Sự ra đi của cậu bạn thân làm tôi thêm quý trọng cuộc sống

17:07 22/08/2011

Kể từ ngày Ngân ra đi tôi suy nghĩ nhiều, ít nói hơn, có lẽ tôi phải sống chậm lại, biết suy nghĩ. Tôi còn thua xa Ngân nhiều lắm, trong đôi mắt dại đi, mở trừng khi không còn trên cuộc đời này vẫn ánh lên niềm tin khao khát được sống. Ngân luôn quý trọng từng giây phút của cuộc sống.

Cuộc sống này nhỏ bé và ngắn ngủi lắm, tôi nhận ra điều đó khi vừa chập chững vào đờ. Ở cái tuổi 13, 14 có biết gì đâu ngoài việc học cực lực để đạt điểm cao, rồi cũng ham chơi bị ba má bắt gặp, nghĩ lại tôi thấy mình đáng thất vọng.
Con người ta vẫn mang mãi trong đầu cái ý nghĩ rõ là ai cũng biết, thường chúng ta hay thờ ơ và xem như chẳng có gì với những thứ hiện hữu xung quanh. Rồi đến khi một ngày kia thức dậy chúng biến mất để lại trong mỗi trái tim một khoàng trống vô vị, hối tiếc, tìm kiếm. Câu chuyện của tôi là thế này:

Hồi đó, vào mùa hè oi ả của những tháng ngày gần cuối cấp 2, một thằng nhóc 13 tuổi ham chơi quậy phá như tôi sao mà chịu nổi cảnh bị cấm cửa ở nhà, nào là học thêm học hè. Ngày đó ham chơi lắm, gia đình khá giả nên tôi bắt đầu xuất hiện suy nghĩ tự kiêu, ỷ lại, luôn nghĩ là mình vừa đạt giải thành phố, học sinh giỏi nhiều năm, tôi sống “ào ạt”, không suy nghĩ, không phân biệt.

Cậu bạn thân của tôi đã ra đi trong một chuyến dã ngoại. Ảnh: ST

Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói cho đến một tuần trước ngày định mệnh ấy. Tôi tham gia sinh hoạt đoàn đội thanh thiếu niên của phường, đúng với cái máu ham chơi, phong trào nào cũng đều có mặt. Lần đó đội bóng của phường tham gia thi đấu giải phong trào tôi cũng góp mặt, anh em trong đội vui vẻ hòa đồng lắm, vậy là tôi quên được một người bạn nam tên Thanh Ngân.

Phải nói là cậu ấy không chỉ đặc biệt ở cái tên giống con gái mà còn cả con người nữa. Một cậu nhóc nhỏ thó, chân tay lều khều, xanh xao và rất ít nói, mỗi lần nói chuyện chỉ được vài câu rồi cười, im lặng. Hoàn cảnh thì tôi không biết ba mẹ cậu đâu chỉ biết là khi đó phải sống với bà ngoại, người bà già yếu và mù cả hai mắt.

Cuộc sống trôi qua mỗi ngày phải dựa vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Cũng vẫn còn một người dì, nhưng đi làm ăn xa lâu lắm mới ghé về cho ít tiền. Cuốc sống khó khăn vậy đó, nhưng tôi luôn thấy được niềm tin và khát khao sống trong đôi mắt của Ngân.

Cái khao khát đó được cụ thể hóa bằng những trận banh của đội và cậu lại là một trung vệ thép dù thân hình chẳng mấy hơn ai. Ngân là vậy đó, luôn sống hết mình, luôn có niềm tin và luôn biết trân trọng hạnh phúc mà mọi người mang đến. Rồi thì cái ngày ấy cũng đến.

Đó là một buổi sáng đẹp trời, nắng nhạt, gió mát, chúng tôi tập trung ở ủy ban nhân dân phường chuẩn bị cho một chuyến du lịch cây nhà lá vườn. Chẳng là hôm qua chúng tôi vừa thắng trận bán kết, vậy là đoàn thanh niên tổ chức chuyến du ngoạn để thưởng cho chiến công đó và cũng để lấy tinh thần cho trận chung kết sắp tới đây.

Do kinh phí eo hẹp nên không thể thuê xe, vì vậy chúng tôi quyết định đi xe đạp. Tôi đến từ khá sớm, và dĩ nhiên Ngân cũng đã có mặt. Tôi biết cậu cũng háo hứng lắm, vẫn chiếc xe đạp cũ thường ngày, hôm nay Ngân mặc một chiếc áo thun sọc và quần thể dục. Khi đó tôi định mua cho Ngân một ổ bánh mì, Ngân thường không ăn sáng mà chỉ ăn cơm nguội từ chiều hôm qua, vì lần này đi chơi hơi xa tôi sợ Ngân không chịu nổi.

Ấy vậy mà tôi lại quên đi, cũng tại cái tính ham vui thấy bạn bè là tụm năm tụm bảy nói chuyện suốt. Khởi hành, địa điểm là khu du lịch Bò Cạp vàng nằm sâu trong khu vực Cát Lái quận 2. Từng tốp từng tốp xe đạp cùng nhau hành trình đến nơi trong không khí vui vẻ nhộn nhịp.

Tôi hít một hơi thật sâu và thầm nghĩ hôm nay sẽ vui lắm đây. Cứ thế các anh chị phụ trách thanh niên xe máy vòng ngoài, xe đạp vòng trong, hát hò rôm rả một góc đường. Sau 2 tiếng đạp xe chúng tôi đã đến bến phà Cát Lái, qua phà là đến được khu du lịch.

