Sau Hội nghị Diên Hồng năm 1998, cả FPT hừng hực khí thế xuất khẩu phần mềm. Nhưng con đường đi thế nào, cách thức đi ra sao thì không ai biết. Mặc dù đã có những tấm gương của Ấn Độ, Israel… về gia công xuất khẩu phần mềm, nhưng noi theo họ không dễ một chút nào. Chúng ta kém họ đủ thứ: kém ngoại ngữ, kém quy trình, kém kinh nghiệm, kém nă ng suất, kém giao tiếp quốc tế, kém quan hệ khách hàng, kém thương hiệu… Không biết đến bao giờ mới có thể khắc phục hết những yếu kém này. Ai cũng hoang mang.
Đang lay hoay, tình cờ trong một chuyến công tác khoảng cuối năm 2001, lãnh đạo FSoft gặp năm cô Oshin người Việt ở Đài loan trong lúc chờ nối chuyến. Sau đây là câu chuyện tưởng như đơn giản nhưng có lẽ không bao giờ quên với các anh:
– Đi làm nước ngoài, các em có phải cạnh tranh với ai không?
– Có chứ, chúng em ngại nhất là bọn Phi
– Thế nó hơn gì mình?
– Nhiều thứ lắm, khoẻ hơn, vì thế nên cũng chăm hơn. Sạch hơn vì mình quen ở bẩn từ bé. Họ cũng ngoan hơn còn mình thì chủ mắng câu trước câu sau là chống hông cãi lại ngay.
– Hay thật, đi làm Oshin mà yếu hơn, lười hơn, ở bẩn hơn, hay cãi hơn thì ai thuê bọn em?
– Thì chúng em vẫn đi làm đây thôi. Con bé này kiếm được cái cup cho chồng rồi đấy, em thì chuyến này về hẳn, trả nợ rồi mở cái hiệu may. Các anh thử đoán xem tại sao?
– ???
– Chúng em nấu ăn ngon hơn!!! Và đối với nhiều gia đình thì ăn uống là quan trọng bậc nhất. Có những gia đình đã cho chúng em nghỉ việc vì hay cãi, nhưng sau đó đã gọi lại chúng em, vì người Philippin chỉ nấu theo sách, không nếm thì làm sao mà ngon được.
Không thể có bài học nào sáng hơn cho lúc đó. Thay vì loay hoay khắc phục tất cả các điểm yếu, Fsoft đã tập trung biến thế mạnh ham học, giỏi thi, dễ chấp nhận văn hoá ngoại của người Việt thành CMM5, thành khả năng học hỏi công nghệ J2EE, .Net, thành thái độ tận tuỵ đến cùng với các khách hàng nước ngoài.
Xin cám ơn những cô Oshin người Việt đã chỉ đường ra thế giới.
Lời bàn:
Hóa ra cái khẩu hiệu “Khắc phục điểm yếu, Phát huy điểm mạnh” là hết sức giáo điều. Có thể điểm yếu chưa khắc phục được ngay, nhưng quan trọng nhất là biết khai thác, phát huy điểm mạnh. Nếu bạn chỉ thuận chân phải thì đừng cố gắng rèn luyện để có thể làm hậu vệ cánh trái. Hãy tập trung làm việc gì mà chúng ta có khả năng làm tốt nhất.