ISC ngày ấy

11:09 07/07/2014

Tối 29/8/2008 hơn 30 anh chị em đã từng làm việc tại ISC (Informatic Services Center) tụ hội nhau tại FSoft House. Họ cùng nhau ôn lại những hoạt động, phát triển một thời của ISC, đơn vị kinh doanh CNTT đầu tiên của FPT.

Được thành lập giữa năm 1990 và giải thể vào cuối năm 1994, ISC đã tồn tại và phát triển trong những tháng năm đầu tiên của FPT, đã tạo cơ sở để các hướng kinh doanh CNTT cho những năm tiếp theo. Đặc biệt, tham gia buổi họp mặt có anh Nguyễn Chí Công, Giám đốc đầu tiên của ISC, các anh chị không còn làm việc ở FPT nữa như Nguyễn Trung Hà (Chủ tịch HĐQT Togi), Võ Mai (Giám đốc HiPT), Phan Minh Tâm (Giám đốc 24h.com.vn), Nguyến Tấn Vinh (BIDV), Nguyễn Tú Huyền (E&Y), Nguyễn Việt Thắng (là Kế toán trưởng ISC, hiện là Hiệu phó HSB), Phan Quốc Khánh (Giám đốc FAST)… Và sáu người đầu tiên của ISC đều có mặt: Nguyễn Chí Công, Bùi Quang Ngọc, Nguyễn Trung Hà, Đỗ Cao Bảo, Nguyễn Thành Nam, Võ Mai. Khi đó, chúng tôi có người khá nổi tiếng trong làng tin học, có người chưa biết gì đến lập trình, nhưng đều mong muốn gây dựng một cái gì đó về CNTT cho FPT.

Cao đẳng thực hành FPT Mạng cá cược bóng đá
 trích "Sử ký FPT 20 năm"
Một trong những sáng lập viên của ISC. Nguồn ảnh: fpt.com.vn.

Tham dự buổi họp mặt còn có nhiều anh chị em khác, như “tam lão” của Trung tâm Bảo hành FPT: Đức béo (từng được cử sang Liên Xô chữa máy Olivetti khiến cho nhiều viện sỹ Liên Xô tròn xoe mắt và vì những chiêu chữa máy kiểu Vietnamese), Trung gù và Giám đốc FSC hiện nay, anh Lê Mạnh Thắng. Hùng xoăn, hiện là lãnh đạo của FPT Telecom, từng chỉ huy triển khai của ISC.

Lâm Phương, chuyên gia IT thứ thiệt đầu tiên của ISC được đào tạo tại Liên Xô, nay là lãnh đạo của FSoft. Thục Quyên, từng là lập trình viên nữ đầu tiên của ISC, nay là manager của FSoft. Tiến béo cùng vợ chồng Thắng – Hương còm (tất nhiên Hương bây giờ không còm nữa), là khóa K33 ĐHBK HN, nay đều là những lãnh đạo của Tập đoàn FPT. Trịnh Thu Hồng, thư ký kiêm chánh văn phòng ISC, nay là Phó ban FHR. Tô Tuấn, một thời là chuyên gia đầu ngành về C và Unix của VN, nay là lãnh đạo FDC. Và nhiều bạn nữa mà tôi không kịp kể hết ở đây.

Các lứa vào ISC đều lên sân khấu giới thiệu khi xưa và kể chuyện hôm nay. Chúng tôi đã hát những bài ngày xưa hay hát, trong đó nổi bật là bài “Cùng đi marketing” (nhạc bài Cùng nhau đi hồng binh), và bài “Bên kia sông Tô” (nhạc bài Con kênh xanh xanh) về nữ lập trình viên xinh đẹp Nguyễn Tú Huyền.

Trụ sở của ISC được đặt ở trường phổ thông Giảng Võ, cùng với FPT khi đó, cả công ty thuê tầng 2 của một ngôi nhà của trường. Đây là trụ sở thứ hai của FPT, trụ sở thứ nhất là tầng 3 của Viện Cơ ở phố Đội Cấn. Khi đó, chúng tôi làm việc với các hoạt động của trường, chịu đựng sự ồn ào khi học sinh ra chơi, cùng chen nhau qua cổng trường mỗi khi đi làm. Thậm chí, chúng tôi phải làm quen với mấy chú chó của trường được thả ra vào buổi tối để trông coi khu trường khá rộng. Anh Khắc Thành đã có những kỷ niệm không mấy vui vẻ với các chú khuyển này. Một điều rất khó quên là khi đó cả FPT đều ăn trưa cùng nhau mà chị Hòa (cán bộ VP hiện nay) làm bếp trưởng. Anh Trương Gia Bình rất hay lẻn xuống bếp ăn trước, rồi sau đó lại vẫn anh cùng anh em ăn như bình thường. Cũng tại trụ sở này, FPT đã tiếp không biết bao nhiêu VIP, cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài. Họ đều ngạc nhiên, trong điều kiện như thế, người FPT vẫn hăng say làm việc và có nhiều sản phẩm.

Thanh niên ISC tham gia một số hoạt động phong trào của trường Giảng Võ, mà kết quả là anh Hải béo (nay làm ở HiPT) đã cưới vợ là một cô giáo của nhà trường.

Cũng tại trụ sở này chúng tôi chứng kiến các hoạt động phi tin của FPT. Có những lúc cả tầng 2 đầy quần áo để chuẩn bị xuất đi Ba Lan, Liên Xô. Hoặc mỗi cán bộ ISC được anh Hùng Râu dúi cho mấy hộp bột HV mà anh nghiên cứu và sản xuất. Tôi còn nhớ, chúng tôi bàn tán sôi nổi cùng Hùng Râu làm thế nào để lấy huân chương hội chợ Giảng Võ cho sản phẩm HV của anh (tức bày cho anh cách quan hệ với ban tổ chức hội chợ mà với chúng tôi đó là chuyện thường ngày vì bao giờ ISC cũng chiếm một khu vực to đẹp nhất mỗi khi hội chợ CNTT thời gian ấy). Anh cũng là người hàng xóm thân thiết của ISC cho đến khi cuối 1994, FPT không còn thuê trường nữa, mặc dù từ 1993, văn phòng FPT đã chuyển lên 25 Lý thường kiệt (trụ sở tiếp theo của FPT), khi đó trường Giảng Võ chỉ còn ISC và Hùng Râu.

Một kỷ niệm khó quên là 1993 chúng tôi mua được chiếc ô tô 7 chỗ màu nâu để phục vụ vận chuyển thiết bị đến khách hàng (chúng tôi gọi là xe con cóc). Thế là gần hết anh em ISC, trong đó có tôi và cả Hùng Râu, đều luyện tay lái từ chiếc xe này. Khổ cho chiếc xe nhỏ bé nhưng phải nhận đến hàng chục vết xây xát do các tay lái nghiệp dư ISC mang lại, mà cú nặng nhất là Hùng Râu lao vào cột điện sân trường Giảng Võ, làm bẹp cả một góc xe.

Cuối 1993, ISC có hai trụ sở. Bộ phận kinh doanh chuyển ra 146 Nguyễn Thái Học, phần mềm vẫn ở lại trường Giảng Võ. Hồi ấy chúng tôi chạy khắp Hà Nội mới tìm được cái văn phòng này, thuê một phần của một gia đình. Chúng tôi nổi tiếng với nhận xét của bà chủ nhà “Khi thuê nhà thì nói là trí thức, là khoa học kỹ thuật, thực tế thì giám đốc (tôi) chửi bậy, thư ký (Nguyễn Mỹ Hương, chánh VP FIS bây giờ) ăn mặc hở hang, nhân viên (SơnTT) thì hôn hít con gái (khi trực Tết 1994 Sơn có rủ bạn gái đến trực cùng)”. Chẳng là do Mỹ Hương hay mặc váy ngắn xẻ tà, lại đi lên tầng 2 làm việc nên giờ đó ông chủ nhà hay lôi quần áo ra giặt ở sân đối diện với cầu thang lên tầng 2, nên bà chủ càng ghét chúng tôi.

Ngay cạnh 146 là mấy quán cơm, chúng tôi hay ăn chung, cứ trưa thứ 7 lại liên hoan, nên nhiều anh em ở trường Giảng Võ tìm cách ra 146, ví dụ như Lê Quốc Hữu nhất quyết chuyển sang kinh doanh chứ không chỉ thuần túy lập trình “Quản lý vật tư” (một sản phẩm nổi tiếng của Hữu phục vụ nhà máy phân đạm Hà Bắc).

Đến cuối 1994, bộ phận kinh doanh chuyển ra Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn bộ phận phần mềm chuyển ra xưởng phim Ngọc Khánh, kết thúc việc FPT thuê trường Giảng Võ. Đây cũng là lúc ISC giải thể để tách thành các trung tâm: tích hợp (FIS), phần mềm (FSS), phân phối (FBP), bán lẻ (FCD) do các anh Đỗ Cao Bảo, Nguyễn Thành Nam, Hoàng Nam Tiến, Nguyễn Việt Giang phụ trách. Tôi được chuyển lên FPT làm phó cho anh Bình. Đây cũng là một trong các mốc quan trọng của FPT: CNTT đã vươn lên thành ngành kinh doanh chính của FPT với các hướng khác nhau.

Cùng với FPT HCM khi đó, ISC đã đưa FPT lên vị trí hàng đầu ở VN về CNTT. Cũng tại đây Đỗ Cao Bảo đã xây dựng các dự án tích hợp đầu tiên. Thành Nam, Khắc Thành, Lâm Phương đã lãnh đạo anh em xây dựng các phần mềm trở thành một phần lịch sử của FPT như Hệ thống đặt vé giữ chỗ cho Vietnam Airline và Pacific Airlines, SIBA (ngân hàng bán lẻ) cho ChinFon Bank, LAMIS (Quản lý tín dụng cho chương tình hồi hương của EC), Billing cho công ty nước sạch HN,.. Tiến béo, Hoài râu đã tham gia bán buôn và bán lẻ với những máy tính Olivetti, Compaq, IBM. Đình Anh đã tôi luyện các chương trình truyền tin cho ICB, BIDV. Với tôi, ISC là đơn vị đầu tiên tôi phụ trách ở FPT.

Thời gian trôi qua, FPT ngày càng phát triển, nhưng chúng tôi không bao giờ quên được ISC, cái nôi mà chúng tôi cùng nhau lớn lên, cùng nhau xây dựng, cùng nhau chiến đấu. Hôm nay, mỗi chúng tôi ở những vị trí khác nhau, với những đơn vị, những quy mô hoành tráng hơn rất nhiều, không chỉ ở FPT mà còn ở ngoài FPT. Nhưng, chúng tôi cũng hiểu rằng, ISC đã là một phần trong cuộc sống chúng tôi, một tập thể đồng tâm nhất trí, cũng chung mục đích, cùng chia sẻ khó khăn và thành tích. Đó cũng là những kinh nghiệm mà chúng tôi muốn chia sẻ, gửi đến các bạn FPT hôm nay.

Chúng tôi chia tay, hẹn những lần gặp khác với chung một cảm xúc “ISC, cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. 

Bùi Quang Ngọc

Tổng giám đốc FPT

Trích “Sử ký FPT 20 năm”

Cùng chuyên mục

Đăng Kí học Fpoly 2023

Bình Luận