Vài ba tuần mới về nhà chồng nhưng lần nào cũng vậy, mâm cơm vừa dọn ra thế nào mẹ chồng cũng mặt nặng mày nhẹ bóng gió mỉa mai tôi bất tài, làm khổ con bà. Còn bố chồng thì thở dài trách con trai mù quáng “làm mối cho mấy đám toàn giáo viên, bác sĩ… đều không ưng, đi rước ngay ngữ ăn hại”.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, không dư giả vật chất, nhưng tuổi thơ tôi bình yên trong vòng tay chở che ấm áp, yêu thương của bố mẹ. Con đường học vấn của tôi cũng rất đỗi suôn sẻ, thuận lợi. Suốt 12 năm học tôi luôn đạt thành tích học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, rồi thi đỗ vào ĐH Quốc gia Hà Nội với số điểm khá cao.
Vừa cầm trên tay tấm bằng cử nhân tôi đã được người quen xin cho vào làm tại một công ty lớn ở thủ đô mà không ít người khát khao, mơ ước. Vậy nhưng tôi lắc đầu từ chối cơ hội không dễ có ấy để về Hà Nam theo tiếng gọi của tình yêu. Bỏ ngoài tai lời khuyên của mẹ, tôi vội vã lên xe hoa. Lúc đó, tôi nhìn cuộc đời bằng lăng kính màu hồng tươi của một kẻ quá đắm đuối với men say mối tình đầu…
Háo hức, lạc quan bao nhiêu thì khi “ván đã đóng thuyền” tôi day dứt, tuyệt vọng bấy nhiêu. Tất cả mọi thứ đều trái ngược hoàn toàn với tưởng tượng khiến tôi sốc nặng… Phải gồng mình lên trước lo toan cơm áo, gạo tiền, chồng tôi ngày càng trở nên khô khan, cáu gắt. Những cử chỉ ga lăng, chiều chuộng anh dành cho tôi trước đây được thay thế bằng sự thờ ơ, vô tâm, thậm chí còn là cảm giác tổn thương vì thất nghiệp, phải ăn bám chồng.
Người thân của anh thì nhìn tôi bằng ánh mắt rẻ rúng, thương hại, nếu không muốn nói là coi thường. Thuê nhà sống riêng, vài ba tuần mới về nhà chồng nhưng lần nào cũng vậy, mâm cơm vừa dọn ra thế nào mẹ chồng cũng mặt nặng mày nhẹ bóng gió mỉa mai tôi bất tài, làm khổ con bà. Còn bố chồng thì thở dài trách con trai mù quáng, nông nổi “làm mối cho mấy đám toàn là giáo viên, bác sĩ… đều không ưng, đi rước ngay ngữ ăn hại về”.
Chị chồng, em chồng cũng vào hùa với bố mẹ chê bai, nói xấu tôi đủ điều. Tôi bưng bát cơm mà cổ họng nghẹn đắng không sao nuốt nổi. Nước mắt dường như chảy ngược vào trong khiến tim tôi đau buốt…
Áp lực từ phía gia đình chồng, những mâu thuẫn, va chạm khi cả tôi và anh đều non nớt, thiếu kinh nghiệm ứng xử lại đối diện với bộn bề thiếu thốn vật chất… dồn đẩy tôi vào cùng quẫn, bế tắc. Tôi không nhớ xuể mình đã mang hồ sơ đi dự tuyển, đã chạy vạy nhờ cậy hết người này đến người khác bao nhiêu lần chỉ biết rằng cơ hội việc làm dường như không có chỗ cho tôi. Ngay đến những doanh nghiệp tư nhân họ cũng từ chối tôi với lý do “chỉ tuyển kế toán hoặc những người học ngành kỹ thuật”.
Vì mục đích mưu sinh trước mắt, tôi đành xin làm phục vụ cho một quán cơm bình dân. Giấu nhẹm chuyện mình từng tốt nghiệp đại học, tôi rửa bát, nhặt rau, bưng thức ăn, hứng chịu sự quát tháo, mắng chửi của chủ quán, sự sai khiến đầy hách dịch của không ít “thượng khách” đáng tuổi em mình. Làm việc quần quật từ 4h sáng đến 10h đêm, lại hay suy nghĩ dẫn đến mất ngủ nên cơ thể tôi gầy rộc đi. Một lần ngất xỉu tại quán cơm phải vào viện cấp cứu tôi mới biết mình đã có thai hai tháng nhưng bác sĩ cảnh báo tôi bị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh trầm trọng, nếu không ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý sẽ nguy hiểm tính mạng và khó giữ được đứa bé…
Những cô gái đã yên bề gia thất khi hay tin có một mầm sống đang hình thành trong bụng mình thường reo lên sung sướng, còn tôi lại ngậm ngùi, chua xót. Bao nhiêu nỗi niềm cứ đeo bám, giằng xé trong tôi. Tôi hận mình vội vã lấy chồng khi công danh còn dang dở, tôi cảm thấy có lỗi với bố mẹ, những người tần tảo, lam lũ nuôi tôi ăn học. Tôi hụt hẫng, thất vọng về chồng và cho rằng mình đã chọn nhầm người, tôi lẩn tránh sự liên lạc của bạn bè bởi quá mặc cảm, tự ti khi thấy họ đang có một công việc tốt để phấn đấu, khẳng định năng lực…
Ngay cả khi cô bạn thân thiết từ ngày thơ ấu mấy lần chủ động về Hà Nam tìm gặp, tôi cũng dửng dưng, lạnh lùng, thậm chí còn xua đuổi. Tôi cắn răng chịu đựng, không dám mở lòng ngay cả khi mẹ gặng hỏi vì sợ bà lo lắng, nghĩ ngợi. Càng vùi mình trong nước mắt não nề, tuyệt vọng tôi càng thấy vây quanh là một màu xám xịt, không lối thoát. Thậm chí tôi còn yếu đuối nghĩ đến cái chết như một sự giải thoát…
Buổi sáng mùa đông lạnh cóng năm 2003, chồng đi công tác xa, tôi đang buồn chán nghĩ về tương lai ảm đạm của mình thì bác chủ nhà trọ gọi cửa bảo tôi có thư. Đã hơn 8 năm trôi qua song tôi vẫn nhớ như in những lời lẽ trong bức thư ngắn nhưng ẩn chứa thông điệp sâu xa, thấm thía mà cô bạn thân của tôi gửi gắm:
“Mình nhớ cậu luôn tự nhận là bông cỏ may dung dị nhưng tiềm ẩn sức sống dẻo dai, mãnh liệt hơn mọi loài hoa lộng lẫy sắc hương. Niềm tin đó đâu rồi? Hôm qua, mình vừa đọc được những câu rất hay và chẳng hiểu sao mình thấy cần gửi ngay đến cậu như một lời nhắn nhủ chân thành nhất: “Cuộc đời là những trái banh. Sức khỏe là trái banh bằng sắt. Gia đình là trái banh bằng thủy tinh. Sự nghiệp là trái banh bằng cao su. Khi trái banh bằng sắt rớt xuống, nó nằm im và không bao giờ lên lại. Trái banh bằng thủy tinh khi rớt xuống thì vỡ tan tành. Còn trái banh bằng cao su, nó rớt xuống rồi sẽ nảy lên lại, thậm chí còn cao hơn trước nữa”. Đừng đầu hàng hoàn cảnh. Hãy nhớ rằng cậu không đơn độc trong đời!”… Nước mắt tôi ướt đẫm trang thư song càng khóc tôi càng thấy lòng nhẹ nhõm, ấm áp hơn.
Bình tĩnh nhìn nhận vấn đề từ mọi khía cạnh tôi ý thức rõ nếu tiếp tục dấn sâu hơn vào bi quan, tuyệt vọng đồng nghĩa với nguy cơ tôi sẽ mất tất cả. Tại sao tôi lại ngoảnh mặt trước sự quan tâm, giúp đỡ chân thành của bạn bè? Bấy lâu tôi tự cho rằng mình là kẻ bất hạnh nhất, nhưng thực tế còn nhiều mảnh đời bi đát hơn tôi gấp cả trăm lần song họ vẫn bền bỉ vươn lên, vẫn tin vào tương lai tươi sáng. Tôi đang có trong tay “gia tài” mà không một thứ vật chất nào sánh nổi. Đó là người chồng chất phác, yêu vợ, là đứa con đang lớn dần lên mỗi ngày…
Tôi trở nên mạnh mẽ, cứng cỏi hơn. Không còn động tý là thở than, khóc lóc như trước, tôi bình thản trước những ánh mắt thương hại, những luồng dư luận trái chiều bởi tôi biết chẳng ai có thể sống thay cuộc đời tôi. Tôi dồn tâm huyết vào nhiệm vụ trước mắt là vun vén cho tình cảm vợ chồng thêm khăng khít, bền chặt, giữ tinh thần thoải mái để em bé trong bụng phát triển tốt nhất. Thay vì gắt gỏng, cáu giận vô cớ, châm ngòi cho những cuộc khẩu chiến với chồng, tôi dịu dàng, biết quan tâm, lắng nghe, biết kìm nén sự cố chấp và luôn cố gắng để sau mỗi ngày làm việc căng thẳng chồng tôi có giây phút nghỉ ngơi vui vẻ. Cuộc sống tuy đạm bạc nhưng êm ấm…
Trong suốt thai kỳ và quãng thời gian nuôi con nhỏ, tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian để kiên trì theo học tiếng Anh, vi tính theo lời khuyên của cô bạn thân. Khi con tròn 3 tuổi, tôi cho bé đi mẫu giáo thì cũng là lúc một người bạn học cũ gọi điện bảo tôi làm hồ sơ mang đến Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Nam nộp. Giám đốc ở đó là người trẻ tuổi, năng động, muốn tuyển dụng những nhân viên có năng lực thực sự.
Và điều tuyệt vời đã đến ngoài sức tưởng tượng của tôi. Sau khi xem bằng cấp, phỏng vấn trực tiếp, giám đốc Trung tâm Văn hóa đã nhận ngay tôi vào thử việc cùng lời ngỏ “nếu khẳng định được chuyên môn nghiệp vụ thì sau 3 tháng sẽ ký hợp đồng lao động”. Không muốn thêm một lần để lỡ cơ hội và không cho phép mình phụ niềm tin, sự ủng hộ của bè bạn, tôi đã nỗ lực làm việc bằng tất cả niềm đam mê, sự sáng tạo, tinh thần cầu thị và kết quả là lãnh đạo cơ quan rất hài lòng về tôi.
Sau thời gian thử việc, tôi được nhận vào làm chính thức và hơn một năm sau tôi được xét vào biên chế. Có việc làm, cuộc sống của tôi được cải thiện rõ rệt và quan trọng nhất là tôi thấy mình tự tin, yêu đời hơn, người thân của chồng bớt dần ác cảm, gần gũi, tôn trọng tôi…
Thời gian tựa con thoi, thấm thoắt hơn 3 năm tôi tìm được việc làm đúng chuyên ngành đã học để thỏa sức phấn đấu. Tôi giờ đã làm mẹ của hai cậu con trai kháu khỉnh và vô cùng tự hào, mãn nguyện về tổ ấm gia đình hạnh phúc bởi với tôi, đó mới là sự nghiệp vĩ đại nhất của phụ nữ. Dẫu vật chất không khá giả, cũng chẳng thành đạt như nhiều bạn học cũ song tôi không tham lam ôm đồm những ao ước hão huyền mà luôn trân trọng những thứ thuộc về mình.
Nhìn lại những sóng gió đã qua tôi thầm cảm ơn người thân, bè bạn, những điểm tựa giúp tôi vượt qua cú sốc đầu đời. Âm hưởng “Cuộc đời là những trái banh” vẫn luôn ngự trị và trở thành kim chỉ nam cho tôi trên mọi bước đường đời phía trước…
Hoàng Thị Oanh
Thể lệ cuộc thi viết ‘Cú sốc đầu đời’
– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không hạn chế số lượng bài dự thi của một người. Độ tuổi tham dự từ 16 – 35.
– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.
– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa công bố trên các báo, tạp chí. VnExpress.net và Ione.net được quyền biên tập các bài dự thi.
– Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, số chứng minh thư, địa chỉ và số điện thoại liên hệ. Những thông tin này được Ban tổ chức bảo mật.
– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của tác giả đó kèm theo bài viết.
Chương trình do VnExpress.net, Ione.net và Cao đẳng Thực hành FPT phối hợp tổ chức. Thời gian nhận bài từ 15/8 – 15/11.