Đó là khu du lịch sinh thái với vườn cây ao hồ câu cá và cầu khỉ, nhìn rất hấp dẫn. Vậy là chúng tôi mỗi người một tay chuẩn bị những tiết mục trò chơi, nào là đi cầu khỉ đập niêu, khỉ hái dừa, đi tìm kho báu và bữa ăn trưa. Vẫn cái tật ham vui lười biếng, tôi cùng đám bạn tổ chức một trận banh nho nhỏ.

Tôi chạy đến rủ Ngân cùng chơi nhưng cậu ấy từ chối, thật sự khi đó tôi không để ý gì đến cảm xúc cũng như trạng thái của Ngân. “Tao ra kia chơi với tụi nhảy cầu”, Ngân nói, vậy là mỗi người một việc, mỗi người một cuộc chơi.

Quá trưa trời bắt đầu nhẹ nắng và xuất hiện mây đen, ai ai cũng mệt, ướt đẫm mồ hôi, chúng tôi trở lại điểm tập kết để chuẩn bị ăn uống. Khi đó lòng tôi bồn chồn không yên, không hiểu sao lại như vậy, nghe tiếng điểm danh đến tên mình 2-3 lần tôi mới nhận ra nhờ thằng bạn ngồi cạnh thục mạnh vào hông.

“Thiếu mất một người”, anh đội trưởng nói. Tôi giật mình. “Mọi người xem người ngồi cạnh mình là ai, đã có mặt hay chưa”, đội trưởng nói tiếp. “Anh ơi, không thấy Ngân”, tôi giật bắn người, cái sự bồn chồn lại còn cao hơn, lo lắng, hoang mang. Không cần ai nói gì cả tôi chạy đi tìm Ngân, trời bắt đầu chuyển màu, xám xịt.

Tôi chạy ra chỗ nhảy cầu khi sáng Ngân có nói, ớn lạnh cả người. Tôi không suy nghĩ được gì nữa, dường như có cái gì đó thôi thúc, nhảy đi, nhảy xuống đi. Tôi lao mình xuống dòng sông, không còn ấm như ban sáng mà lạnh ngắt, trời nổ một tiếng sấm. Rồi mọi người chạy ra, vài ba đứa nhảy xuống, tôi lại ngụp lâu lắm, tôi cố tìm, lạnh, khó thở.

Và rồi tôi chạm được vào tay, cánh tay nhỏ bé quen thuộc, nắm, lôi, kéo, tôi dùng hết sức mình để kéo, vì bùn nhão lún sâu quá. Đã có đôi lúc tôi kiệt sực, vẫn cố. Là Ngân, khi đưa được cậu ấy lên bờ, lạnh hết người rồi, tôi cố gắng làm hô hấp nhân tạo.

Trời lại vang tiếng sấm, mưa bắt đầu rơi, khung cảnh nặng quá, mọi người im lặng đến đáng sợ. Tôi vác Ngân lên vai mà chạy, ráng lên Ngân ơi! Ra đến đầu đường thì mưa lớn, bắt được xe đến bệnh xá cùng mấy anh chị phụ trách, dẫu biết là quá muộn nhưng tôi vẫn hy vọng, sao chưa bao giờ tôi cần hy vọng đến như vậy, tôi cảm thấy khó chịu quá.

Sự thật vẫn mãi là sự thật, tôi chết lặng người. Cảm giác như đó là ngày cuối cùng của cuộc đời. Tôi đứng nhìn ra trời, mưa dông mù mịt, trắng xóa không thấy gì cứ như là hiện tại của tôi bây giờ. Nói dối là Ngân đã qua khỏi để các bạn khác yên tâm và có động lực để trở về.

Đường về sao mà xa quá, mưa tầm tã, mấy bạn nữ vẫn còn chưa biết, vẫn vui vẻ chọc nhau trên đường, còn tôi mang một nỗi buồn không thể diễn tả được. Đám tang tổ chức đơn giản lắm, ngày hôm đó có lẽ người đau đớn nhất là bà ngoại của Ngân, bà ngồi lặng im nhìn tấm hình đứa cháu, không một động thái, đôi mắt kia không một giọt nước mắt. Nỗi đau quá lớn!

Kể từ ngày Ngân ra đi tôi suy nghĩ nhiều, ít nói hơn, có lẽ tôi phải sống chậm lại, biết suy nghĩ. Tôi còn thua xa Ngân nhiều lắm, trong đôi mắt dại đi, mở trừng khi không còn trên cuộc đời này vẫn ánh lên niềm tin khao khát được sống. Ngân luôn quý trọng từng giây phút của cuộc sống.

Nhìn cái cách cậu ấy vất vả sáng học chiều làm thêm, nhìn cái cách cậu ấy lao đi vun vút trên sân quyết tâm bảo vệ cầu môn, cứ tưởng như là đang bảo vệ, nắm giữ hạnh phúc, trân trọng, mà đúng là như vậy.

Một người như tôi, với cuộc sống đầy đủ vật chất và tình yêu thương của một gia đình đầm áp, sao tôi lại không biết nghĩ như vậy, hay là vì tôi chưa phải nếm trải vị đắng của cuộc đời. “Hạnh phúc là ở mỗi chúng ta, bạn không thể thay đổi cả thế giới, bạn chỉ có thể thay đổi được bản thân mình mà thôi”.

Đỗ Phú Sỹ

Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’

– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự từ 16 – 35.

– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.

– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.

– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.

– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.

Chương trình do VnExpress.net, Ione.net Cao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8 – 15/11.

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận