Thật khó có công ty nào ở Việt Nam cùng lúc có 4 người FPT được Ủy Ban Olympic Bắc Kinh 2008 (BOCOG) chọn để truyền ngọn lửa “thiêng” khi rước tại TP. Hồ Chí Minh tối ngày 29/4/2008. Ngọn lửa đã bừng cháy tại lễ khai mạc Thế Vận hội tại Bắc Kinh ngày 8/8/2008.
Họ đã đoạt xuất rước đuốc như thế nào?
Đọc tới đây, chắc bạn cũng đặt câu hỏi “họ là ai?”. Sao lại có đặc quyền để truyền ngọn lửa được lấy từ ánh sáng thần mặt trời Horus tại ngôi đền thờ thần Hare ở khu Olympia cổ đại, Hy Lạp.
Anh Trương Gia Bình và Hàn Quốc Ân – ÂnHQ (FDC- FPS) được hai suất mời từ đối tác FPT là Samsung và Lenovo hay nhà tài trợ cho cuộc rước đuốc toàn cầu.
Anh Bình với tư cách đại diện giới doanh nhân thành đạt được chỉ định mời bởi nhà tài trợ Samsung. Anh ÂnHQ, một tín đồ môn tennis, là 1 trong 6 đại biểu tham gia rước đuốc của Lenovo đã được thể hiện rất trang trọng trong bức thư mời của hãng: “Các đại biểu rước đuốc Olympic thể hiện những phẩm chất ưu việt nhất trong tất cả chúng ta, vượt trên những tài năng tốt đẹp khác, đó là nỗ lực không ngừng đạt đến những điều cao cả và niềm đam mê được giúp đỡ những người cần đến sự sẻ chia. Trong ý nghĩa này, anh chính là hình mẫu tiêu biểu ho các bạn đồng sự và cộng đồng, và vì vậy, anh đã trở thành người xứng đáng nhất để giương cao ngọn đuốc Olympic” (Trích Olympic Torch-bearer Letter của ông Bill Amelio – Lenovo CEO gửi anh ÂnHQ).
Với suất Nguyễn Chiến Thắng (FIM – HN) giành được từ nhà tài trợ Samsung, Nguyễn Hữu Phát – PhátNH (FPT Promo) từ Lenovo là một cuộc cạnh tranh với nhiều vòng tuyển chọn và được cộng đồng mạng bình chọn. Nguyễn Chiến Thắng có cả một câu chuyện dài với chủ đề “Vượt khó” của Samsung khi kể về cuộc chiến sống còn với những kỳ tích cho những ngày phấn đấu không biết mệt mỏi, vượt qua khó khăn và chính CNTT đã tạo nên niềm say mê nơi người thanh niên bị nhiễm chất độc dioxin này.
PhátNH đã đoạt một suất trong cuộc thi tuyển chọn Lenovo viết 100 từ với chủ đề “Con người tư duy mới” làm trọng tâm – đó là những con người biết tiếp cận vấn đề với những triết lý mang tính đổi mới, tìm ra được những giải pháp sáng tạo có thể đem đến những thay đổi mang tính toàn cầu. Chính anh đã hút cộng đồng từ tổng hội, bạn bè YIM… để votes online.
Ngọn lửa bừng cháy
Ngọn lửa Olympic tới TP. Hồ Chí Minh là một sự kiện lớn, lần đầu tại VN và trở thành một sự kiện thể thao mang tính quốc tế.
Đầu buổi chiều, 4 vận động viên (VĐV) được tập trung vào chặng hai tại NVH Phú Nhuận. Đến lúc này cả nhà FPT mới “tay bắt mặt mừng” chụp hình với những VĐV nổi tiếng đang đợi tập kết. Do lộ trình thay đổi và được rút ngắn hơn với quãng đường hơn 8km nên mỗi VĐV chỉ có thể chạy 100 – 150m ở mỗi chặng từ Nhà hát thành phố HCM – Sân bay Tân Sơn Nhất – Sân vận động Quân khu 7 thay vì 300m chặng khu Phú Mỹ Hưng.
17h, tất cả VĐV dồn trên xe để tập kết theo thứ tự được đánh dấu mỗi chặng. Lúc này, cả thành phố đã bắt đầu kẹt, ùn tắc xe dữ dội do ngày nghỉ lễ và do hàng trăm ngàn người dân tập trung hai bên đường suốt lộ trình 8km theo dõi ngọn đuốc với rừng cờ Việt Nam, Trung Quốc, Olympic, theo dõi những chính trị gia, VĐV, ca sĩ… như Nguyễn Danh Thái, Lý Đức, Nguyễn Tiến Minh, Mỹ Tâm…
Nguyễn Chiến Thắng với sự trợ giúp của người cha được thả xuống chặng giữa, tiếp đến là tôi, PhátNH, ÂnHQ và anh Bình chặng 56/60. Nhưng có lẽ, kịch tính nhất khi tôi chứng kiến BOCOG giờ chót loại VĐV Lê Minh Phiếu nên tôi phải chạy gấp đôi với hơn 300m.
Đợi ở điểm chuyển đuốc mất 30 phút với một tay cầm ngọn đuốc đợi sẵn trong vòng vây của hơn 10 nhân viên an ninh bảo vệ và lực lượng đông đảo xe cảnh sát hú còi ở giữa đường, hàng ngàn người đang theo dõi những động thái để tôi truyền lửa.
Đến 18h30’, thời điểm quan trọng nhất cũng đến, ngọn lửa được truyền đến tôi. Dù được huấn luyện trước đó về cách thức truyền lửa nhưng tôi vẫn luống cuống chậm chạp sợ không bén lửa. Thật hãnh diện khi một tay cầm đuốc, tay còn lại vẫy chào dọc hai bên CĐV với rừng cờ như trong mơ, chắc cuộc đời tôi khó có sự kiện lặp lại lần thứ hai. Tôi chạy giữa tim đường cùng hai “tinh hoa võ thuật” Trung Quốc bảo vệ để không cho sự phá hoại làm tắt ngọn lửa từ lực lượng hiếu kỳ hai bên đường, trước mặt tôi là chiếc xe chở hàng chục phóng viên ảnh, quay phim xếp tầng để truyền trực tiếp hình ảnh rước đuốc đi toàn cầu.
Do tôi là người duy nhất phải chạy “double 2” chặng tới 300m nên sau một lúc, tôi cảm thấy mỏi tay cầm đuốc nên phải tăng tốc để kết thúc lộ trình truyền ngọn lửa cho VĐV kế tiếp. Sau khi truyền lửa, tôi được một đám CĐV người Trung Quốc nhào tới chụp hình chung cùng sự chào đón của những CĐV nhà đã đứng đợi tôi rất lâu để chụp những bức ảnh đẹp nhất.
Riêng VĐV Nguyễn Chiến Thắng, do khuyết tật nên bạn cũng đã cố gắng chạy hết quãng đường 100m và hình ảnh Thắng cầm đuốc Olympic chạy đã trở thành bức ảnh “hot” được đăng trên website chính thức Olympic 2008 và các hãng thông tấn như BBC, AFP…
ÂnHQ và anh Bình chạy ở đoạn gần đến đích nên khoảng cách chạy khá ngắn, chỉ 80m. Chạy chậm rãi vì sợ “lỡ ngọn đuốc tắt thì sao?”. Mỗi bước chân anh đều ngó ngọn lửa mà theo thiết kế sức gió đạt 80 dặm mới có khả năng làm tắt nó!
Lâng lâng sau khi truyền lửa
Mỗi thành viên sau khi hoàn thành sứ mệnh trở thành VĐV truyền lửa Olympic Bắc Kinh 2008 đều có cảm giác “lâng lâng” và nghĩ sẽ khó mà lặp lại sự kiện này lần thứ hai trong đời. Đó là hình ảnh mình trở thành “VIP” với sự chào đón nồng nhiệt của hàng ngàn người bên đường, sự hộ tống của cảnh sát, hình ảnh của mình được truyền đi khắp thế giới… Và hơn hết là thời điểm mình truyền ngọn lửa thiêng bất cứ ai cũng ao ước có được. Chắc hẳn mỗi lần nhìn ngọn đuốc Olympic là kỷ vật được BTC tặng sau khi truyền lửa sẽ mãi mãi còn nhắc đến thế hệ mai sau của mỗi VĐV.