Ba thua bạc khiến gia đình tôi ôm khoản nợ lớn

14:22 11/11/2011

Tôi như người mê sảng, mẹ ngồi ở góc nhà, đầu tóc rối bời, không cất nổi nên lời, dần dần tôi biết thêm từ cô tôi nhiều sự thật đáng nguyền rủa hơn nữa. Không chỉ 300 triệu mà con số còn có thể nhiều hơn thế.

Chạm mũi chân đến tuổi 20, cái tuổi mà người ta vẫn gọi là thanh xuân, là quãng đời đẹp nhất của đời người, nhưng với tôi thì những gì đẹp nhất vẫn là thuở ấu thơ. Tôi sinh ra trong gia đình gắn với cái kham khổ của nghề trồng lúa, canh khoai. Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác, người cha luôn là tội đồ của những cuộc cãi vã, xung đột. Đó là người đáng nguyền rủa nhất trong thế giới của tôi, với thật nhiều thói hư tật xấu.

Nhưng dù thế nào thì tôi vẫn yêu vẫn quý gia đình mình. Tôi luôn an ủi chính mình: “Đó là gia đình mà, đâu phải chỉ tiếng cười không thôi đâu, nước mắt cũng là hạnh phúc”. Tôi luôn tự hào vì mình có một người cha tài giỏi, dù cho ba cũng thật nhiều tật xấu. Tôi chỉ biết tôi hạnh phúc hơn người khác vì tôi được gọi hai tiếng “Ba ơi” và tôi biết khi ấy, ba luôn tồn tại dù cho ba có trả lời hay im lặng giận dữ thì tôi vẫn thấy mình thật hạnh phúc biết bao.

Cuộc đời vẫn thế, sóng gió cứ mãi trêu đùa. Đã có một cơn sóng thần cuốn ập cái tâm hồn ngây ngô của tôi đi. Có thể đó là bước ngoặt của cuộc đời mà tôi đã vô tình dẫm chân lên. Kết thúc năm học lớp 10, tuy không đạt được thành tích gì cao, nhưng tôi tự hào với kiến thức mình có. Gia đình tôi làm ăn cũng được gọi là khá giả. Đứng giữa cái lam lũ của miền Trung thì người ta gọi ba tôi với cái danh là “đại gia” có thể đúng.

Niềm hạnh phúc ấy thật mỏng manh, khi tôi tung tăng chiếc áo dài, bước đến cửa nhà, một khung cảnh ảm đạm hiện ra trước mắt. Mẹ buông rũ đôi chân: “Mất hết rồi con ơi”. Tôi ngỡ ngàng với tất cả, tôi lặng im ngồi bên mẹ. Cuối cũng thì tôi cũng biết được mọi chuyện, một cuộc điện thoại đường dài của ba từ Campuchia về: “300 triệu đồng”.

Ba tôi sang Campuchia làm việc, công việc thật tốt, gia đình cũng đang êm ấm được 2 năm, giờ bỗng nhiên xuất hiện đâu ra con số nợ hơn 300 triệu đồng chỉ vì con đường cờ bạc. Một con số mà chính tôi chưa từng nghĩ tới gia đình mình có khả năng làm ra được, chứ huống gì ba đã chơi cờ bạc và thua từng ấy.

Tôi như người mê sảng, mẹ ngồi ở góc nhà, đầu tóc rối bời, không cất nổi nên lời, dần dần tôi biết thêm từ cô tôi nhiều sự thật đáng nguyền rủa hơn nữa. Không chỉ 300 triệu đồng mà con số còn có thể nhiều hơn thế. Rất nhiều, chỉ vì ba không muốn gây quá sốc với gia đình mà thôi. 300 triệu chưa đủ hay sao? Giờ lại là con số thật to, thật kinh khủng. Nhìn mẹ, nhìn cái mái ấm tôi tự hào, tôi bỏ vào phòng đóng chặt cửa và khóc thật nhiều.

Suốt một thời gian dài tôi vẫn chưa lấy lại tinh thần với cú sốc của con số 300 triệu và nhiều hơn thế. Người quê tôi sống trong cái nghèo khổ, chỉ mong “ăn chắc mặc bền” chứ nghĩ gì được tới tiền tích góp lớn như vậy chứ. Vậy mà ba tôi đốt nó như rơm rạ vậy đó. Bao nhiêu tiền trong ngân hàng mẹ đều rút hết nhưng vẫn chưa thấm vào đâu khi cứ mỗi ngày cận kề với cái tết là gia đình tôi lại đón chào một vị khách đặc biệt đến từ cửa khẩu tìm ba đòi nợ. Đã nhiều lần tôi muốn hỏi ba, thật ra thì ba còn nợ họ bao nhiêu? Nhưng tôi không thể cất thành lời.

