1. Em chỉ bán có cuộn giấy FAX
Năm 1994 (khi đó doanh số cả FPT chừng 5-7 triệu USD), chị M đã bị kỷ luật thôi việc vì đã mua ở ngoài một cuộn giấy FAX giá 6 USD bán cho khách giá 10 USD, thu lợi 4 USD cho bản thân. Cũng phải nói thêm là chị đã bán cùng một cái máy FAX và thu lợi cho Công ty 400 USD. Ông khách hàng muốn mua thêm cuộn giấy FAX nhưng Công ty lại không có loại hàng này. Mà cửa hàng bán giấy FAX ngay bên kia đường… Chị đã khóc hết nước mắt khi phải rời khỏi FPT… Hiện giờ, chị đang làm chủ hai công ty làm ăn rất thành công trên thương trường và cả trong hoạt động xã hội. Chị vẫn luôn nhắc đến FPT một cách trân trọng.
2. Tôi nghĩ đấy là phần của mình
Năm 1995, anh T cũng bị bắt buộc rời khỏi Công ty vì đã tự dành cho mình một khoản tiền trong số lãi kinh doanh do bộ phận của anh làm ra. Phải nói thêm là số tiền không lớn và anh cùng bộ phận đã làm việc rất thành công, kết quả rất tốt, được Công ty, nhà cung cấp và cả khách hàng đánh giá cao. Thế nhưng thu nhập của anh thì không tương xứng với kết quả anh làm ra – đây là đánh giá vào thời điểm này chứ lúc đó cả Công ty nghĩ về anh rất xấu. Hiện nay, doanh nghiệp của anh rất thành công và cũng như chị M, anh vẫn rất yêu quý FPT.
3. Em nghĩ ai cũng có phần mà
Năm 1996, anh H cũng bị ép phải tự xin thôi việc vì đã nhận tiền của hãng cung cấp dịch vụ cho FPT (số tiền vài triệu đồng gì đó trong thời gian 2 năm). Cũng phải ghi nhận H là cán bộ rất có năng lực và được mọi người quý mến. Anh nói với Sếp quản lý trực tiếp khi ra đi: “Em chẳng thanh minh nhưng cả xã hội này đều cầm tiền “trà nước”, ai làm việc này mà chả có phần. FPT thế quái nào mà lại không chấp nhận?”.
4. Có phải của FPT đâu?
Năm 1997, một bộ phận bị cảnh cáo vì họ được hãng cung cấp tặng mấy cái voucher nhân dịp đợt khuyến mãi và mang ra ăn nhậu tập thể (chẳng ai bỏ túi riêng đồng nào). Anh giám đốc còn thanh minh: “Có phải của FPT đâu, mà FPT cũng có mất cái gì đâu”.
5. Tôi chỉ thông minh hơn người khác
Năm 1998, anh S bị kỷ luật vì anh biết khách hàng sẽ cần thứ mà FPT đang thanh lý. Anh mua với giá 100 USD và bán lại được 400 USD. Xét về lý thì chẳng thể nào kỷ luật, xét về tình thì không thể vì 300 USD mà kỷ luật một người đã đóng góp lớn cho FPT.
Mới đây, lại một cán bộ bị kỷ luật thôi việc vì đã lợi dụng vị trí công tác môi giới mua hàng thu lợi cho cá nhân. Anh thanh minh: “FPT không thiệt hại đồng bạc nào, FPT chưa bao giờ nói cấm”.
6. Nếu cô không phải vợ giám đốc
Anh về nhà thấy có cân nho Mỹ và chai rượu trên bàn. Vợ anh nói, chú T làm ở văn phòng mới đi nước ngoài về biếu, “tình cảm chị em thôi mà”. Anh rất giận: “Nếu cô không phải vợ Giám đốc thì nó có tình cảm chị em mà biếu quà không?”. Bữa trưa hôm sau anh chị em văn phòng được chiêu đãi rượu và nho Mỹ.
Anh T nhận ngay ra gói quà của mình nhờ cái túi. Bài học chỉ mình anh biết.
7. Sao mày không đến nhà sếp
Anh M mới vào FPT dịp trước Tết. Anh hỏi ngay mấy cô văn phòng xem nhà anh B, anh H (là sếp của bộ phận anh) ở đâu và chuẩn bị sẵn mấy túi quà để giáp Tết đến nhà “thăm hỏi”. Thế nhưng anh rất ngạc nhiên khi biết chẳng ai trong bộ phận định “đi quà Tết” cho thủ trưởng. “Sao mày không đến nhà sếp?”. “Hề hề, mùng 3 đến nhà ổng mà uống rượu, ở FPT không bao giờ được biếu quà thủ trưởng”.
8. Nhà chị H ở đâu?
Câu hỏi này thường được các nhân viên mới vào thực tập hay đang được phỏng vấn đưa ra. Họ đâu có biết lỡ mà đến nhà chị H để “thăm viếng tình cảm” thì hồ sơ của họ sẽ bị loại và các món quà “tình cảm” sẽ bị từ chối thẳng thừng.
9. Em là cháu chú B
Đây là điều dại dột nhất khi bạn trả lời phỏng vấn. Không biết vì sao các giám đốc FPT rất ngại nhận “con ông cháu cha”, cho dù họ là người tài năng và nhiều triển vọng. Họ sẽ tìm ngay ra lý do để lờ đi các “đối tượng chính sách”, thậm chí còn huỷ cả kỳ tuyển người nếu bị ép phải nhận “một số cháu” nào đấy.
10. Chị có nhờ em
“Em là nhân viên FPT hay oshin nhà anh?”. Câu hỏi của Giám đốc với cô nhân viên bỏ việc ra ngoài đi shopping cùng cô vợ. Và sau đó họ hiểu rằng, vợ các anh bị cấm can thiệp vào công việc FPT.