Năm lên 7 tuổi, lần đầu tiên trong đời tôi được mẹ cho phép được quản lý nguồn tài chính từ việc “bán phế liệu” trong gia đình, cũng là lần đầu tiên tôi biết kiếm tiền, và hiểu được giá trị của đồng tiền.
Hàng tháng, có khi hai tháng tôi sẽ có trách nhiệm thu gom phế liệu từ khắp các ngõ ngách trong nhà, sân vườn, ngoài cổng… tập trung vào một bao tải. Mẹ bắt đầu dạy tôi những gì có thể bán được, những gì họ không mua, quen tay hơn một chút thì mẹ còn chỉ cho tôi thứ phế liệu gì bán đắt, thứ gì rẻ. Nhưng tôi thì thu nhặt tất cả, đều là tiền cả mà. Tôi vừa được quản lý khoản tiền này lại vừa được cả nhà khen “đã góp phần bảo vệ môi trường chung của thôn xóm”.
Giá thu mua phế liệu ngày ấy rất rẻ, mẹ chỉ cần có ý định mua cho tôi thứ gì tôi đều làm một phép tính có khi đên cả buổi chiều để quy đổi mấy thứ ấy sang giá trị của bao nhiêu kg phế liệu. Những đồng tiền đầu tiên kiếm được, tôi tự khâu cho mình một chiếc túi vải, xếp cẩn thận những đồng tiên vào đó và thỉnh thoảng lại mang ra ngắm nghía, vuốt ve cho phẳng phiu. Lớn hơn một chút,hoàn cảnh gia đình có khó khăn, tôi phải cùng bố mẹ đi làm thuê. Tôi không ngại, không xấu hổ. Tôi hiểu tôi đang lao động mà “lao động là vinh quang”.
Và có lẽ tôi đã biết quý trọng những đồng tiền từ mồ hôi nước mắt khi bắt đầu có những đồng tiến từ bán phế liệu. Lớn lên một chút, tìm hiểu về con đường thành công của một số tỉ phú tôi còn biết một số bí quyết khá đặc biệt. Nhà tỉ phú Carlos Slim thưở nhỏ đã từng có một cuốn sổ nhỏ ghi lai toàn bộ những khoản tiền tiêu vặt được bố mẹ cho trong tháng và ghi chép chi tiết đến từng chiếc bánh rán. Hoặc gần đây, tôi có đọc báo và biết một người ở Trung Quốc đã đem tới ngân hàng gửi một số tiền lẻ khổng lồ mà ông tích lũy được. Số tiền lẻ này khiến 3 nhân viên ngân hàng phải mất đến cả tháng để đếm và phân loại . Đó thực sự là những câu truyện, những tấm gương đáng học hỏi về kĩ năng quản lý tiền, trân trọng những đồng tiền nhỏ nhất để làm giàu trong tương lai.