Tôi tự hào lắm với người cha thật tài giỏi, thế mà sao chứ? Đi đâu người ta cũng nhìn tôi với ánh mắt “con gái của con bạc”. Tôi căm ghét người ta nhìn tôi như thế. Tôi căm thù, tôi giận dữ, tôi không nhìn ba, không nói chuyện, không kính mến ông như trước. Tôi cứ nhốt mình trong phòng, đi học thì tôi ở miết tại trường, không thì tôi cũng luôn kiếm cớ để không phải ở nhà, tránh đi những ánh mắt, những câu chuyện của họ hàng, láng giềng soi mói, và tránh đi đôi mắt mỏi mệt của mẹ. Nhìn ba, nhìn cảnh gia đình, tôi thương mẹ, chỉ biết cắn chặt môi khóc một mình trong phòng.

Tôi ghét ba, nhiều lần ba trai gái này nọ mẹ cứ thứ tha, bao lần cờ bạc, rượu chè chửi bới, và xúc phạm đến mẹ điều nhưng mẹ đều bỏ qua hết. Vậy sao ba lại làm khổ mẹ thế này? Thân xác mẹ khổ nhọc với cảnh đèn khuya làm bánh, lo cho những cái nợ trên trời rơi xuống vì ba đó. Mẹ phải lo cho ba đứa ăn học, bao nhiêu chuyện cứ đổ ập lên mẹ. Tôi thù hận cái cuộc đời này, và hứa với lòng mình sẽ không bao giờ lấy chồng, sẽ thật cố gắng cho mẹ và hai đứa em có một cuộc sống tốt hơn.

Năm tháng dần qua, tôi cũng vơi đi cái căm tức trong lòng, nhưng nỗi đau không thể nào phai mờ nổi khi bà con hàng xóm xì xầm nhau với những kẻ tới gia đình tôi đòi nợ: “Muốn tìm con bạc thì tới sòng bạc, đó mới là nhà nó”. Mẹ, tôi, em tôi sững sờ người ra, biết chôn cái mặt này ở đâu với những nỗi nhục này. Tôi mặc cảm hơn với người cha từng là thần tượng trong tôi, giờ là người tệ như thế. Tôi chẳng biết làm sao cho cái màn đêm trước mặt mình biến mất đi.

Tôi trách ông trời, tôi sợ hãi khi đối diện với mọi người. Bạn bè không đứa nào biết chuyện gia đình tôi nhưng nhìn chúng nó với mái ấm vẫn đơn sơ nhưng thật ấm cúng, tôi ghen tỵ và thèm khát biết bao. Dù đã thật nhiều lần ba bị đòn roi của cờ bạc đập vào thật đau nhưng mà ba vẫn chưa tỉnh ngộ. Gia đình tôi cố gắng luôn vui vẻ thế nhưng ba cứ cô lập, cứ mãi gây chuyện, mãi làm xáo trộn cuộc sống còn sót lại những nụ cười nhỏ bé này.

Bao nhiêu bộn bề lo âu, như thế chưa đủ sao ba? Em trai tôi càng lớn, nỗi lo trong mẹ và tôi cứ dâng lên. Là con trai nhưng em tôi rất nhạy cảm, nhìn cảnh ba hành hạ mẹ, nó đã không chịu đựng được. Nó có thể sẵn sàng bỏ cái cuộc đời này để cầm dao giải thoát cho mẹ. Thật sự lời nói của tôi đã không còn trọng lượng với nó nữa, đòn roi cũng không còn cơ hội cho nó nếm thử. Tôi mệt mỏi, mẹ tôi cũng vậy, mái ấm này thật mệt mỏi.

Tôi chán ghét cuộc đời, tôi đã quyết tâm thật cao nhưng trái tim yếu ớt của tôi vẫn không sao chịu đựng nổi cảnh đời mệt mỏi. Đã có lần tôi dùng dao cắt đầu ngón tay cho máu chảy ra trả hết. Nhưng dưới nhà, tiếng mẹ gọi tôi, tôi giật mình nhận ra mình thật bất hiếu khi người mang nặng đẻ đau sinh ra và nuôi nấng mình lớn được từng này là mẹ đó. Tôi bóp chặt vết thương, cắn chặt môi, cố nuốt nước mắt vào lòng. Tôi thật có lỗi với mẹ. Tôi lấy những khổ nhọc của mẹ để làm niềm tin sống. Tôi cũng đã trách, và cũng gục ngã thật nhiều lần, và cũng cười nhạo cuộc đời này thật nhiều để giờ tôi vô cảm với mọi thứ. Và tôi không muốn tha thứ cho ba.

