Mẹ hy sinh quá nhiều cho đứa con gái nhỏ. Mẹ một mình nuôi tôi không dễ dàng gì. Tôi phải học để có tương lai vững chắc, tôi ý thức được trách nhiệm của mình, tôi còn phải trở thành chỗ dựa, là nguồn động viên duy nhất của mẹ sau này.
Là một cô gái vừa bước sang tuổi 18, cái tuổi đã hết rồi những mơ mộng học trò, tôi sắp bước chân vào giảng đường đại học với bao ước mơ, hoài bão đang ở trước mắt. Cũng như bao người khác, tôi trở thành niềm tự hào của gia đình, trở thành tấm gương cho bao đứa trẻ khác noi theo. Nhưng đằng sau thành công đó là cả một quá trình tôi vượt qua mặc cảm với số phận.
18 năm nuôi tôi khôn lớn là những tháng ngày đầy khó khăn của mẹ. Chỉ một chút nông nổi của tuổi trẻ, mẹ đã không giữ được mình và trao thân cho người đàn ông đó. Ông đã bỏ mẹ ra đi, để lại một sinh linh nhỏ bé đang lớn dần lên trong bụng mẹ, bao đau khổ chất chồng lên mẹ.
Bỏ qua những nghi kỵ, những ánh mắt dò xét của hàng xóm, của người thân, mẹ quyết định sinh ra tôi. Mẹ không xinh nhưng có duyên với chiếc răng khểnh đáng yêu. Tôi biết mẹ là niềm mơ ước của bao người đàn ông thời đó. Vậy mà mẹ đã hy sinh tuổi trẻ, hy sinh hạnh phúc lứa đôi của mình. Mẹ quyết định ở vậy nuôi tôi khôn lớn.
Cứ như vậy tôi lớn dần trong vòng tay mẹ. Trong những cuộc trò chuyện của lũ trẻ con trong xóm, tôi luôn tự hào khi khoe về mẹ của mình. Tôi có thể vênh váo với chúng rằng mẹ tôi xinh đẹp, mẹ yêu tôi nhất, mẹ có thể thêu những bông hoa đầy màu sắc vào áo tôi mà chúng bạn phải trầm trồ.
Nhưng khi câu chuyện chuyển sang đề tài người cha thì tôi không biết nói gì nữa. Tôi khao khát được một lần sà vào vòng tay cha mẹ, được cha vuốt mái tóc mềm mại, được cha nâng bổng lên cổ rồi nghênh ngang kiệu đi khắp xóm như tất cả đứa trẻ hàng xóm. Nhiều lần tôi đã hỏi mẹ về cha, những câu hỏi ngây thơ của tôi như chà xát tấm lòng của mẹ.
Nhìn ánh mắt ngây thơ của tôi, nhìn thấy khao khát giản dị của đứa trẻ, mẹ chỉ biết câm lặng, nhẹ lau những giọt nước mắt, cố tìm cho tôi câu trả lời dễ chấp nhận nhất “cha con đi xa lắm, rồi sau này lớn lên con sẽ hiểu, con là tất cả của mẹ”.
Trong những năm tháng đó, tôi đã nghe thấy bao câu nói như chọc vào nỗi đau của mình. Những đứa trẻ xung quanh tôi hồn nhiên trêu chọc, chúng lấy nỗi đau của tôi ra làm niềm vui cho chúng. Những câu nói ác độc của lũ bạn luôn ám ảnh trong đầu đứa bé là tôi “mày là đồ con hoang”, “mày không có cha”.
Là một đứa trẻ cứng cỏi, nhưng mỗi khi nghe thấy những câu nói đó, tôi như khựng lại. Tại sao chúng cứ vô tình hay cố ý khoét sâu vào khoảng trống trong tâm hồn tôi? Chúng đâu biết rằng mỗi câu nói đó của chúng đều làm lòng tôi tê dại.
Khao khát về cha được thỏa mãn khi tôi làm những bài văn trên lớp. Những đề văn xoay quanh tả về người cha đã làm tôi mặc sức tưởng tượng và vẽ ra người cha thiên thần của mình. Tôi tả cha mình hoàn hảo nhất, đó là người đàn ông rắn rỏi, là chỗ dựa cho gia đình, yêu thương tôi nhất mực và nhiều lúc nghiêm khắc với ánh mắt giận dữ khi tôi mắc lỗi.
Tất cả những gì về cha được tôi vẽ ra sinh động nhất, tôi thấy cha mình thật hoàn hảo, hơn tất cả những người cha của lũ nhóc nghịch ngợm trong xóm. Những bài văn ấy của tôi luôn được điểm cao, nhưng càng như vậy tôi lại càng cảm thấy mình trống trải. Làm sao những trang văn có thể đem lại cho tôi những cảm xúc thật về tình phụ tử được chứ. Tôi đọc lại những bài văn đó rồi nhiều lúc tự cười vào sự ngây thơ, mơ mộng của mình.
Càng lớn lên, tôi lại càng hiểu hơn, tôi hiểu cha sẽ chẳng bao giờ về với mẹ con tôi cả, tôi thấu hiểu sự hy sinh cao cả của mẹ. Tôi tự nhủ với mình phải nỗ lực làm sao để xứng đáng với kỳ vọng của mẹ. Tôi vượt qua tất cả mặc cảm về bản thân, về thân phận một đứa con gái không có cha.
