Nỗi đau mất chồng

9:41 18/10/2011

“Anh à, anh có việc gì mà không liên hệ lại với em từ hôm qua tới giờ”, tôi hỏi dồn dập. Đầu máy bên kia im lặng và giọng nói của một người nước ngoài, không phải chồng tôi, ông ta nói chồng tôi bị tai nạn ôtô và đã chết cách đây 6 tiếng. Tai tôi ù đi, tôi không còn nghe ông ta nói gì nữa cả.

Ngày ấy tôi còn là một cô gái 25 tuổi, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Văn với tấm bằng khá, nhưng cầm hồ sơ đi khắp nơi mà không xin được việc làm, tôi thấy vô cùng chán nản. Không lẽ mình học xong rồi cứ ngồi nhà mãi thế này. Người chị họ thấy tôi buồn nên rủ đến phòng vé máy bay của chị làm cho vui. Và tôi trở thành cô gái bán vé máy bay từ hôm ấy.

Công việc mới chẳng liên quan gì tới những kiến thức đã học trong nhà trường, nhưng tôi lại thấy rất vui và thú vị. Những khi làm hài lòng khách hàng, nhận được lời cảm ơn nhẹ nhàng của họ, tôi thấy vui vui. Cũng có những khi không thể làm hài lòng họ, như việc hết vé, việc hàng không hủy chuyến bay, khách hàng mắng xơi xơi vào mặt, tôi cũng thấy buồn, thậm chí đã có khi bật khóc.

Nhưng tựu trung lại đều là một cảm xúc mới lạ mà thú vị. Tôi bắt đầu thấy yêu công việc này vì ít ra mình cũng góp phần nhỏ bé vào sự thành công trong mỗi chuyến đi. Tôi còn tự ví mình như một người ngày ngày thầm lặng kết nối những yêu thương cho mọi người.

Chị tôi hay đùa: “Hay thôi, cô giáo chuyển hẳn sang nghề bán vé máy bay đi, có vẻ có duyên đấy”. Tôi cười, có thể lắm chứ bởi nếu không thử thì sao biết được khả năng của mình đến đâu. Nói thì nói vậy, tôi vẫn thiết tha được một lần đứng trên bục giảng như những người bạn của mình cho bõ công bao năm đèn sách.

Thời gian cứ thế trôi qua, tôi cũng đã làm công việc bán vé được nửa năm, và tôi luôn luôn yêu công việc ấy. Anh, một thương nhân trẻ, công ty anh rất gần với phòng vé của tôi. Anh thường xuyên phải đi công tác cả trong và ngoài nước. Anh thích tự mình đặt vé bởi anh giải thích rằng, do công việc của anh nhiều khi hay thay đổi, nên nếu nhờ nhân viên đổi lịch bay nhiều lần sẽ rất ngại.

Ngày ấy vé điện tử cũng chưa phát triển như vài năm trở lại đây nên khách hàng thường phải đến tận phòng vé để đặt chỗ hoặc liên hệ qua điện thoại. Dù chưa tiếp xúc nhiều, nhưng qua những lần trao đổi ngắn, tôi cũng hiểu được phần nào con người anh. Anh là một người nhẹ nhàng, điềm tĩnh và hầu như không khi nào tôi thấy anh nổi cáu hay quát mắng ai cả.

Ngay cả những khi tôi do sơ suất mà xuất nhầm ngày bay của anh. Nếu là người khác, anh đã quát tháo ầm ĩ rồi, đằng này anh chỉ nhẹ nhàng nói “lần sau em rút kinh nghiệm nhé”. Sau rất nhiều lần gặp gỡ do công việc, chúng tôi đã quen nhau. Rồi anh mời tôi đi uống nước, đi xem phim, đi chơi hội chợ. Chúng tôi đều không biết mình đã yêu nhau từ lúc nào.

Chúng tôi đã có một mối tình thật đẹp. Là một thương nhân, rất bận rộn, hay phải đi công tác nước ngoài, nhưng cứ có thời gian là anh lại dành cho tôi. Ở bên anh, tôi thấy lòng mình ấm áp vô cùng, tôi thấy mình được che chở, được bao bọc. Trong mắt anh, tôi như một cô bé con yếu đuối và cần được thương yêu. Anh nói vì công việc của anh hay phải đi nhiều, nếu lấy anh tôi sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn mọi người, nên những khi ở nhà anh sẽ cố gắng hết sức để bù đắp cho tôi.

Sau hai năm yêu nhau, chúng tôi quyết định làm đám cưới. Chúng tôi đã có một kỳ trăng mật thật đẹp ở thành phố Vũng Tàu. Tôi thấy mình thật hạnh phúc vì đã gặp và yêu anh, cứ như chúng tôi sinh ra là dành cho nhau vậy. Chúng tôi định sau khi cưới sẽ có con ngay bởi anh hay phải đi xa, có con sẽ làm cho tôi đỡ buồn. Và dự định của chúng tôi đã thành sự thực khi tôi biết tin mình mang thai.

Lúc này đây, tôi không muốn anh rời xa tôi dù chỉ một bước. Anh cũng rất hiểu suy nghĩ của tôi, nhưng vì công việc, vì tương lai của con nên anh không thể làm khác được. Anh hứa với tôi, sau lần công tác này, anh sẽ hạn chế việc đi công tác nước ngoài dài ngày để dành thời gian cho vợ con.

Để tôi không buồn và có người chăm sóc khi bụng mang dạ chửa, anh thuê người giúp việc cho tôi, nhưng tôi thấy không cần thiết, tôi rủ đứa cháu gọi tôi bằng dì ruột đang trọ học ở Hà Nội về ở cùng. Có cháu gái đến ở anh cũng yên tâm hơn để làm việc.

Anh đi công tác Ba Lan 2 tháng. Những ngày ở Ba Lan, không lúc nào anh không gọi điện hỏi han xem tôi có khỏe không, con có hay quấy mẹ không. Anh nói, anh nhớ mẹ con tôi nhiều lắm. Không cần nói thì mọi người cũng biết, tôi nhớ anh tới mức nào.

Lúc tôi gần tới ngày sinh, anh không đi công tác nữa. Anh xin nghỉ phép ở nhà để chăm sóc cho tôi. Mọi việc nhà anh đều giành làm hết. Tôi cảm nhận được tình yêu, sự sẻ chia trong mỗi cử chỉ, lời nói của anh.

Tôi sinh con gái, cháu xinh xắn và trắng trẻo giống tôi nhưng đôi mắt thì giống anh không trộn đi đâu được. Chúng tôi hạnh phúc vô cùng, tôi thấy hoàn toàn mãn nguyện với cuộc sống của mình. Tôi thấy mình hạnh phúc khi bên cạnh có chồng yêu thương chăm sóc, có con gái bé bỏng đáng yêu và có những người thân luôn khích lệ, động viên, an ủi.

Từ ngày có con, anh tuyệt đối không đi công tác nữa, dù là ở trong nước hay ở nước ngoài. Anh muốn tập trung toàn bộ thời gian để lo cho con. Có những đêm con khó chịu, quấy khóc, anh bế con, dỗ dành để tôi ngủ. Chúng tôi dự định sau khoảng 1- 2 tuổi, con cứng cáp, lúc đó tôi sẽ xin đi dạy, không làm nhân viên bán vé nữa để có nhiều thời gian chăm sóc cho con.

Nhưng đến khi bé được 9 tháng, do công việc ở bên Nga có một số trục trặc mà chỉ có anh mới có thể giải quyết được, không thể nhờ người thay thế, anh buộc phải đích thân sang Nga. Anh hứa với tôi sẽ cố gắng giải quyết công việc một cách nhanh nhất để bay về với tôi và con gái. Tôi cũng buồn, nhưng tôi động viên anh yên tâm ở nhà tôi có thể lo cho con được, cần gì thì đã có cô cháu gái, nếu không sẽ nhờ các bà sang ở cùng.

Anh yên tâm lên đường sang Nga. Ngày nào anh cũng gọi điện cho tôi, chỉ để nghe tiếng con khóc hay ê a bập bẹ. Anh nói nhớ hai mẹ con rất nhiều, chỉ mong cho công việc nhanh chóng được giải quyết, để anh bay về với tôi và con, anh sẽ không bao giờ đi xa nữa. Nếu lúc chưa có con, anh nhớ tôi một thì giờ có con rồi, anh nhớ hai mẹ con gấp mười lần.

Đến một ngày, tôi không còn nhận được điện thoại của anh nữa, tôi liên lạc với anh kiểu gì cũng không được. Tôi tự trấn an mình rằng chắc là do công việc bận quá, anh chưa gọi được về cho mẹ con tôi thôi. Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn thấy lo lắm, cả đêm tôi không ngủ được, chỉ chờ tới sáng để lên cơ quan anh, nhờ họ liên hệ sang văn phòng đại diện của họ ở bên Nga xem thế nào. Gần sáng, chuông điện thoại đổ dồn, mở máy ra, nhìn số điện thoại của anh, tôi vỡ òa, vậy là anh không sao cả, anh đã liên lạc về cho tôi.

