Một chiều hè Hồ Tây, gió mát. Có một người Mỹ ngồi đăm chiêu, đôi mắt xa xăm vô định, khác hẳn với tính cách sôi nổi ngày thường, khi ông cùng nhóm dự án phần mềm quấn quít với những con số – những dòng lệnh, hoặc khi cùng mọi người lang thang bát phố, ngắm phong cảnh, ăn hàng rong…
Người Mỹ đó có tên là Jeff Olliff, một khách hàng của Fsoft. Nhận thấy Jeff Olliff có tâm sự, Lê Mai Anh nhỏ nhẹ hỏi thăm. Sau một hồi lưỡng lự, Jeff mới kể lại câu chuyện cuộc đời mình. Hóa ra, khi còn trẻ, ông là một người lính tham gia chiến trường Việt Nam. Một lần, tình cờ, ông đã nhặt được cuốn nhật ký của một người lính Việt Nam- anh Lưu Đình Cương. Cuốn nhật ký mầu hồng viết rất đẹp, được bắt đầu viết khi cậu bé ấy mới 16 tuổi và có thể không còn sống trên đời, đã khiến ông giật mình, tự hỏi tại sao mình lại có mặt ở đây, trên đất nước này, để bắn giết, để cướp bóc, để hủy hoại cuộc sống? Cuốn nhật ký đã thay đổi cuộc đời ông. Trở về Mỹ, ông mong có ngày được quay lại Việt Nam, không phải để bắn giết, mà để trao trả cuốn nhật ký cho người thân của người lính Việt đó. Ông nói: “Cuốn sách này quân đội Mỹ đã ăn cắp cách đây 30 năm. Tôi xin lỗi vì đã chưa thể trả lại cho gia đình anh Cương”. Nhiều năm qua, cuốn nhật ký đó vẫn chỉ nằm ở đáy va li chỉ bởi một lẽ: ông sợ, khi ông nói ra, liệu người ta có nghĩ ông đã giết anh lính này? Ai là người có thể tin ông?
Vậy mà những cán bộ FSoft lại tin ông. Họ hứa sẽ giúp ông hoàn thành ước nguyện trao cuốn nhật ký về cho gia đình anh Cương.
Giám đốc Nguyễn Thành Nam cùng một nhóm cán bộ Fsoft lần theo dòng địa chỉ mờ nhạt trong cuốn nhật ký, tìm về quê anh Cương, tại làng Đa Phú, xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Thật may mắn, cả đoàn đã tìm được đúng gia đình liệt sĩ Lưu Đình Cương.
“Con tôi đây rồi!”, người cha oà khóc khi tấm ảnh đã phai màu của cậu con trai đã hy sinh khi mới 19 tuổi, rơi ra từ cuốn sổ nhỏ. Hai bàn tay ông run rẩy nâng niu nó. Bay qua không gian và thời gian, cuốn nhật ký – kỷ vật duy nhất của người chiến sĩ liệt sĩ Lưu Đình Cương đã trở về với mái nhà thân thương sau hơn 30 năm lưu lạc nửa kia bán cầu. Không ai cầm được nước mắt.
Ngày nhận được lá thư với những dòng chữ nguệch ngoạc của người cha: “Kính gửi ông Jeff Olliff, tôi cám ơn ông đã giữ gìn kỷ vật của con trai tôi. Cha Lưu Ngọc Cúc”, người đàn ông Mỹ đã rưng rưng xúc động. Chẳng ai còn nhắc đến thù hận. Ba mươi năm, cuốn nhật ký đi qua hai nửa vòng trái đất, để những người khác chiến tuyến không còn muốn bắn giết nhau nữa.
Lời bàn:
Ở một nơi mà người ta thường nghĩ chỉ có khách hàng, dự án và những công việc lập trình đơn điệu lại lưu truyền một câu chuyện ly kỳ và cảm động như thế. Với những người có lương tâm, quá khứ luôn là một phần của hiện tại và họ không bao giờ rũ bỏ trách nhiệm với quá khứ. Những cán bộ Fsoft không chỉ giúp người đàn ông Mỹ, Jeff Olliff, hoàn thành tâm nguyện của mình; họ còn mang đến cho gia đình bác Lưu Ngọc Cúc kỷ vật thiêng liêng của người con đã hi sinh; và quan trọng hơn cả họ đã góp phần xóa đi hận thù quá khứ, để cùng nhau xây dựng một tương lai mới, tương lai của những con người không muốn có chiến tranh.