Tôi ôm ghì lấy bà em, nén lòng vuốt ve cánh tay, mảng lưng của bà. Chợt thấy nhịp thở của mình hòa cùng nhịp thở của bà. Nước biển tốc vào người tôi, mặn chát, trái tim tôi quặn thắt, nghẹn ngào không thốt nên lời: “Thái Sơn ơi, tất cả mất em rồi”.
Tháng 9, biển hoàng hôn rất đẹp, cát trải xa tít và dừng lại ở những vệt đen bãi san hô. Chiều biển cạn, thể nào cũng có hàng chục người dân đảo rảo bước bắt ốc, sò. Vào khoảng thời gian này, tôi thường ra bờ kè hướng mắt về một nơi vô định, không phải ngóng đợi một ai. Gió đại dương dội về trong tôi một góc ký́ ức lặng yên nhưng vẫn tồn tại trong tiếng thở của thời gian.
Năm năm về trước, tôi nhớ đó là một buổi tối, khi tôi còn đang loay hoay soạn một giáo án điện tử cho tiết thao giảng vài ngày nữa, có tiếng chân chạy loẹt xoẹt trước cửa phòng rồi người nào đó thở hổn hển nói vọng vào trong: “Trời ơi! Hai đứa học trò trường mình đi bắt ốc bị chết đuối rồi”.
Tôi phóng xuống ghế, lật đật tìm chìa khóa xe, ra đến cửa đã thấy một nhóm người túm tụm trước khu tập thể giáo viên. Tôi nghe loáng thoáng đứa nhỏ tên Nhí, đứa lớn là Q. Tôi kiểm điểm tên của 28 học sinh trong lớp mình đang chủ nhiệm, không phải học trò của tôi. Vậy hai đứa bé xấu số ấy là ai? Tôi bần thần ra biển.
Hình như người dân cả huyện đảo đều tập trung lại đây, họ nói hai đứa trẻ gặp nạn từ lúc chiều. Chúng đi bắt ốc, cùng đi có hai đứa nữa, may mà thoát được nên chạy về báo với người nhà. Nhưng từ rạn san hô tới bờ khá xa, khi hay tin cũng là lúc thủy triều lên nhanh, ánh đèn nhạt nhòa, nước biển bắn lên bờ kè, quăng mình xuống lòng đường và dải phân cách. Các thợ lặn trầm mình suốt từ chiều, càng về đêm, hy vọng càng mong manh.
Tôi thấy người dân đảo bắt đầu thắp nhang khắp bãi cát, họ đặt mâm hoa quả, nhiều người cúi lạy, cầu xin. Trong cảnh tượng có phần tâm linh ấy, tôi tự chắp tay trước biển, chỉ còn mong tìm thấy thi thể các em như một phần an ủi cho gia đình. Gần 10 giờ đêm, một chiếc ca nô xé nước vào bờ, mọi người nhào về hướng ấy.
Trông xa, tôi thấy có một người phụ nữ quần áo sũng nước, hai người dìu hai bên, bà rũ rượi lê mình trên cát. Tôi bàng hoàng nhận ra bà ngoại của Thái Sơn, cậu học trò tinh nghịch, thông minh học lớp tôi chủ nhiệm. Trong khoảnh khắc ấy, trí não tôi hình dung khuôn mặt sáng, vóc dáng nhỏ bé, giọng nói trong trẻo và nụ cười rạng rỡ của Sơn, giờ tôi mới biết Nhí là tên thường gọi ở nhà của em.
Sáng qua, em vừa làm một bài thơ năm chữ về đàn gà, bài thơ vui, gieo vần tự do, kèm theo điệu bộ bắt chước con gà mái tục tục dẫn con đi ăn khiến cả lớp cười nắc nẻ. Tôi thảng thốt, nghe lồng ngực mình se sắt, làn da tê tái. Dưới ánh sáng của đèn pha, một người đàn ông bồng thân thể em, đôi chân nhỏ, chiếc áo thun bệt vào da, trông em như đang ngủ.
Tôi ôm ghì lấy bà em, giọng rất bình tĩnh, tôi nén lòng vuốt ve cánh tay, mảng lưng của bà. Chợt thấy nhịp thở của mình hòa cùng nhịp thở của bà. Nước biển tốc vào người tôi, mặn chát, trái tim tôi quặn thắt, nghẹn ngào không thốt nên lời: “Thái Sơn ơi, tất cả mất em rồi”.
Buổi sáng hôm sau tôi đến trường từ rất sớm, sắp xếp cảm xúc trước khi lên tiết. Tiết đầu tiên cũng là tiết dạy ở lớp chủ nhiệm, tôi biết các em rất hoảng sợ sau cái chết của bạn. Huyện đảo vốn bình yên, đa số học sinh đều được sinh ra và lớn lên ở đây, cuộc sống trôi êm ả. Đang ở độ tuổi mới lớn, sự ra đi đột ngột của một con người đã thân thiết ắt để lại dư chấn tâm lý sâu sắc với các em.
Chính cả tôi, một cô giáo trẻ, giảng dạy Sơn hơn một năm qua, bao nhiêu thương mến không nói hết thành lời, có thứ gì như là hụt hẫng. Điều tôi lưu tâm là tìm cách nào động viên các em, và tự xoa dịu lòng mình trước một mất mát. Tôi đặt chân vào lớp, đưa mắt nhanh góc bàn của Thái Sơn.
Cả lớp đứng dậy gần như cùng một lúc, tôi thấy mắt các em đỏ hoe, tôi nén giọng bảo các em ngồi xuống. Lặng ngắt. Rồi lớp trưởng theo thói quen đứng lên điểm danh: “Thưa cô, hôm nay lớp 7A đủ cả, chỉ vắng bạn Thái Sơn thôi cô ơi”. Tiếng em run run rồi cả lớp òa vỡ, tôi không nói được tiếng nào, đôi môi cắn chặt.
Dường như có một thứ cảm xúc được lan truyền, suốt ngày hôm đó các em không học được, một số thầy cô vào lớp cũng không dạy được. Sự ra đi của Thái Sơn khiến tinh thần các em suy sụp, chính tôi cũng tự thấy mình không thoát được sự ám ảnh. Mẹ Thái Sơn cứ nắm lấy bàn tay tôi, bà kể qua nước mắt những tình cảm em dành cho tôi, những điều tôi chưa bao giờ biết.
Em rất quý tôi, quý lớp, những cái nhíu mày, sở thích của tôi đều được em ghi nhớ, những bài tập tôi cho về nhà, em ưu tiên làm trước. Sơn nói sợ tôi buồn, em ráng học tốt môn tôi, sợ lớp bị sao đỏ ghi lỗi, em cố gắng đi học sớm và nhắc các bạn trực lớp thật sạch.
Tôi lại lên lớp, tiết sinh hoạt cuối tuần khá trầm lắng, hầu hết học sinh không thốt lời nào, một số nằm trên bàn, cặp mắt vô hồn. Tôi cầm một phong thư lên, vài em rồi nhiều em khác bắt đầu ngẩng mặt lên nhìn, thắc mắc.
“Hãy viết thư cho Sơn, nếu các em vẫn thương bạn, nhớ bạn thì hãy sống và học thật tốt như giúp bạn hoàn thành chặng đường dang dở mà bạn chưa đi hết. Mỗi thành viên trong lớp của mình luôn nhớ đến Sơn, không có lý gì ta lại bi quan, không lo xây dựng lớp. Các em nghĩ nếu Sơn hiện diện ở đây, bạn ấy có thích không khí lớp mình thế này không?”.
Rồi tôi nói các em nghe những điều tôi mới biết về Sơn, về những trò chọc phá mà Sơn cố công đứng trước gương diễn tập thử để cô và bạn bè vui. Cả sự quan tâm, chia sẻ khi còn bên nhau, còn gần nhau, về tình bạn, về sự hối hận khi ta chưa kịp làm điều gì cho người mà ta quý mến, thương yêu trước khi họ rời xa ta mãi mãi. Ta tự trách mình sao chưa dành nhiều thời gian để hiểu họ.
Tôi nói như là nói với chính mình, và tin những học trò của tôi cũng thấu hiểu. Tôi tự để mình khóc, cả lớp cùng khóc, có những tiếng nấc như vỡ ra. Khi cơn xúc động qua đi, không gian rơi vào yên lặng, Vũ, học sinh ngồi cùng bàn với Sơn lý nhí: “Cô ơi, đừng sắp ai ngồi vào chỗ này, chỗ này là chỗ của Sơn hoài nha cô”.
Tôi khẽ mỉm cười, gật đầu. Tiếng lớp phó học tập: “Cô ơi, mai cô cùng cả lớp đi thăm bạn, được không cô?”. Rồi các em lao xao viết thư, xin ý kiến lấy quỹ lớp mua hoa, hỏi nhau về sở thích của Sơn. Tôi thấy lồng ngực mình dễ thở hơn, một làn gió nhẹ chải qua tóc tôi.
Những năm tiếp theo, tôi vẫn được phân công chủ nhiệm lớp ấy, lớp khá ngoan, luôn là tập thể xuất sắc của trường. Hàng năm, đến ngày giỗ của Thái Sơn, cô trò chúng tôi đến thắp nhang, mang theo xoài, bánh pía, những món ăn xưa Sơn rất thích. Gia đình em và chúng tôi gặp nhau, mừng mừng tủi tủi như những người thân trong gia đình.
Và không biết từ bao giờ, ở trang đầu quyển giáo án của tôi luôn có dòng chữ, được nắn nót cẩn thận như chữ học trò: “Có những nỗi đau khiến đáy lòng ta mãi mang một vết thương không bao giờ liền sẹo. Nhưng cũng có những nỗi đau giúp ta biết trân trọng những giá trị trong cuộc đời này.
Đỗ Ngọc Thùy
Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’
– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự từ 16 – 35.
– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.
– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net và Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.
– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.
– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.
Chương trình do VnExpress.net, Ione.net và Cao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8 – 15/11.
Cô giáo đã thể hiện sự nhẫn nại và cái tâm với nghề khi giúp các hs của mình vượt qua cú sốc đầu đời.
Mong cô giáo ấy luôn vững vàng.
Nghề giáo đôi lúc khiến xã họi bi quan quá.
Cô giúp tôi hi vọng…
bùn
. Cô giáo đã thực sự là chỗ dựa đáng tin cậy và yêu thương của các em nhỏ trước “cú sốc đầu đời” nói riêng, và trong những ngày các em còn ngồi ghế nhà trường, nói chung. Bài viết thực sự gây xúc động. Tôi đọc đi đọc lại, thầm cám ơn tác giả và cảm phục khả năng viết tự nhiên, lôi cuốn, rất chân thành của chị.Tôi cũng đặc biệt thích hai câu kết của bài viết
“Có những nỗi đau khiến đáy lòng ta mãi mang một vết thương không bao giờ liền sẹo. Nhưng cũng có những nỗi đau giúp ta biết trân trọng những giá trị trong cuộc đời này”
Tôi thích triết lí này.
Bài viết thật xúc động vì sự chân thành, vì tình cảm thầy trò,… Tấm lòng của người cô còn thể hiện qua cách giáo dục hs vượt qua cú sốc đầu đời của các em.
Như cây Tùng đứng thẳng giữa dòng đời.