài và có thể không bao giờ tỉnh lại. Cậu nghỉ học cả tháng để chăm sóc mẹ, những lần đi cùng bố vào viện thăm hỏi, tôi lại thấy những hàng nước mắt lăn dài, lặng lẽ chảy xuống trên khuôn mặt hồn nhiên, ngây thơ ấy. Từ ngày mẹ cậu gặp chuyện, bố cậu dù thương vợ nhưng vẫn phải đi làm kiếm tiền, vậy là ở nhà cậu phải gánh vác đủ việc: giặt giũ, nấu cơm, đưa em đi học. Những ngày tháng rong chơi vô tư lự của chúng tôi đã kết thúc. Tôi vừa thương, vừa khâm phục cậu. Đến giờ tôi vẫn không thể tin một cô bé chưa học hết cấp 1 lại có thể làm được những điều phi thường như thế.
Năm lớp 7, trong những lần hiếm hoi nói chuyện riêng với nhau sau vụ tai nạn của mẹ cậu, tôi đã khích lệ cậu như thế này: “Mạnh mẽ lên, cậu là hướng dương cơ mà, nhìn về phía mặt trời và lạc quan lên nhé”. Thật bất ngờ khi cậu đáp lại: “Tớ sẽ vượt qua thôi, tớ là hoa hướng dương không cần mặt trời”. Ước gì tôi mạnh mẽ và can đảm bằng 1 phần 10 của cậu. Từ lúc cậu nói ra câu ấy, cậu đã trở thành thần tượng của tôi rồi. Mỗi lần nhìn thấy cậu gượng cười, lộ ra chiếc răng khểnh rất duyên, tôi lại tự nhủ mình may mắn hơn cậu nhiều lắm, mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự may mắn ấy.
Năm cuối cấp (lớp 9), cô giáo cho đề văn nghị luận xã hội: “Viết về thần tượng của bạn”. Tôi đã không viết như thế nếu như cô không nói thêm câu này: “Ai viết mà làm cho cô cảm động được cộng 1 điểm”. Tôi thường được 9 văn, cộng 1 điểm không phải 10 sao. Sức hấp dẫn của điểm 10 văn khiến tôi lôi hết ruột gan và cảm xúc ra để viết, và người tôi chọn không ai khác chính là cậu. Tôi kể cho cả lớp nghe cậu đã trải qua những gì, đã đối mặt với tất cả ra sao và tôi khâm phục cậu như thế nào. Không cần nói cũng biết, đó là điểm 10 văn không thể nào quên với tôi. Còn cậu, cậu cúi đầu, ngượng ngùng, mỉm cười, im lặng.
Năm tôi lớp 12, bác sĩ rút ống thở của mẹ cậu. Cậu khóc rất nhiều.
Đại học năm nhất, bố cậu được thăng chức giám đốc và quyết định gửi cậu sang Mỹ du học. Tôi đến tiễn cậu ở sân bay, kéo lê chiếc va ly nặng trịch, cậu vừa đi thỉnh thoảng lại quay lại vẫy tay chào tạm biệt tôi và mỉm cười. Lần đầu tiên sau nhiều năm tôi thấy nụ cười cậu thanh thản đến vậy. Tôi chạy một mạch đến bên cậu, ghé sát tai cậu thì thầm: “Tạm biệt nhé, thần tượng của mình”. Có lẽ với cậu, tất cả giờ mới chỉ bắt đầu.