Tôi giờ là sinh viên năm hai, trước mặt bạn bè tôi thấy mình mới đúng là chính mình, ăn nói thật thoải mái, tính cách hiện rõ chính tôi. Khi bên mẹ và hai đứa em, tôi tỏ ra mình đã lớn rồi và là một người thật mạnh mẽ cho mẹ thật an tâm. Có khi nói chuyện với ba, tôi tỏ ra ngoan ngoãn, và luôn tìm những câu chuyện vui kể ba nghe, nhưng hình như sự cố gắng của tôi là vô ích khi ba mãi xem tôi là đứa con gái vô dụng.

Từ cái ngày ấy, tôi đã hứa với lòng không bao giờ tha thứ cho những gì ba làm với gia đình. Từ lúc trong tôi hình thành trí nhớ, tôi chưa bao giờ cảm nhận được tình cảm ấm áp ba dành cho tôi. Chưa một lần ba khen tôi, khi tôi được điểm cao hay thành tích tốt. Cấp 2 tôi từng đi thi học sinh giỏi, tuy không đạt được thành tích cao, nhưng đó cũng là bước ngoặt trong cuộc đời tôi.

Tôi thật hạnh phúc nhưng mãi luôn nhận được từ ba một ánh mắt thật lạnh lùng. Tôi thầm an ủi mình, ba làm thế là để mình cố gắng hơn, không sao hết, nhưng ba đâu nhất thiết phải quá đáng như vậy, cũng chỉ có mẹ là nuôi nấng dạy dỗ tôi. Nhưng chính nỗi đau ba mang đến cho gia đình là động lực cho tôi căm ghét cái cuộc đời này để rồi tôi yêu quý sinh mạng của mình hơn.

Tôi thấu hiểu và tìm ra được nhiều chân lý cho cuộc đời của mình. Tôi hiểu một đứa cần tình cảm như em trai tôi thì cách duy nhất là dùng tình cảm tác động, mỗi ngày tôi dặn dò nó từng việc một bằng tin nhắn. Tôi biết em tôi ghét sự phiền toái, lúc đầu nó còn tâm sự với tôi nhưng sau đó lại im lặng luôn. Tôi sợ nó sẽ càng chai lì hơn nhưng gần đây nó đã dần an phận rồi.

Không có ba tôi vẫn có mẹ và hai đứa em mà, dù cho cái nghèo cái khổ có bám riết lấy chúng tôi, thì chính cái nghị lực, cái khó khăn ấy là bàn đạp rèn cho cái tâm chúng tôi thêm mạnh mẽ. Dù mục tiêu cuối cùng của con người là gì đi nữa tôi cũng hãnh diện với mái ấm tuy vẫn bị tảng băng to chèn ép, nhưng đó là một gia đình trọn vẹn. Mọi sự cố gắng không bao giờ là vô nghĩa cả.

Hơn 300 triệu, hay nhiều hơn thế thật nhiều thì sao chứ, hạnh phúc là khi tôi có mẹ có cha, có hai đứa em, dù bao nỗi đau cứ trơ trơ trước mắt nhưng đó vẫn là hạnh phúc trong tôi. Tôi quý trọng cái hạnh phúc ấy và điều quan trọng nhất chính là nhất định phải bình tĩnh, mọi việc điều có cách giải quyết, và sẽ không ai đau một đời đâu, cũng sẽ không có ai viên mãn một đời.

Một cú sốc đầu đời đã thật sự làm thay đổi con bé khờ dại mơ mộng như tôi. Nay tôi đã mạnh mẽ thật nhiều để đối diện với cái bồn bề của Sài Gòn. Điều tôi mong ước lúc này là ba tôi có thể hiểu ra những sai lầm của mình, tôi ước cho đôi mắt mẹ không phải hoen đỏ lên vì ba nữa, ước cho nụ cười trên môi chị em tôi thật hạnh phúc. Những điều thật đơn giản cho một cuộc sống nhỏ bé thêm tiếng cười mà khó vậy sao?

Ba ơi, con muốn được tự hào về ba. Con vẫn cần ba, gia đình mình cần ba. Cầu xin ba mãi cạnh bên con để con biết mình thật hạnh phúc.

Phạm Thị Ngọc Huyền

Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’

– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự từ 16 – 35.

– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.

– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net Ione.netđược quyền biên tập các bài dự thi.

– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.

– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.

Chương trình do VnExpress.net, Ione.net và Cao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8 – 15/11.

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận