19 năm qua, tôi chưa một lần quên được ánh nhìn đầy khinh bỉ của bác, cũng chưa bao giờ quên lòng tốt của một người hàng xóm đã cho mẹ con tôi đi nhờ trong buổi sáng hôm đó. 19 năm sống trong sự khinh rẻ đã giúp cho tôi có thêm nghị lực để học tập và quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình.
22 tuổi, tôi thấy mình đủ lớn để hiểu được thế nào là sự man trá được che đậy bằng những hành vi lương thiện mà người đời vẫn dành cho nhau, càng chua chát hơn khi đó lại là tấm lòng của những người cùng máu mủ ruột già.
Một cán bộ khuyến nông huyện, cũng là bác ruột của tôi, phóng chiếc xe Honda vụt qua, rất nhanh nhưng cũng đủ thời gian để ném về phía mẹ con tôi đang lầm lũi đi trên con đường đầy đất đá một ánh nhìn với cái nhếch mép đầy khinh bỉ, bỏ lại sau lưng là những vệt khói đen sì quện hòa với màu của bụi đất tan dần vào không khí, và cả nước mắt của mẹ. Trong ký ức của một con bé 3 tuổi cho đến tận bây giờ tôi chưa bao giờ quên được cảm giác của ngày hôm đó.
Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm, tôi biết về hoàn cảnh của gia đình mình qua lời kể của bố mẹ, của nhà ngoại, của những người hàng xóm tốt bụng từng cưu mang gia đình tôi. Bố mẹ cưới nhau khi đất nước còn tiếng súng, như bao người thanh niên yêu nước khác, bố mẹ tôi lên đường đi bộ đội.
Sau khi hòa bình, những tưởng được sống trong niềm hạnh phúc trọn vẹn cùng nhà chồng thì gia đình tôi lại rơi vào cảnh không nhà ở. Gia đình bác cả cậy mình giàu có hắt hủi bố mẹ, khi đó mẹ đang mang thai anh thứ hai. Không nhà ở, cũng không có đất làm nhà, phải cất tạm căn nhà ở dưới chân núi trên mảnh đất bỏ hoang của một người hàng xóm tốt bụng.
Tiếp sau đó là những chuỗi ngày đau khổ kéo dài, gia đình tôi sẽ chết đói nếu như không có sự giúp đỡ của cơ quan Bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh, nơi mẹ công tác. 6 lần làm nhà là 6 lần chìm ngập trong sự cay đắng cùng cực vì sự cạn tình của gia đình bác cả và họ hàng bên nội. Những tràng cười đắc ý khi ngày ngày bác gái thấy mẹ tôi vừa địu con vừa xay ngô để chuẩn bị cho bữa chiều, còn bố thì đi lên rừng đào củ mài vẫn chưa về.
Anh chị em tôi nhỏ bé không hiểu gì, ông bà nội thì mất sớm, trong ý nghĩ non nớt của một đứa trẻ con, tôi cứ tưởng bác thương tôi thật khi bác cho anh em tôi đùm cơm nắm với quả trứng và một vài cái áo cũ kỹ. Tôi có ngờ đâu đó là công lao của hàng mấy tháng trời anh trai tôi đi chăn trâu cho bác.
Ngày mẹ tôi đi công tác, được người bạn thương tình cho một cái áo len, vậy mà nhân lúc bố phải vào viện vì bệnh sốt rét, chú tôi nhẫn tâm “mượn” nốt. Khi mẹ sinh anh thứ ba trong viện, còn một sào ngô chưa kịp thu, bác cả xuống thu giúp rồi cũng lấy công mất một thúng, nghe mẹ kể rằng năm đó ngô bị mất mùa.
Không những tranh hết đất đai mà bác còn cùng với một số người trong cơ quan xã vu khống để khai trừ bố tôi ra khỏi Đảng. Một chức trưởng thôn nhỏ nhoi thôi, lương tháng chưa đến trăm ngàn người ta cũng đang tâm lật đổ cho bằng được.Vì hoàn cảnh, mặc cho sự khuyên can của mọi người, mẹ tôi gạt nước mắt, bỏ việc về nhà cùng với bố nuôi 5 anh chị em tôi nên người.
Qua bao năm tháng khổ cực, bố tôi được khôi phục lại Đảng viên, được dân tín nhiệm bầu làm phó chủ tịch xã và cuối cùng cũng được nghỉ hưu, cuộc sống bớt khó khăn hơn. Mọi chuyện tưởng như đã bình yên, nhưng khi tôi nhận giấy báo đậu đại học thì gia đình tôi lại một lần nữa phải đối mặt với nhiều áp lực.
Một phần vì người ta ghen tị với gia đình tôi vì năm đó ngoài hai anh em tôi ra thì làng không có ai thi được đại học. Một phần vì tôi là người đầu tiên của một xã nghèo quyết tâm bỏ sư phạm để theo đuổi nghề báo. Người thương tôi thì động viên, kẻ ghen ghét thì nhạo báng, tìm đủ mọi cách tác động đến những người thân để ngăn cản việc tôi đi học.
Khi đó tôi chán nản vô cùng, còn đúng 5 ngày nữa là nhập học mà nhà không còn đồng nào, tính sơ sơ tiền phải nộp cũng đã lên tới 3 triệu đồng. Tôi đã tính vào dự bị một năm, tôi khóc, mẹ cũng khóc, bố im lặng không nói gì, trong lúc thiếp đi tôi mơ hồ nhìn thấy ánh mắt khinh bỉ của bác, tôi nghe thấy tiếng bố mẹ bàn nhau. Tỉnh dậy, tôi thấy có một cọc tiền trên bàn, thì ra lúc tôi đang ngủ, bố mẹ đã đi vay tiền lo cho tôi lên Hà Nội nhập học.
Bây giờ, khi viết về những điều này, tôi đã là sinh viên năm cuối của một trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Gia đình tôi vẫn nghèo nhưng tôi thấy hạnh phúc khi mỗi lần về thăm nhà, bố mẹ lại mắng yêu “4 năm đại học của 2 anh em cũng đủ để xây được vài ngôi nhà tầng rồi đấy”.
19 năm qua, tôi chưa một lần quên được ánh nhìn đầy khinh bỉ của bác, cũng chưa bao giờ quên lòng tốt của một người hàng xóm đã cho mẹ con tôi đi nhờ trong buổi sáng hôm đó. 19 năm sống trong sự khinh rẻ đã giúp cho tôi có thêm nghị lực để học tập và quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình.
Chỉ vài tháng nữa thôi, rồi ra trường, ước mơ là một phóng viên trẻ sẽ thành hiện thực, chỉ nghĩ vậy thôi hạnh phúc đã vỡ òa rồi. Vẫn biết rằng trước mắt sẽ là một hành trình đầy gian khổ, nhưng tôi tin chỉ cần có nghị lực thì sẽ chạm tay tới thành công.
Đồng hồ sắp điểm 12h đêm, “Một ngày mới lại bắt đầu nhưng chúng tôi – những con người đầy tham vọng sẽ quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình đến cùng”, câu nói của một người bạn tặng tôi vào lúc 12h đêm của đêm Giáng sinh đầu tiên khi tôi mới bước chân vào giảng đường đại học để thay cho lời chúc tôi vẫn nhớ, nhất định tôi sẽ làm được.
Dương Thị Khuyên
Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’
– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự từ 16 – 35.
– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.
– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net và Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.
– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.
– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.
Chương trình do VnExpress.net, Ione.net và Cao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8 – 15/11.
Đọc bài này tôi thấy cuộc đời thật có nhiều cái không thể ngờ được, nhưng cứ sống thật với lương tâm của chính mình…cố gắng nhiều bạn nhé
Co gang that nhieu em gai nhe.chuc em luon thanh cong.
Toi thich nhat cau “mot ngay moi lai bat dau..theo duoi uoc mo cua minh den cung” rat hay,rat y nghia.cam on ban.
Co gang that nhieu ban nhe.
rat cam dong bai cua ban .ban la mot nguoi co nghi luc tuyet voi toi muon biet dia chi cua ban duoc khong
Cảm ơn bạn vì những lời động viên nhé! bạn có thể liên lạc với tớ qua mail [email protected].
cuộc đời thật bất công. Những kẻ như thế không bao giờ sống thanh thản được
dung la khong ai biet duoc chu ngo.chi khi nao ta trai qua hon nan thi moi biat ai la nguoi tot voi ta.ban ah hay co gang len nhe