Tôi ý thức được rằng mình còn quá may mắn, quá hạnh phúc so với bao nhiêu đứa trẻ ngoài kia. Những số phận đó còn bất hạnh hơn tôi rất nhiều. Những mảnh đời cô độc, những đứa trẻ mồ côi cha mẹ, phải sống bơ vơ, không nương tựa. Họ phải chật vật lo cuộc sống mưu sinh, những gương mặt đáng lẽ phải nở nụ cười, được vui chơi, được nô đùa cùng chúng bạn đồng trang lứa. Nhưng có lẽ vì chịu nhiều bất hạnh, phải lăn lộn mưu sinh mà chúng trở nên già cỗi.
Tôi nhìn lại mình, tôi được sự yêu thương nhất mực của mẹ, được lớn lên trong vòng tay che chở của mẹ, nơi đó luôn có vòng tay mẹ rộng mở mỗi khi tôi mệt mỏi, còn những số phận ngoài kia thì sao? Hàng ngày phải chật vật bán từng chiếc vé số, đánh từng cái giày trong sự khinh rẻ của đa phần xã hội, hàng đêm lại co quắp với giấc ngủ không tròn nơi đầu đường xó chợ.
Và đó chính là động lực để tôi phấn đấu, càng lớn tôi càng ý thức được điều đó. Tôi cố gắng học thật tốt, tôi sẽ không phụ kỳ vọng của mẹ, mẹ đã đặt tất cả cuộc đời mẹ vào tôi. Mẹ hy sinh quá nhiều cho đứa con gái nhỏ. Mẹ một mình nuôi tôi không dễ dàng gì. Tôi phải học để có tương lai vững chắc, tôi ý thức được trách nhiệm của mình, tôi còn phải trở thành chỗ dựa, là nguồn động viên duy nhất của mẹ sau này.
Vượt qua mặc cảm không cha cũng chính là khoảng trống trong tâm hồn, tôi đã có cái nhìn tươi đẹp hơn về cuộc đời. Tôi đã vượt qua được cú sốc đó để sống lạc quan hơn, tôi biết quanh tôi còn rất nhiều người yêu thương tôi, luôn nhìn theo từng bước trưởng thành của tôi.
Và bây giờ, khi là một tân sinh viên, tôi đã đem nụ cười hạnh phúc trên gương mặt mẹ, một chút hãnh diện, tự hào về đứa con làm tan đi những nét già nua trên gương mặt mẹ, xóa mờ những vết rạn của thời gian in hằn nơi khóe mắt mẹ. “Mẹ hãy luôn tự hào về con mẹ nhé”!
Dù trong cuộc đời này còn quá nhiều khó khăn, quá nhiều cạm bẫy thì con gái của mẹ luôn nhớ những lời mẹ dặn dò. Bước vào cuộc sống sinh viên, vào môi trường học tập mới đồng nghĩa với việc phải xa vòng tay của mẹ nhưng mẹ yên tâm, con sẽ luôn giữ vững lòng mình và học tập thật tốt, vì tương lai của con và cả sự hy sinh cao cả của mẹ nữa.
Nguyễn Thị Hồng Vân
Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’
– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự từ 16 – 35.
– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.
– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net và Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.
– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.
– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.
Chương trình do VnExpress.net, Ione.net và Cao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8 – 15/11.
em năm nay 14t em cx như vậy tuy nhiên em vẫn ko trách bố dù từ khi em sinh ra ông chưa bh 1 lần thăm em vì em nghĩ rằng mỗi người đều có sự lựa trọn riêng của mình
Chị cũng có hoàn cảnh như em. Lớn lên không có cha. Nhưng giờ chị đã 31 tuổi rồi. Có công việc ổn định. Nhưng chưa có gia đình riêng. Chị biết là mình có lỗi nhiều với mẹ. Mơ ước lớn nhất của mẹ là mình có một chỗ dựa để không phải khổ như mẹ. Nhưng duyên số của mình như thế biết làm sao được. Giờ mẹ luôn gây áp lực với chị. Nói chị đủ điều, Khóc lóc, than vãn. Nhiều khi mẹ cứ khóc lóc, kể lể đến 2h sáng. Sáng dậy thì làm cái gì cũng nặng nề. Mối đêm mẹ chỉ cần nhúc nhích là chị sợ nín thở. Sợ mẹ nói………………………Đi làm cả ngày nhiều khi mệt mỏi vô cùng, về nhà không khí lúc nào cũng như thế mấy năm rồi. Chẳng có mấy lúc mà vui vẻ. áp lực đến ngẹt thở. chắc do hoàn cảnh sinh ra đã không bình thường nên luôn có cảm giác tự ti. Nhiều lúc, mẹ nói giữ quá, nói cả những điều không có. Chị rất tức, nhưng chẳng nói lại. Vì nói lại cũng làm căng thẳng hơn mà thôi. Chị nhiều lần ước mình được chết đi, để khỏi phải nghe thấy, nhìn thấy thứ gì nữa. Bởi .mẹ là người thân duy nhất của mình mà.Sống trong không khí như vậy, chị cảm thấy mình càng mất tự tin hơn. Chị biết, mẹ đã hi sinh cả cuộc đời vì con. Nhưng con biết làm gì đây hả mẹ. Con chỉ cần mẹ hiểu và thông cảm cho con thôi nếu con không lấy chồng được. mọi thứ sẽ rất dễ dàng với con nếu mẹ thông cảm cho con. Có nhiểu điều trong cuộc sống, con phải vật lộn để mưu sinh cũng làm con mệt mỏi lắm rồi. Con củng đau khổ lắm khi nhìn thấy mẹ như thể. Con ước ji mẹ hiểu được để không phải có một ngày nào đó con không chịu được nữa và phải ra đi