Chiều cuối năm. Được ngày vãn khách, mấy chị em ríu rít chuyện trò trên trời dưới biển. Bỗng chị Trưởng phòng hầm hầm đi vào, đập mạnh tập phong bì trên tay xuống bàn, cáu:
– Cùng là trưởng phòng ở FPT mà trưởng phòng chỗ khác được thưởng tận mấy ngàn đô, mình chỉ được có mấy triệu. Thật bất công!
– Chị ơi, chắc tại Trung tâm mình làm ăn kém hiệu quả – Một cô rụt rè.
– Kém gì mà kém. Trung tâm mình năm nay còn đứng trên cả Trung tâm kia về hiệu quả kinh doanh đấy.
Cả lũ tròn mắt, chẳng hiểu tại sao lại có chuyện “ngược đời“ như vậy. Trung tâm năm nay phát triển tốt, doanh số tăng nhanh, hiệu quả kinh doanh thuộc loại nhất nhì. Tại sao bất công lại nhằm đầu họ rơi xuống?
Phẫn uất. Tò mò. Mọi người chia nhau tìm hiểu. Đầu tiên là kiểm chứng. Với những bạn bè thân thiết thì nguyên tắc bí mật lương thưởng của FPT chẳng có ý nghĩa gì. Sau một chầu cà phê, câu chuyện được sáng tỏ. Cả lũ rầu rĩ ôm nhau ra về, cố nuốt nước mắt vào bụng, âm thầm than thở cho thân phận của mình. Họ cùng nhau tắt điện thoại, không nhắn tin… để khỏi phải nghe những lời rủ rê shopping hay đàn đúm từ những đứa bạn đồng môn may mắn đang làm việc ở trung tâm kia.
Đầu năm mới, Giám đốc Trung tâm tậu ôtô, xây nhà. Cả lũ chỉ biết ngưỡng mộ: Sếp mình thành đạt thật!
Lời bàn:
Việc FPT ủy quyền cho Lãnh đạo các đơn vị thành viên toàn quyền quyết định việc khen thưởng cho nhân viên không phải là một quyết định sai. Tuy nhiên, do thiếu hướng dẫn đầy đủ nên việc khen thưởng ở một số nơi chưa thật công minh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc này. Thứ nhất, chúng ta chưa có các tiêu chí rõ ràng để đánh giá sự đóng góp của nhân viên, ngoại trừ khu vực kinh doanh là nơi doanh số – chi phí – lợi nhuận đều được thể hiện bằng những con số. Thứ hai, chúng ta chưa có quy trình đánh giá nhân viên một cách khoa học theo toàn bộ quá trình đóng góp. Thứ ba, ở một số đơn vị thiếu sự thảo luận dân chủ trong Ban lãnh đạo, người đứng đầu quyết định một mình.
Là người nắm giữ toàn bộ thành quả, có toàn quyền phân phát, lại không có tiêu chí rõ ràng, không có quy trình đánh giá… thì hiển nhiên Sếp ta chỉ có một cách duy nhất là phân chia thành quả theo cảm tính. Cậu này hay cãi, làm mất thời gian lãnh đạo: Khỏi thưởng. Cô kia suốt ngày im lặng, làm sếp căng thẳng: Khỏi thưởng. Ai năng động thì nhiều khiếm khuyết, ai thụ động thì chẳng có gì nổi bật. Vì là người có tư duy logic, Sếp không hình dung ra tại sao lại phải chia thưởng cho những người hoặc khiếm khuyết, hoặc không có gì nổi bật. Quỹ thưởng không chia cho ai, tất nhiên còn đó. Sếp ta sử dụng tậu ô tô, xây nhà… e cũng chỉ là chuyện bất đắc dĩ!!!
Rất may là những vị lãnh đạo đi ngược với truyền thống FPT như thế không phải là phổ biến, đồng thời FPT cũng nhận thức được lỗ hổng mang tính hệ thống này và đã có nhiều biện pháp khắc phục.