“Anh à”, tôi hỏi dồn dập. Anh có việc gì mà không liên hệ lại với em từ hôm qua tới giờ. Đầu máy bên kia im lặng và giọng nói của một người nước ngoài, không phải chồng tôi, ông ta nói chồng tôi bị tai nạn ôtô và đã chết cách đây 6 tiếng. Tai tôi ù đi, tôi không còn nghe ông ta nói gì nữa cả.

Tôi không tin những gì ông ta nói. Chồng tôi không thể nào chết được. Anh còn mới gọi cho tôi, anh hứa sẽ sớm về với con gái tôi mà. Con tôi còn bé quá, cháu mới có 11 tháng thôi, không thể như vậy được, anh nói rằng anh rất yêu tôi và yêu con. Không bao giờ anh lại bỏ mẹ con tôi ra đi như thế. Đầu óc tôi quay cuồng và tôi thiếp đi.

Tôi không nhớ mình đã thiếp đi bao lâu và đã sống như thế nào trong chuỗi ngày u ám ấy. Nỗi đau quá lớn, những ai chưa từng trải qua nỗi đau ấy sẽ không thể nào hiểu được. Nhưng tôi buộc phải đứng lên, bởi tôi ngã xuống lúc này thì con gái sẽ ra sao. Giờ đây, tôi không chỉ là mẹ mà còn phải thay anh chăm sóc con như một người bố nữa. Con gái quá nhỏ, cháu chưa thể hiểu được sự mất mát này.

Bằng sự động viên của những người thân, tôi đã dần dần cân bằng cuộc sống. Thương nhớ anh, tôi nhủ thầm mình sẽ phải mạnh mẽ hơn để làm chỗ dựa cho con. Tôi không dám nghĩ nhiều, tôi tự đánh lừa mình rằng anh chỉ đi công tác ở một nơi rất xa, rồi anh sẽ trở về với mẹ con tôi, chỉ có điều ngày ấy còn xa lắm.

Tôi lao vào làm việc để quên đi nỗi đau, tôi dồn hết tình yêu thương cho cô con gái bé nhỏ. Những lúc nhớ anh, tôi đóng cửa phòng khóc một mình, khóc tới cạn nước mắt rồi thôi, tôi không muốn ai thấy mình như thế cả.

Tôi quyết định mở một phòng vé máy bay riêng của mình vì tôi thấy yêu công việc này, hơn nữa với công việc này, tôi có khả năng để lo cho con tốt hơn. Lúc này đây, tôi không cho phép mình được sống cho mình, tôi phải sống cho con và vì con. Có lẽ nhờ tôi cũng có duyên hoặc do anh phù hộ nên phòng vé của tôi ngày càng đông khách, quy mô được mở rộng lên rất nhiều. Vì thế, con gái tôi cũng có điều kiện như bao bạn bè cùng trang lứa.

Ba năm đã trôi qua, nỗi đau vẫn còn nguyên đó, con gái tôi đã lớn, càng lớn đôi mắt của cháu lại càng giống anh. Cháu chưa thể hiểu nhưng cháu biết thương yêu mẹ thật nhiều, đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi. Nhưng cháu còn trẻ con, thi thoảng cháu lại ôm cổ mẹ ước: “Ước gì con có bố và em trai như các bạn”, những lúc nghe câu này, tim tôi đau thắt. Tôi có thể đem đến cho con tất cả, chỉ có điều tôi lại không thể nào đem bố đến cho con. Hy vọng lớn khôn hơn, con tôi sẽ hiểu.

Nhiều người đồng cảm chia sẻ rằng tại sao tôi chưa tính chuyện đi bước nữa. Tôi chưa nghĩ tới điều này, bởi tôi muốn dành thời gian, tình cảm cho con gái, cháu đã thiệt thòi rất nhiều. Con khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi, đó đã là hạnh phúc lớn nhất của tôi rồi. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa, cố gắng hết sức mình để lo lắng cho con.

Hoàng Hà

Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’

– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự từ 16 – 35.

– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.

– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.

– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.

– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.

Chương trình do VnExpress.net, Ione.netCao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8 – 15/11.

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận