Vào thời điểm năm 1998, FPT đã là một công ty tin học có tiếng tăm lẫy lừng, bề thế hơn cả Công ty Microsoft lúc mới ra đời. Lễ kỷ niệm 10 năm và lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Hai của Công ty FPT là một sự kiện gây nhiều dư luận đến mức hàng tháng sau dân Hà Nội vẫn còn bàn tán.
Thông thường, sau những thành công như thế người ta bắt đầu hưởng thụ. Nhưng anh Trương Gia Bình không phải là người thường. Anh quyết định chưa hưởng thụ và muốn thuyết phục được tất cả các công sự của mình cùng chung ý chí đó.
Nhìn ra thế giới, khủng hoảng kinh tế châu Á đang diễn ra. Tương lai kinh tế của châu Á hết sức ảm đạm. Tình hình Việt Nam cũng không có gì sáng sủa. Anh Bình cảm nhận được rằng, nếu chỉ đơn thuần lặp lại kinh nghiệm của những năm tương đối may mắn vừa qua cùng với tư tưởng hưởng thụ sẽ dẫn công ty đến thất bại. Muốn thành công, FPT cần phải đổi mới toàn diện.
Trong “Báo cáo 10 năm công nghệ FPT”, anh Bình đã rất khôn khéo chỉ đề cập đến một kinh nghiệm cốt lõi cần phải gìn giữ bằng mọi giá, đó là con người FPT, trong đó nhấn mạnh đến con người hiền tài. Nhưng phần kết của bản báo cáo mới thực sự quan trọng. Nó mở đầu cho một cái mới mà anh muốn hướng mọi người theo: “Trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, chúng ta đứng trước những thử thách mới và vận hội mới to lớn hơn nhiều mà tiêu điểm chính của nó là xuất khẩu phần mềm”. Lúc đó, không có ai đặc biệt chú ý đến tuyên bố này.
Trong những ngày tiếp theo, câu hỏi duy nhất trăn trở trong đầu anh Bình là làm thế nào để chuyển hướng FPT đang rất thành công ở các lĩnh vực khác sang xuất khẩu phần mềm đầy khó khăn gian khổ?
Chịu ảnh hưởng phong cách lãnh đạo “lấy dân làm gốc” từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Bình không muốn quyết định độc đoán. Anh thực tâm mong muốn thi hành dân chủ. Một chiến dịch học tập và quán triệt “Báo cáo 10 năm công nghệ FPT” diễn ra, kết thúc bằng hội nghị tổng kết rầm rộ tại Đồ Sơn với tên gọi “Hội nghị Diên Hồng”. Chủ ý của anh Bình là muốn có sự ủng hộ cao của hàng ngũ tướng lĩnh cho quyết tâm xuất khẩu phần mềm.
Nhưng diễn biến của Hội nghị Diên Hồng lại không như dự kiến của anh. Tham luận đầu tiên gây hưng phấn cao là của anh Đỗ Cao Bảo với tiêu đề “Xây dựng một hình ảnh FPT mới”. Là vị tướng lắm tài, nhiều chiến công nên anh Bảo nói gì người ta cũng nghe. Anh Bảo cho rằng, FPT hôm nay đang thành công, xuất khẩu phần mềm còn chưa rõ, chỉ nên thử, nếu khó quá thì thổi thành hư chiêu cho các đối thủ bắt chước chúng ta mà vấp ngã. Anh Hoàng Minh Châu, Giám đốc FPT HCM thì đề xuất mở rộng sang lĩnh vực địa ốc, xây dựng văn phòng. Một công thần bảo thủ khác là anh Bùi Quang Ngọc cho rằng, trong nước vẫn còn khối thách thức, chẳng sợ mất phương hướng. Báo cáo của anh Phan Ngô Tống Hưng về vai trò của Phi tin trong hệ thống FPT “FPT phải đi bằng hai chân” lại càng làm cho “tiêu điểm xuất khẩu phần mềm” bị mờ hơn. Đến khi báo cáo “đinh” của Hội nghị “Chết hay là Xuất?” do anh Nguyễn Thành Nam trình bày thì hầu hết mọi người đã bội thực về các định hướng chiến lược. Mặc dù có tài biến báo, anh Nam cũng không thuyết phục được ai nhổ lúa để trồng cà phê xuất khẩu, kể cả việc anh đã hù dọa mọi người năm tới mất mùa, c. cũng không có mà ăn.
Anh Bình rất buồn vì một ngày trôi qua mà chẳng thêm được tướng nào chia sẻ quyết tâm “xuất khẩu phần mềm”. Trong bữa nhậu tối, như thường lệ, anh Tiến lại cống hiến cho cử tọa các chuyện cổ kim đông tây, chuyện nào cũng buồn cười. Khi anh Tiến kể đến đoạn Lưu Bị than thở gần năm mươi tuổi đầu mà vẫn phải đi ở nhờ đất của Lưu Chương thì anh Bình bỗng ôm mặt khóc hu hu, ai can cũng không được. Anh vừa khóc vừa nghẹn ngào nghe thật thương tâm: “Ta nay ngoài bốn chục tuổi đầu cũng chỉ biết mua rẻ bán đắt, một phần mềm cỏn con như Microsoft Office cũng không tự làm ra được, phải cúi mặt xài chùa. Nghĩ lại xấu hổ quá, thật không bằng cả cái tên Lưu Bị, Lưu Bịch ngày xưa, các ngươi bảo ta không đau lòng sao được!”. Chính cảm xúc chân thật trong lúc có hơi men của anh đã thuyết phục được mọi người. Ngày hôm sau cả hội nghị đã nhất trí chào nhau bằng câu “Xuất hay là Chết”.
Lời bàn:
Hội nghị Diên Hồng tại Đồ Sơn có thể coi là cú “đá đít” đầu tiên đẩy con tàu xuất khẩu phần mềm của FPT vào con đường đầy trắc trở nhưng hứa hẹn vinh quang. Đúng như lời một ca từ STC “Tiến lên vinh quang chúng đang chờ phía trước, tiến lên toàn cầu đếch biết gì cũng tiến”. Bắt đầu là sự hồi hộp, mừng rỡ kiểu “bắn được Tây chảy máu”. Rồi rơi vào cơn bão khủng hoảng Internet, Silicon Vallley “một đêm” trở nên hoang vắng. Không khách hàng, không hợp đồng, nhân tài lục tục bỏ đi, lãnh đạo hoang mang, bè bạn dèm pha. Nhưng khó khăn rồi cũng qua đi, Fsoft đã trở thành công ty XKPM lớn nhất Việt nam.
Ở FPT mọi sự thay đổi lớn (dẫu rằng thành công hay thất bại) đều gắn liền với quyết tâm không gì lay chuyển được của ban lãnh đạo cùng anh Bình- người luôn khát khao đưa FPT vươn lên ngang tầm những công ty hàng đầu thế giới. Anh không tiếc công sức để đạt sự đồng thuận trong đội ngũ lãnh đạo, phát huy sức mạnh của tất cả nhân viên vì thế FPT có thể thu nạp những con người tài ba đến từ bốn phương. Ngày nay, chúng ta có thể tự hào về đội ngũ cán bộ lãnh đạo tài năng, đông đảo, ở nhiều lĩnh vực, thuộc mọi thế hệ và đa tính cách… nhưng cùng chia sẻ ước mơ vươn tới những chân trời xa.